Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp: Chậm do đâu?

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Để đạt mục tiêu này, hiện các ngành chức năng của thành phố đang khuyến khích và tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này con số đăng ký chuyển đổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đâu là nguyên nhân?

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 296.838 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có tới 1.182 hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên. Sau khi được các ngành chức năng khuyến khích, vận động, đến nay chỉ có 7 hồ sơ đăng ký chuyển đổi mô hình từ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND TP Hồ Chí Minh, đại diện 24 quận, huyện cho rằng, nhiều hộ kinh doanh cá thể rất "ngại" chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp vì sợ phải thực hiện khai thuế (chuyển từ khoán sang tự khai), cũng như phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán. Qua đó, phát sinh thêm nhiều chi phí, gây đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có. Mặt khác, còn có tâm lý sợ phải thường xuyên "đụng chạm" đến nhiều loại thủ tục hành chính.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp khiến đơn vị sau khi được chuyển đổi bị các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội... Đặc biệt, đối với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường xuyên bị kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu phải đầu tư thêm trang thiết bị, công nghệ, xử lý môi trường...

Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp cũng nặng hơn với hộ kinh doanh cá thể khiến nhiều hộ kinh doanh cá thể né tránh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, mấu chốt của chủ trương này là hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị gia tăng của các hộ kinh doanh cá thể. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ luôn kém hiệu quả so với mô hình doanh nghiệp. Khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp mới phát huy được tiềm năng, lợi thế để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, qua đó phát triển bền vững.

Là địa phương có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đại diện lãnh đạo huyện Bình Chánh cho rằng, điều kiện chuyển đổi không nhất thiết chỉ áp dụng đối với hộ kinh doanh có trên 10 lao động, bởi thực tế tại địa phương có rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ít lao động nhưng lại hoạt động rất hiệu quả.

Chính vì vậy, địa phương này kiến nghị thành phố cần mở rộng cửa hơn để các hộ có thể thành lập doanh nghiệp dễ dàng, không phân biệt quy mô, hộ nào có nguyện vọng có thể chuyển đổi được ngay. Nhiều địa phương khác kiến nghị thành phố cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế. Theo đó, đối với những hộ sau khi chuyển thành doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng thì không phải thực hiện quyết toán thuế cũng như không phải báo cáo tài chính.

Để chủ trương này đi vào đời sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thành phố, trước tiên phải tháo gỡ mọi rào cản về pháp lý, chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để các hộ kinh doanh cá thể không bị bỡ ngỡ, lúng túng khi chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, thành phố cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp cho người dân.

Song song với đó, thành phố phải rà soát các thủ tục thành lập doanh nghiệp, các chính sách về thuế, bảo hiểm, lao động... để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng cần chuyển đổi. Qua đó, giúp các hộ kinh doanh cá thể yên tâm chuyển đổi mô hình kinh doanh vốn đã quen thuộc từ lâu sang mô hình hoàn toàn mới, có tính chuyên nghiệp cao.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/854525/chuyen-doi-ho-kinh-doanh-ca-the-thanh-doanh-nghiep-cham-do-dau