Chuyên gia: Quan hệ Nga-Trung gần giống như một liên minh

Chuyên gia Nga cho rằng với sự gần gũi về quân sự và kinh tế như hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã gần giống như một liên minh.

Vào ngày 2/9 tới đây, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2016 sẽ diễn ra tại Vladivostok, Nga. Chủ đề chính trong chương trình nghị sự sẽ là thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước châu Á.

Trong một bài tham luận chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, chuyên gia Vasily Kashin từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông nhận định rằng Nga và Trung Quốc là đồng minh chính trị thân cận của nhau, và với những triển vọng trong thời điểm hiện tại, rất có thể trong tương lai, hai nước có thể hình thành nên một liên minh quân sự.

Nga-Trung có triển vọng hình thành một liên minh quân sự tương lai?

Trong bài viết, tác giả đã nêu bật những lĩnh vực chính có thể tiến tới hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù còn thiếu các số liệu thống kê đáng tin cậy nhưng bài viết cho rằng hợp tác kinh tế Nga-Trung đang nở rộ.

Gần đây, các nhà kinh tế Trung Quốc đánh giá dựa trên dữ liệu về các dự án lớn của Trung Quốc tại Nga cho biết, các khoản đầu tư từ nước này vào nền kinh tế Nga đã đạt giá trị từ 32-33 tỷ USD.

Trang Lenta.ru dẫn lại số liệu trong bài viết nói rằng, "Trung Quốc đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Nga. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn thứ hai của của Moscow chỉ sau Liên minh châu Âu, với tổng giá trị thương mại lên đến 68 tỷ USD trong năm 2015".

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine gần đây đã nổ ra những tranh luận về khả năng hình thành một liên minh Nga-Trung. Tuy nhiên, cả hai nước đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng về một liên minh chính trị - quân sự với lý do một liên minh như vậy sẽ trở thành cái cớ cho NATO mở rộng ảnh hưởng về phía Đông cũng như tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.

"Một liên minh chính thức sẽ mang lại một số số lợi ích cho cả hai nước. Đầu tiên, nó sẽ cung cấp một sự đảm bảo về an ninh cho cả Nga và Trung Quốc. Thứ hai, nó sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác về cả chính trị và quân sự", chuyên gia Vasily Kashin nhận định.

Tác giả bài tham luận nói rằng Nga và Trung Quốc từ lâu đã có hợp tác quân sự với nhau, trong đó nổi bật nhất là các cuộc tập trận chung lớn kể từ năm 2005. Quân đội Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các hội thao quân sự quốc tế tại Nga.

Hai nước thường tập trung vào các hoạt động diễn tập chống khủng bố, triển khai chiến dịch trên bộ, chống tàu ngầm và phòng không.

Trong năm 2016, Nga và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung và các cuộc diễn tập có sự tham gia của Lực lượng Cận vệ Quốc gia Nga và lực lượng Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc.

Các chuyến thăm cấp cao giữa hai người đứng đầu nhà nước cũng được diễn ra thường xuyên. Trong suốt thời gian làm Tổng thống, ông Putin đã có 11 lần đến thăm chính thức Bắc Kinh.

Moscow và Bắc Kinh cũng có lập trường về một số vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề về Iran, Syria, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, và phát triển các sáng kiến chung như chiến lược ổn định toàn cầu và an ninh thông tin.

Ngoài ra Nga và Trung Quốc có các kênh thông tin liên lạc giữa các bộ, cơ quan an ninh, quân sự và các quan chức ngoại giao.

Với sự gần gũi như vậy, tác giả bài viết cho rằng "mức độ phối hợp và hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh là nhiều hơn một quan hệ đối tác đơn thuần. Hợp tác kinh tế cũng đang dần phát triển mạnh mẽ hơn. Quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã gần giống như một liên minh".

Tuy nhiên ông Vasily Kashin cũng lưu ý rằng có những khó khăn trong quan hệ Nga-Trung, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế. Cả Nga và Trung Quốc đều đang gặp trở ngại từ sự quan liêu của một số tập đoàn nhà nước đang khiến nhiều dự án chung bị trì trệ.

"Hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh bắt đầu vào giữa những năm 1990 và hiện nay đang phát triển. Cuộc khủng hoảng Ukraina và căng thẳng ở một số khu vực đã đẩy nhanh sự hợp tác này. Trong tương lai, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể sẽ có những mục tiêu chiến lược rõ ràng ", tác giả bài viết kết luận.

Minh Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-quan-he-nga-trung-gan-giong-nhu-mot-lien-minh-a256036.html