Chuyên gia Israel "tiết lộ" bí quyết khởi nghiệp xuất sắc với nông nghiệp

“Cách đây 20 năm, chúng tôi hiểu phát triển nông nghiệp phải đảm bảo 4 yếu tố: gắn liền với môi trường, công nghệ cao, công nghệ sinh học và phát triển nghiên cứu” – bà Loreen Weintraub nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ngày 27/12, bà Loreen Weintraub, Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA cho biết, Israel là một đất nước rất nhỏ với diện tích chỉ hơn 20.000 km2, tổng dân số chỉ tương đương Hà Nội hoặc TP. HCM. Một đặc điểm nữa là đất nước này tiếp nhận nguồn dân di cư rất lớn, bằng 350% dân số.

Bà Loreen Weintraub, Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA.

Cách đây 20 năm, chúng tôi hiểu phát triển nông nghiệp phải đảm bảo 4 yếu tố: gắn liền với môi trường, công nghệ cao, công nghệ sinh học và phát triển nghiên cứu”, bà Loreen Weintraub nhấn mạnh.

Hiện tại đất nước Israel có hơn 5 nghìn DN khởi nghiệp, phần lớn những nguồn vốn khởi nghiệp bắt nguồn từ quân đội và về sau là nguồn vốn của tư nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Israel luôn coi nghiên cứu phát triển là quan trọng nhất trong đầu tư phát triển nông nghiệp.

Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng để làm được như vậy với những yếu tố về đất nước, con người tài giỏi sẽ là nam châm hút các nghiên cứu phát triển từ các DN lớn” , bà Loreen nói.

Theo bà Loreen Weintraub, yếu tố để giúp khởi nghiệp thành công là khi bắt đầu sự nghiệp nhỏ phải có ý nghĩ lớn ra toàn cầu và có giá trị với xã hội và toàn cầu. Thứ hai là thu hút đầu tư phải chọn ý tưởng, chọn nhân lực tốt.

Hiện nay, Israel đang đứng đầu thế giới về thiết bị công nghệ sinh học tính theo bằng sáng chế phát minh. Tuổi thọ trung bình của Israel xếp thứ 7 thế giới.

Bà Loreen Weintraub cho rằng tuổi thọ của con người phụ thuộc vào môi trường nên việc phát triển nông nghiệp phải gắn liền với công nghệ xanh và môi trường tốt. Các DN Israel đã sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng chịu nhiệt để phát triển.

Những công nghệ mà Israel đang áp dụng được xuất phát từ những ý tưởng nhỏ, từ những hạn chế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. Ví dụ như điện toán đám mây trong nông nghiệp, biết được thực trạng của đồng ruộng, lượng nước… Điều này sẽ nâng cao hiệu quả và năng suất và DN khi canh tác trên mảnh đất đó sẽ biết chính xác năng suất bao nhiêu. Hay lai tạo những giống cây mới chịu được khô hạn.

Việt Nam cũng mong muốn được chuyển giao công nghệ, nhưng theo bà điều quan trọng hơn là Việt Nam phải tự nghiên cứu xem điều gì là phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhất.

Tôi cho rằng, để khởi nghiệp tốt thì yếu tố quan trọng là phải có sự hợp tác và trao đổi thường xuyên giữa các bên tham gia trong chuỗi phát triển của mình, và phải tính tới khí hậu môi trường phù hợp để phát triển hài hòa với nhau”, bà Loreen Weintraub nói.

Tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, suốt 30 năm qua, nông nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nền kinh tế hộ gia đình, manh mún, không gắn kết nên không phát triển được.

Theo ông, càng ngày càng có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí có nhiều sinh viên vừa ra trường đã về nông thôn để khởi nghiệp từ trồng rau, nuôi lợn… Sự thức tỉnh của giới trẻ là tín hiệu đáng mừng cho đất nước.

Song đây mới chỉ là hiện tượng, để khởi nghiệp trong nông nghiệp thành phong trào và thành công cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp.

Ông Phạm Quang Hiển – Vụ trưởng Vụ Quản lí Doanh nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến hết tháng 2/2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản).

Số lượng DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước.

Trên thực tế Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho rằng cần phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Thứ nhất, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; Thứ hai, cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; Thứ ba, có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); Thứ tư, xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; Cuối cùng là, cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.

Theo Diệu Thùy (Infonet)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-gia-israel-tiet-lo-bi-quyet-khoi-nghiep-xuat-sac-voi-nong-nghiep-c7a486051.html