Chuyên gia: 'Cần loại bỏ thủy điện Hố Hô'

Đó là quan điểm của GS-TS Vũ Trọng Hồng – Chuyên gia thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, hiện đang thực hiện chương trình đào tạo an toàn hồ chứa và đập cho Bộ NNPTNT sau khi xảy ra sự cố xả lũ thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh).

GS-TS Vũ Trọng Hồng cho biết: "Từ nhiều năm trước các chuyên gia thủy điện, thủy lợi nhận thấy Hố Hô là công trình thuộc sở hữu của tư nhân, vì mục tiêu lợi nhuận, người chủ công trình có thể cho tích nước về mùa cạn để phát điện được nhiều nhất. Ngược lại, về mùa lũ cho tích nước đầy hồ trước khi có lũ chính vụ.

Đến lúc lũ to đến lại xả xuống hạ lưu làm mức độ ngập lụt trầm trọng thêm. Vì vậy các nhà khoa học đã cảnh báo địa phương việc quản lý vận hành trạm thủy điện Hố Hô phải được đặc biệt chú ý để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Ngoài ra, nhất thiết phải có một quy trình vận hành đảm bảo không gây ra sự thiệt hại của nhân dân ở thượng, hạ lưu công trình cũng như các công trình hạ tầng của nhà nước, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ vào sáng 15.10

Thủy điện Hố Hô là thủy điện nhỏ nằm trong sự rà soát của nhà nước. Các chuyên gia đánh giá thủy điện này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm lớn, vì dung tích nhỏ, chỉ cần mưa lớn sẽ rất dễ xảy ra việc xả lũ bất thường, gây ra hậu quả khôn lường. Bởi vậy các thủy điện này phải được các bộ ngành địa phương liên quan kiểm tra giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên không biết trong thời gian qua việc giám sát các thủy điện này có được làm thường xuyên không".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện vừa qua, trong đó có việc xả lũ của thủy điện Hố Hô, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại. Theo nhận định của ông thì các bên liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

- Thủy điện nhỏ được xếp vào loại dễ bị rủi ro, vậy vai trò Bộ Công thương và các chủ đầu tư cần phải đặt ở cấp độ cao hơn và cần quan tâm giám sát nhiều hơn. Vai trò của Bộ Công thương phải đào tạo cách vận hành hồ chứa cho các đơn vị liên quan để đảm bảo hạ du an toàn, không gây ra ảnh hưởng gì tới cuộc sống của người dân vùng hạ du. Bộ Công thương cần đi kiểm tra thường xuyên các đập thủy điện nhỏ để xem xét kiểm soát quy trình vận hành, tính an toàn của các hồ đập này.

Bộ TN&MT cũng phải dự báo khí tượng cho chính xác về mưa lũ ở những khu vực cụ thể để các đập thủy điện chủ động tính toán đưa ra mức độ xả lũ phù hợp. Các thủy điện như Hố Hô cần phải có trạm thủy văn riêng đo lũ để trực tiếp xem các thông số để vận hành hồ chứa chính xác.

Đối với địa phương cần trình UBND tỉnh phê duyệt quy trình xả lũ khẩn cấp, quy trình đó là gì, khi xảy ra thì ứng cứu thế nào. Bản đồ ngập lụt, xả mức bao nhiêu thì những vùng nào sẽ ảnh hưởng, ảnh hưởng như thế nào?

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương có biết được việc xả lũ và có ký vào biên bản không? Đối với chủ đầu tư thủy điện Hố Hô, họ xả lũ có đúng quy trình, đúng quy định, đúng thời gian, có báo cáo cho các đơn vị quản lý chưa?

Vì vậy cần rà soát và kiểm tra cụ thể xem khâu nào làm sai thì xét trách nhiệm khâu đó.

GS-TS Vũ Trọng Hồng – Chuyên gia thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT.

Hầu hết người dân sống trong vùng này đều mong muốn không còn nhà máy thủy điện Hố Hô để cuộc sống được bình yên trở lại. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần chấm dứt hoạt động nhà máy thủy điện Hố Hô. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nếu Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình thì họ phải đền bù thiệt hại cho người dân. Nhà nước cần chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp bằng các chính sách giảm thuế, kéo dài thời gian vay tín dụng cho doanh nghiệp này.

GS-TS Vũ Trọng Hồng

- Tôi nghĩ rằng để chấm dứt hoạt động thủy điện Hố Hô ngay lập tức là rất khó. Chúng ta không nên đặt vấn đề này bởi nếu không hoạt động thì các khoản nợ của họ ai trả, số tiền họ vay tín dụng thì ai trả, vì theo tôi biết các thủy điện nhỏ này cần 30 năm hoạt động mới thu hồi được vốn, lượng công nhân làm việc ở đấy sẽ đi đâu, các trang thiết bị của nhà máy sẽ xử lý thế nào?

Trong bối cảnh này tôi nghĩ rằng Chính phủ và các bộ ngành cần đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động đối với thủy điện Hố Hô, cần có lộ trình ngừng hoạt động sản xuất, lộ trình giải thể cụ thể. Đồng thời Nhà nước cần dũng cảm đứng ra chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng…

Vậy chúng ta nên ứng xử với thủy điện nhỏ như Hố Hô như thế nào để tránh lặp lại những hậu quả đáng tiếc vừa xảy ra?

- Tôi đề nghị nhà nước đặt các công trình thủy điện nhỏ đã xây dựng vào danh sách công trình có rủi ro nguy hiểm để có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kiểm soát thường xuyên quy trình vận hành và tính an toàn của công trình.

Vừa qua chính phủ đã chỉ đạo loại bỏ 400 dự án thủy điện nhỏ nằm trong kế hoạch xây dựng, tôi nghĩ đây là chủ trương rất đúng đắn và từ giờ trở đi chúng ta không nên xây dựng các thủy điện nhỏ nữa.

Thực tế có những tỉnh như Ninh Thuận được chính phủ cho phép làm thủy điện nhỏ nhưng tỉnh này đề nghị loại bỏ thủy điện nhỏ và xin chuyển sang làm hồ chứa, bởi xây dựng thủy điện nhỏ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chuyen-gia-can-dua-ra-lo-trinh-cham-dut-hoat-dong-thuy-dien-ho-ho-716399.html