Chuyên gia Na Uy chia sẻ về xả lũ của thủy điện châu Âu

Chức năng hồ chứa nước của các công trình thủy điện ở châu Âu được quy định rõ ràng trong giấy phép hoạt động, thường giúp hạn chế lũ rất lớn.

Nhiều người dân phải sống tạm trên bè chờ lũ rút. Ảnh: Đức Hùng

"Yêu cầu chung với việc xả nước của thủy điện ở Na Uy là lũ không được tăng quá so với mức lũ tự nhiên. Các nhà máy thủy điện được phép xả nước theo giấy phép hoạt động đã được cấp trước đó", Giáo sư Ånund Killingtveit, chuyên gia tại Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy, trao đổi với VnExpress.

Theo ông Killingtveit, thông thường hồ chứa của các nhà máy thủy điện hoạt động theo phương thức giúp lũ ở hạ nguồn được giảm bớt, trong nhiều trường hợp nó giúp hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, với các nhà máy vận hành theo dòng chảy bình thường của con sông và có hồ chứa nhỏ thì chúng không có tác dụng giảm lũ cho hạ nguồn. Dù vậy, mức lũ do các nhà máy loại này xả ra cũng không được tăng cao hơn so với mức lũ tự nhiên. Điều đó phụ thuộc vào quy trình vận hành.

"Nếu lũ được xả qua các cửa xả thì các cửa này cần được mở dần dần để mức lũ dâng lên từ từ, nhờ đó người và tài sản có thể được sơ tán sang nơi khác an toàn hơn. Điều đó rất quan trọng", Giáo sư Killingtveit nói.

Chuyên gia này lưu ý Na Uy có hệ thống cảnh báo lũ trên quy mô toàn quốc do chính phủ vận hành và cảnh báo được đưa sớm trước khi có thiên tai xảy ra. Trong khi các quy định xả lũ không chỉ được áp dụng chung ở Na Uy mà còn được thực hiện ở các nước châu Âu khác.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hôm 16/10 cho rằng hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu "không kịp trở tay" ngoài nguyên nhân mưa lớn còn do nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ. Theo thống kê sơ bộ khoảng 5.000 nhà dân trên địa bàn bị ngập, thiệt hại tài sản chưa kiểm đếm được vì nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh Tuyên Hóa, Quảng Bình và xã Hương Trạch) tiếp tục xả lũ, do vậy nước không rút mà còn có dấu hiệu dâng lên.

Trước phản bác của giám đốc nhà máy rằng "việc xả lũ là đúng quy trình" nhằm đảm bảo an toàn đập, ông Huấn cho rằng việc này "không thuyết phục", nghi ngờ mức xả cao hơn so với thông báo đưa ra.

Nói cụ thể hơn về hoạt động của các hồ chứa, Giáo sư Hans-Peter Nachtnebel, Đại học Tài nguyên và khoa học đời sống, Áo, cho biết các quy định về mục đích sử dụng hồ chứa phải được nêu rõ. Có hồ chứa chỉ dành cho hoạt động của nhà máy thủy điện, có hồ chứa lại kết hợp cả chức năng chống lũ, sản xuất điện và tưới tiêu. Mỗi loại hồ cần tuân theo quy định hoạt động đã được nêu ra trong thiết kế tổng thể của hệ thống.

Đề cập tới trách nhiệm của những người vận hành nhà máy thủy điện, Giáo sư Killingtveit cho hay ở Na Uy nếu người vận hành nhà máy thủy điện làm gia tăng lũ lụt do vận hành sai, họ có thể bị đưa ra tòa và bị truy tố. Họ có thể bị xem xét do xao lãng trong khi thực hiện nhiệm vụ. Những người có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường tài chính nếu xảy ra thiệt hại.

Khi đã xảy ra sự cố do thủy điện xả lũ, Giáo sư Nachtnebe lưu ý với trường hợp lũ dâng lên do nhà máy thủy điện Hố Hô xả nước cần điều tra kỹ để đưa ra kết luận.

"Nhiệm vụ chính là xem xét hoạt động của hồ chứa trong khi có lũ và so sánh với quy định vận hành chung", ông Nachtnebel nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/chuyen-gia-na-uy-chia-se-ve-xa-lu-cua-thuy-dien-chau-au-d33589.html