Chuyên gia giao thông lên tiếng việc Hà Nội xây bến xe 'khủng'

“Tôi đề nghị tiến hành đấu thầu công khai. Nếu chỉ phân bổ cho những đơn vị thuộc sở GTVT hoặc UBND quản lý sẽ tạo sự không minh bạch", ông Bùi Danh Liên nói.

Mới đây, để cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP.Hà Nội quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết bến xe khách liên tỉnh kết hợp điểm đầu cuối xe buýt phía Đông, tỉ lệ 1/500 tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.

Ông Bùi Danh Liên.

Đại diện tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, dự án do tổng công ty đầu tư xây dựng, dự kiến đưa bến xe vào vận hành trong năm 2018.

Bến xe phục vụ nhu cầu đi lại các tỉnh phía Đông và Đông Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đồng thời, đảm nhận một phần lưu lượng vận tải theo hướng Bắc, thông qua các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3 (điều tiết từ bến xe Mỹ Đình); một phần lưu lượng vận tải theo hướng phía Nam thông qua Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh…

Nhiều người dân tỏ ra hết sức hào hứng trước thông tin này, song cũng có một số người e ngại. Ông Phạm Quyết Thắng (Kiến An, Hải Phòng) cho biết: “Không biết TP. quy hoạch cụ thể như thế nào vì đường từ nội thành sang Gia Lâm tương đối xa. Hiện tại, tôi sống ở Mỹ Đình, Hà Nội nên vẫn có thói quen bắt xe của nhà xe Ô Hô từ Lương Yên đi qua đường Láng – Hòa Lạc để về Hải Phòng, rất tiện. Nếu phải di chuyển một chặng nữa sang Cổ Bi, Gia Lâm, tôi thấy hơi bất tiện”.

Bà Đặng Thị Oanh (Khoái Châu, Hưng Yên) cùng suy nghĩ: “Nếu sau này phải di chuyển lên bến xe Cổ Bi, đường vào trung tâm TP.Hà Nội với tôi cũng tương đối xa. Tôi ở khu vực Cầu Giấy, nếu bắt một tuyến xe nữa sang Gia Lâm thì gần bằng đường từ Gia Lâm về quê”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm đồng tình với việc xây dựng thêm một bến xe mới.

“Việc này nằm trong quy hoạch của TP. và đã được Thủ tướng phê duyệt, tôi cho là việc bình thường. Điều này sẽ tạo thành hệ thống bến xe xung quanh TP.Hà Nội, đưa bến xe từ trung tâm ra vành đai 4, đúng với hướng tuyến, hợp lý. Bến xe Cổ Bi nằm gần một số tuyến đường chính, đường cao tốc, chúng tôi mong muốn bến xe khởi công sớm, hoàn thành sớm, đảm bảo giảm ùn tắc giao thông cho nội đô”, ông Liên nói.

Để xây dựng đúng tiến độ, theo ông Liên, điều quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng. Nếu chính quyền bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng sạch, xây dựng rất nhanh. “Tuy nhiên, theo thông tin tôi nắm được, ở khu vực này, một số hộ gia đình chưa đồng ý ủng hộ giải phóng mặt bằng, sẽ rất khó cho đảm bảo tiến độ. Một trong những điều quan trọng nữa là lựa chọn nhà đầu tư cho thật hiệu quả”, ông Liên nói.

“Tôi đề nghị tiến hành đấu thầu công khai. Nếu chỉ phân bổ cho những đơn vị thuộc sở GTVT hoặc UBND quản lý sẽ tạo sự không minh bạch. Trên thực tế, việc đầu tư các bến xe trước đây đa số thuộc tổng công ty Vận tải nên các thành phần tư nhân không tham gia được bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng, với các vị trí được quy hoạch, cần công bố rộng rãi để các doanh nghiệp cùng tham gia, giảm giá thành và đẩy nhanh tiến độ”, ông Liên nêu quan điểm cá nhân.

Cũng theo ông Liên, nếu chỗ nào đẹp nhất, tốt nhất dành cho tổng công ty Vận tải, các doanh nghiệp tư nhân, xã hội hóa không quan tâm nhiều đến bến xe.

“Tôi cho rằng, phát triển kinh tế thị trường cần có sự đấu thầu công khai, kể cả làm đường, cầu cống. Nhưng thời gian qua có tình trạng bãi đỗ xe, bến xe không công khai đấu thầu. Điều đó làm các doanh nghiệp vận tải và người dân rất lấn cấn. Tôi không dám nói đến chuyện không minh bạch nhưng rõ ràng là có sự lấn cấn. Do đó, tôi đề nghị công khai, minh bạch, đấu thầu để đảm bảo đúng tiến độ, công bằng”, ông Liên nói.

Dương Thu - Thế Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-giao-thong-len-tieng-viec-ha-noi-xay-ben-xe-khung-a323450.html