Chuyên gia khoáng sản 'mổ xẻ' lỗ hổng dẫn tới thất thu thuế tài nguyên

Thu thuế tài nguyên những năm qua tuy có xu hướng tăng lên, song vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, xấp xỉ trên 1% trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Khai thác đá hoa trắng tại Yên Bái. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Khai thác đá hoa trắng tại Yên Bái. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo nhận định của các chuyên gia, trong ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô, nhưng thực tế nguồn thu thuế tài nguyên chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, xấp xỉ trên 1% trong tổng thu ngân sách nhà nước, quá khiêm tốn so với tiềm lực.

Khai thác nhiều, ngân sách vẫn thất thu

Bà Trần Thanh Thủy, đại diện Liên minh khoáng sản cho biết, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng ximăng, 1% sản lượng barite trên thế giới. Ngoài ra, một số mỏ khoáng sản khác cũng được khai thác với số lượng lớn như than, dầu thô, apatite...

Tuy nhiên, hiện ngành khai khoáng vẫn đang tồn tại một nghịch lý là sản lượng khai thác khoáng sản lớn, nhưng khoản thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước rất thấp, chỉ chiếm từ 0,9 đến 1,1% tổng thu ngân sách.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, bà Thủy cho biết, năm 2011, nhà nước thu được khoảng 7.954 tỷ đồng thuế tài nguyên ngoài dầu khí, chiếm khoảng 1,1% ngân sách. Sang đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 6.539 tỷ đồng, chiếm 0,9% ngân sách. Đến 2013, mức thu thuế tài nguyên có tăng nhẹ, nhà nước thu 7.462 tỷ đồng, chiếm 1% ngân sách.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia khoáng sản, mức thu từ khai thác khoáng sản chiếm khoảng 5% đến 25% GDP, mà theo Tổng cục Thống kê thì số thu từ ngành khai khoáng trong năm 2014 của Việt Nam đóng góp vào GDP là 426.184 tỷ đồng, như vậy ước tính năm 2014 ngân sách thất thu từ khai khoáng và dầu khí từ 21.309 đến 106.546 tỷ đồng.

Cũng theo bà Thủy, mặc dù ngành khai khoáng đang tồn tại nghịch lý “sản lượng khoáng sản lớn, khoản thuế đóng góp thấp” nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nào về tình hình trốn thuế ở doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Trong khi đó, các khoản thu thuế tài nguyên chủ yếu dự trên sản lượng do doanh nghiệp tự khai báo (sản lượng thấp hơn thực tế), chất lượng, giá bán và thuế suất…

Đơn cử như mỏ vàng Bồng Miêu thuộc tập đoàn Besra (Canada) tại tỉnh Quảng Nam, được cấp phát cách đây 16 năm. Thời điểm mỏ nhận được ưu đãi thuế tài nguyên ở mức 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 18% và có ưu đãi tuyệt đối, vừa được xuất khẩu, vừa được tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, mỏ vàng Phước Sơn thì có giấy phép cách đây 6 năm, đang phải áp mức thuế tài nguyên là 15% giá trị sản phẩm khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 40% lợi nhuận thu được và chỉ được xuất khẩu chứ không được tiêu thụ trong nước.

“Vì thế, một lượng vàng không nhỏ của mỏ vàng Phước Sơn được chuyển sang Bồng Miêu để hưởng thuế suất và nhiều ưu đãi phân phối. Sự việc chỉ được phát hiện khi nhà máy vàng Bồng Miêu dừng khai thác để sửa chữa nhưng liên tục xuất hóa đơn bán vàng cho các cửa hàng, doanh nghiệp vàng trong nước,” bà Thủy nói.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia độc lập về khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Thành Sơn - Công ty New Technology Solutions cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản với quy mô lớn, nhưng đóng góp vào ngân sách thấp là do phát triển “nóng” và chạy theo thành tích, dẫn đến quản lý lỏng lẻo, ưu đãi quá mức cần thiết cho doanh nghiệp.

Chỉ rõ hơn về bất cập trên, ông Sơn cho rằng, từ trước tới nay ngành khai thác khoáng sản Việt Nam vẫn luôn ở trong tình trạng lỗ. Đơn cử như việc tồn đọng 12 triệu tấn than của TKV, nhưng toàn là than xấu, không mang đi đâu bán được, còn than đẹp thì bị ăn cắp và mang ra bên ngoài hết.

Một ví dụ khác được ông Sơn cho là lãng phí, không minh bạch chính là vấn đề khai thác ở mỏ vàng Phước Sơn với trữ lượng 20 tấn, nhưng Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp cho đối tác nước ngoài khai thác chỉ có 7 tấn thì lấy đâu nguồn thu. “Trong việc này, ngay từ khâu cấp phép đến phê duyệt dự án...đều không minh bạch,” vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khai thác vàng trái phép tại tỉnh Quảng Nam. (Hùng Võ/Vietnam+)

EITI - công cụ “vạch lá tìm sâu”

Trước thực tế nêu trên, từ năm 2007, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham vấn thực hiện tiến trình minh bạch khai thác tài nguyên, chống thất thoát, tham nhũng. Tuy nhiên, lộ trình tiếp cận sáng kiến này trong thời gian qua còn gặp nhiều ý kiến trái chiều về rào cản, rủi ro khi Việt Nam ra nhập.

Tại tọa đàm “Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?” tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo vệ “lợi ích nhóm” là nguyên nhân chính khiến tiến trình minh bạch khai thác tài nguyên, chống thất thoát nguồn thu bị gián đoạn. Trong khi, EITI được xem là việc "vạch lá tìm sâu," tìm sai phạm nên rất nhiều người phản đối việc gia nhập này.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, việc tham gia EITI sẽ góp phần giảm hành vi trốn, tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro pháp lý cho Chính phủ, đặc biệt là công đoạn cấp phép; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để lựa chọn dự án có hiệu quả; minh bạch cấp phép, sản xuất và thu ngân sách.

Số liệu thống kê cho thấy của Liên minh Khoáng sản cũng cho thấy, việc tham gia EITI đã giúp nhiều nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Hiện nay, trên thế giới có 53 quốc gia tham gia EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy…

“Theo ước tính, nếu tham gia sáng kiến minh bạch này và thực hiện đầy đủ EITI thì Việt Nam cũng có thể bổ sung được trên 1 tỷ USD vào ngân sách từ hoạt động thu thuế tài nguyên,” bà Trần Thanh Thủy, đại diện Liên minh khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chi phí tham gia EITI không quá lớn, có thể kêu gọi viện trợ quốc tế để tiết kiệm ngân sách.

“Ví dụ, Mông Cổ vận hành chỉ mất hơn 1 tỷ đồng, chưa bằng 1 chuyến đi tham quan của cơ quan nhà nước đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm quốc tế. Với các danh mục khai khoáng là bí mật nhà nước như dầu khí có thể loại bỏ khỏi danh sách thực hiện EITI,” ông Tuấn nói.

Vậy, tại sao đến nay lộ trình tham gia vào EITI của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, trong khi các nước Châu Phi, Trung Đông đã tham gia lâu? Ông Tuấn đặt ra câu hỏi và cho rằng dường như Việt Nam đã chọn sai cơ quan chủ trì, bởi khi hành xử, Bộ này lại cân nhắc lợi ích giữa quản lý Nhà nước với quan hệ với các tập đoàn lớn.

“Theo quan điểm của tôi, cần đưa vấn đề nghiên cứu, tham vấn Chính phủ về Bộ Tài Nguyên, Bộ Tài Chính hoặc Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hoặc lập một Ủy ban tổng hợp tiến trình gia nhập EITI sẽ nhanh hơn,” ông Tuấn nói.

Góp thêm tiếng nói, phó giáo sư tiến sỹ Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tham gia vào Sáng kiến EITI. Bởi, chỉ có minh bạch hóa ngành khai khoáng mới giúp trám đầy các kẽ hở bên trong quản lý thu ngân sách từ khoáng sản, nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước../.

Chuyên gia "mổ xẻ" lỗ hổng thất thu thuế tài nguyên

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-khoang-san-mo-xe-lo-hong-dan-toi-that-thu-thue-tai-nguyen/405892.vnp