Chuyên gia tâm linh bàn về đám tang với dàn xe siêu sang

Không chỉ đám cưới sử dụng dàn xe sang để rước dâu, mới đây, ở Nam Định, một gia chủ cũng sử dụng dàn xe siêu sang để đưa người đã khuất về cõi vĩnh hằng, gây xôn xao cộng đồng mạng.

Đám tang sử dụng dàn xe siêu sang được tổ chức tại Nam Định. Ảnh: TL

Dùng siêu xe đưa đám

Dù có những quy định về việc tổ chức tang lễ, cưới xin thực hiện theo nguyên tắc trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng tình trạng phô trương, lãng phí vẫn diễn ra không chỉ ở đám cưới mà cả đám tang, không chỉ thành phố mà tại các vùng quê. Thực tế ở nhiều vùng quê cũng không hiếm những đám tang, liễn đối, vòng hoa lớp trong lớp ngoài, chở mấy xe mới hết. Nhiều người nhìn vào đó để đánh giá đám tang thuộc diện nào.

Mới đây, đám tang của một cụ ông ở Hải Hậu, Nam Định đã khiến cộng đồng mạng bàn tán nhiều với đoàn xe tang gồm bộ đôi Rolls- Royce Phantom và Bentley Mulsanne cùng hàng chục chiếc xe sang mang nhãn hiệu Lexus, Toyota Land Cruiser 2016 hay Audi Q7. Các xe được trang trí hoa lan vàng, đài sen cầu kì. Để phục vụ đám tang này, gia đình cũng đã mắc tới 17 chiếc rạp.

Sau khi hình ảnh đám tang được đăng tải trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Có ý kiến đồng tình, cho rằng gia đình có điều kiện có quyền làm vậy và nhiều người khen tấm lòng của những người con với người cha đã khuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lên tiếng phản đối, cho rằng đám tang tổ chức quá lãng phí.

Người xưa có câu “Ai khen đám cưới, ai cười đám ma”. Trước đây, đám tang của một cán bộ ở Kon Tum cũng đã từng gây choáng với nhiều người bởi đoàn xe tiễn đưa. Khi clip được đăng tải, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối, họ tỏ ra không hài lòng với cách làm của địa phương bởi hình ảnh lễ đưa ma quá phô trương khi huy động một lực lượng xe lớn đến như vậy gây phản cảm.

Nên hồi hướng cho người đã mất

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc tổ chức cưới, tang một cách phô trương, lãng phí dường như đang thành trào lưu.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức thì về mặt luật pháp không ai cấm họ làm việc đó vì họ có điều kiện và cũng không ai đánh giá họ về mặt đạo đức rằng làm như vậy là xấu xa. Có thể những người con của cụ ông trong đám tang muốn tỏ bày một tình cảm trân trọng, báo hiếu với người đã khuất. Nhưng xét ở một góc độ khác thì chưa thật đẹp. Về vấn đề nhân sinh thì cũng cần có cái nhìn cộng đồng, bởi thực tế trong xã hội còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Vì vậy, gia đình nên tổ chức một đám tang giản dị, hòa với đời sống xã hội nói chung thì sẽ đẹp hơn. Cái đẹp phải là sự hài hòa giữa cá nhân gia đình với xã hội. Ở đây không có sự hài hòa chung, mà có vẻ thiếu đi một tinh thần cộng đồng nên nó không phải là cái đẹp.

Nhìn nhận về đám ma toàn siêu xe này, ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cũng cho rằng, khi đời sống ngày càng sung túc, “phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều đám ma rình rang, kéo dài nhiều ngày, vòng hoa tràn ngập mộ phần. Dùng siêu xe, xe sang đưa tang hay tổ chức một đám tang rình rang cũng chỉ là nghi thức đối với người đã khuất. Đây chỉ là hình thức bên ngoài. Về tâm linh không cần phải vậy, sự lãng phí là không cần thiết.

Cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất là làm điều thiện, không sát sinh và đem đồng tiền phúng viếng lập quỹ từ thiện, tụng kinh hồi hướng công đức cho người mất. Việc làm hoang phí sẽ không mang gì cho người mất mà còn làm giảm công đức, bởi lý do họ chết mà người dương phải tốn kém, phí phạm nhiều.

Các chuyên gia cũng khuyên rằng, mọi người nên nhớ câu “Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi”. Hiếu nghĩa thực lòng là phải biết cung kính, chăm sóc ông bà, cha mẹ từ khi các vị còn sống. Đành rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng cũng không phải vì vậy mà rình rang quá mức.

“Việc báo hiếu với cha mẹ thể hiện ở tấm lòng, còn hình thức thể hiện bao nhiêu cũng không biết thế nào cho vừa. Theo quan điểm của tôi, không phải cứ tổ chức đám ma to, đắt tiền mới là báo hiếu. Một ông bố, bà mẹ, nhất là đi theo Phật họ sẽ thấy vui lòng hơn khi con cháu làm giản dị, dùng số tiền “phô trương” ấy để giúp ích cho những cộng đồng nghèo khó. Như thế, cái hồn của họ cũng sẽ siêu thoát sớm vì các con đã làm điều gì đó cho cộng đồng. Phật cũng dạy chúng ta phải giản dị, hòa đồng, quan tâm cứu nạn cứu khổ. Thế giới tâm linh không cần phải phô ra mới là biết mà chính hồn phách của cha mẹ chứng giám con cái làm điều thiện còn quan trọng, ý nghĩa hơn”.

PGS.TS Lê Quý Đức

Hà My

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-gia-tam-linh-ban-ve-dam-tang-voi-dan-xe-sieu-sang-20161107082320649.htm