Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên tấn công?

Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hôm chủ nhật (3/9) làm tăng lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang tiến gần tới việc chế tạo một tên lửa hạt nhân có thể bắn tới Mỹ.

Đây là vũ khí mạnh nhất Bình Nhưỡng từng thử nghiệm cho đến nay với lượng nổ ước tính từ 50 đến 120 nghìn tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống Hiroshima vào năm 1945, giết chết 80.000 người, chỉ có sức công phá tương đương 15 nghìn tấn TNT.

Kim Jong-un kiểm tra thứ được cho là một thiết bị hạt nhân (ảnh do phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hôm chủ nhật, 3/9)

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh tấn công? Đây là những gì bạn cần biết.

Tại sao Triều Tiên thử nghiệm bom hạt nhân?

Vũ khí hạt nhân là cách sống sót cuối cùng của một chế độ độc lập với thế giới. Nhiều chuyên gia tin rằng Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí ngay vì ông Kim coi trọng sự tồn tại của triều đại gia đình và chế độ. Nhà lãnh đạo biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu một cuộc chiến mà nước này không thể thắng. Kim cũng "khao khát" được quốc tế công nhận và một kho vũ khí hạt nhân là cách chắc chắn làm cho toàn cầu phải chú ý.

Chiến tranh Mỹ - Triều có xảy ra?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng cảnh báo về "phản ứng quân sự khổng lồ" đối với bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Triều Tiên. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhà thờ vào sáng chủ nhật (3/5), ông được hỏi liệu cường quốc này có tấn công Triều Tiên hay không. Câu trả lời của ông? "Cứ chờ xem".

Hôm thứ 2, Hàn Quốc phát động một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự khổng lồ với các cuộc diễn tập bắn súng trực tiếp, mô phỏng cuộc tấn công vào khu vực thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Seoul cũng cho biết Mỹ đang chuẩn bị tăng cường hiện diện quân sự giữa những lo ngại Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng thêm tên lửa sau hôm chủ nhật.

Khác hẳn với những tổng thống trước, ông Trump khá cứng rắn về vấn đề Triều Tiên

Theo các nhà phân tích, mặc dù Washington có vũ khí áp đảo so với Bình Nhưỡng, bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ đến Triều Tiên có thể khiến Hàn Quốc và Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Thêm vào đó, với 2 lần phóng tên lửa tầm xa trong năm nay và vụ thử bom nguyên tử mới nhất, Mỹ đang có nguy cơ bị tấn công hạt nhân.

Các chuyên gia cho rằng rất khó để xác minh các tuyên bố của Triều Tiên, nhưng Mỹ không thể khinh suất vì nếu là thật thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.

Chuyện gì xảy ra nếu Kim Jong-un tấn công?

Nếu Triều Tiên tấn công trước, như đe dọa sẽ bắn 4 tên lửa ra vùng biển Guam của Mỹ và sau đó gửi một tên lửa tới Nhật Bản, Washington có một số biện pháp phòng thủ.

Thứ nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung và xa) và hệ thống phòng thủ trên tàu Aegis, có thể theo dõi và đánh chặn đồng thời 100 tên lửa.

Mỹ có những lựa chọn nào khác?

Trừng phạt và đàm phán. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) cố gắng kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong hơn một thập niên nhưng đạt được rất ít thành công.

Tại phiên họp khẩn cấp của LHQ tại New York hôm thứ 2 (4/9), đại sứ Mỹ Nikki Haley khẳng định nhà lãnh đạo Triều Tiên đang "cầu xin chiến tranh". Vào cuối cuộc họp, bà Haley nói rằng Mỹ sẽ đưa ra một nghị quyết để đáp trả lại vụ thử hạt nhân với kế hoạch bỏ phiếu thông qua vào tuần tới.

Đại sứ Nikki Haley tuyên bố sự kiên nhẫn của Mỹ với Triều Tiên không phải là không giới hạn

Ngoài ra, ông Trump không còn nhiều lựa chọn, mặc dù Mỹ có thể nhắm mục tiêu vào dầu thô (mặt hàng Triều Tiên xuất khẩu để lấy ngoại tệ và nhập khẩu từ Trung Quốc) và ngành công nghiệp dệt may.

Tuy nhiên, lập trường của Washington từ lâu là sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nhưng chỉ với điều kiện nước này từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân. Một số nhà phân tích nói rằng Mỹ nên chấp nhận đóng băng, nghĩa là cho phép Bình Nhưỡng giữ các tên lửa hạt nhân nhưng không được thử nghiệm và phát triển nữa, để đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán.

Nước nào có thể giúp?

Ông Trump từng thúc giục Trung Quốc kiềm chế người hàng xóm hung hăng của mình nhưng nhiều nhà phân tích không tin tưởng vào khả năng Bắc Kinh ép buộc Bình Nhưỡng thay đổi.

Mặc dù Trung Quốc luôn hỗ trợ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, Mỹ phàn nàn rằng Bắc Kinh không tạo đủ sức ép kinh tế lên Bình Nhưỡng và đe dọa các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần nói rằng việc trừng phạt sẽ không có hiệu quả. Nước này cùng với Nga thúc giục Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự để đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngừng phát triển vũ khí hạt nhân - một đề xuất mà bà Haley cho là "xấc xược".

"Trung Quốc lo lắng nhiều nhất về ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên", phó giáo sư chính phủ Jennifer Lind của Đại học Dartmouth viết cho CNN hồi tháng trước. Bà khẳng định Bắc Kinh sợ rằng áp lực kinh tế nghiêm trọng sẽ gây nguy cơ sụp đổ của chế độ Kim Jong-un, dẫn đến sự hỗn loạn trong khu vực và nhiều vấn đề dài hạn.

Liệu lần này Kim Jong-un có làm thật?

Nhiều nhà phân tích nói rằng đã đến lúc bắt đầu các cuộc đàm phán để ngăn tình hình trở nên xấu hơn. Dù không muốn, Mỹ cần đưa ra "phần thưởng" để dụ Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury.

Một phần thưởng có thể là giảm bớt các cuộc tập trận quân sự do Mỹ lãnh đạo xung quanh Triều Tiên, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Jeffrey Lewis ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết. “Lựa chọn thực tế là dùng kênh ngoại giao để trì hoãn quá trình. Và điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều cuộc hội đàm", ông khẳng định.

Trang Hồ/ Theo CNN, Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chuyen-gi-se-xay-ra-neu-trieu-tien-tan-cong--20170906110047767p145c151.news