Chuyên gia phân tích lý do: Vì sao cần 'siết' kinh doanh ô tô?

Việc đưa sản xuất lắp ráp ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện được cho là có nhiều lợi ích với người dùng và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Xã hội phát triển, điều kiện kinh tế được nâng cao cùng với đó là nhu cầu sở hữu xe ô tô của người dân cũng theo đó tăng lên. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2015, tổng số lượng xe tiêu thụ của cả nước đạt trên 350.000 xe các loại và dự báo năm 2016 sẽ đạt khoảng 500.000 xe các loại. Chính vì vậy, khí có bất cứ một sự thay đổi về chính sách của nhà nước đều được sự quan tâm và phản hồi của dư luận.

Đưa việc bảo hành bảo dưỡng xe về đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất

Luật sửa đổi bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được trình Quốc hội, Chính phủ, đề xuất xem xét bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong khi vẫn giữ nguyên ngành “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” hiện đã được quy định.

Việc này đang gây ra cuộc tranh luận gay gắt về tính bảo hộ cho các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính trong ngành sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Ô tô là loại phương tiện đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến an toàn tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình, người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông khác.

Với dòng đời của một chiếc ô tô thường rất dài, nhất là với xe chở người dưới 9 chỗ, việc bảo đảm cho xe luôn trong tình trạng vận hành an toàn phải được nhà sản xuất và cung cấp xe bảo hành cho sản phẩm của họ. Những đợt thu hồi để sửa chữa, bảo hành của các công ty sản xuất ô tô gần đây là một minh chứng cho thấy: Chỉ những chiếc xe được phân phối chính hãng mới có quyền lợi này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng thường dùng “chiêu” gian lận thương mại, mua xe qua khâu trung gian với giá mua cao hơn chính hãng, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại bán rẻ hơn. Đã có tình trạng nhà nhập khẩu không chính hãng khai giá mua xe, bán xe thấp hơn thực tế và cắt bớt một số tính năng vận hành cũng như an toàn và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài để hưởng lợi, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Đơn cử như, có những mẫu xe giá nhập khẩu chính hãng khai 45.000 USD thì doanh nghiệp không chính hãng chỉ khai 15.000 USD, nhờ đó giá tính thuế thấp và giảm khoản chi rất lớn, doanh nghiệp hưởng lợi nhưng Nhà nước thất thu.

Chính vì vậy, theo ông Liên, bên cạnh việc tạo cơ sở, giảm nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng và kiểm tra an toàn kỹ thuật, quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp này cũng đồng thời hạn chế việc gian lận thuế gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển

Với câu hỏi liệu đưa ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giá xe liệu có thể tăng lên không, ông Bùi Danh Liên cho rằng: "Giá xe phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo lẽ thường, khi phát sinh thêm nhiều dịch vụ, điều kiện để được kinh doanh thì giá xe sẽ tăng lên. Nhưng cùng với sự hội nhập vào kinh tế thế giới thì thuế nhập khẩu sẽ giảm, dẫn tới giá xe sẽ giảm. Xét về dài hạn thì người dân sẽ được hưởng lợi khi đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện".

Đưa sản xuất, lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: Vũ Sơn

Đồng thuận với ý kiến này, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thuế nhập khẩu, các loại phí và quan trọng nhất là thị trường.

Thị trường ô tô Việt Nam được xếp vào các thị trường đang phát triển, tiềm năng là rất lớn. Nhưng hiện tại thị trường vẫn còn nhỏ nên cần định hướng để phát triển theo chiều sâu, tránh đầu tư manh mún, dàn trải sẽ khó có cơ hội tiếp nhận những nguồn lực đầu tư lớn cùng với mong muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất và lắp ráp ô tô.

Ông Nam cũng nhấn mạnh: Dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô hiện nay có rất nhiều đơn vị tham gia. Chủng loại vật tư, phụ tùng sửa chữa, bảo dưỡng thay thế có nhiều loại xuất phát từ nguồn nhập khẩu không chính ngạch, chất lượng không kiểm soát được và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi vận hành trên đường.

Vì vậy, với chính sách sửa luật, siết đầu tư kinh doanh ô tô, vị Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam này kỳ vọng: Sẽ đưa công nghiệp sản xuất phụ trợ của ngành ô tô phát triển, tham gia sâu hơn nữa vào dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Vũ Sơn

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-gia-boc-me-ly-do-vi-sao-can-siet-kinh-doanh-o-to-d108537.html