Chuyển đổi đất ở Vĩnh Phúc: Người dân mong chờ một bản án khách quan

Các diễn biến của vụ chuyển đổi đất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc: trước các loạt bài viết đăng tải về vụ việc, các cơ quan chức năng đã có phản hồi song người dân mong chờ một bản án khách quan hơn.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã đăng tải hai bài viết “Ngang nhiên tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp” và “Bản giao kèo sai sót”, phản ánh về việc 4 hộ dân là ông Tạ Văn Thời (SN 1963), ông Tạ Quang Huy (SN 1945), ông Tạ Quang Hậu (SN 1955) và bà Nguyễn Thị Ưng (SN 1941) cùng trú quán tại khu 2 - thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị về việc tranh chấp hợp đồng chuyển đổi đất canh tác với ông Vũ Thái Chìu (người cùng địa phương).

Hộ ông Vũ Thái Chìu tự ý sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp trong nội dung bản giao kèo.

Các hộ dân trình bày, năm 1994, bốn người chúng tôi là Tạ Văn Thời, Tạ Quang Huy, Tạ Quang Hậu và Nguyễn Thị Ưng có chuyển đổi cho ông Vũ Thái Chìu là người cùng địa phương, để đôi bên thuận lợi canh tác nhưng không đồng ý chuyển quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, ông Vũ Thái Chìu đã tự ý chuyển đổi sử dụng mục đích đất nông nghiệp, mà không hề bàn bạc, trao đổi lại với 4 hộ dân, cũng như không thông qua chính quyền sở tại. Các hộ dân cho rằng ông Chìu không canh tác những thửa ruộng nói trên và sử dụng sai mục đích, bởi đã đổ đất đá làm nhà ở, các hộ cũng cho rằng ông Chìu cố ý hủy hoại tài nguyên và vi phạm Luật Đất đai.

Bốn hộ dân đã làm đơn lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Yên Lạc để khởi kiện ông Chìu, đòi lại những thửa ruộng đã đổi cho ông Chìu. Tòa án cho rằng trong bản giao kèo không ghi rõ bên nào sử dụng sai mục đích phải trả lại cho nhau. Việc ông Chìu sử dụng sai mục đích, tòa án không có thẩm quyền giải quyết, chỉ các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính theo mức độ nặng nhẹ do ông Chìu gây nên.

Hết năm 2013, nhà nước không chia lại ruộng đất, thửa ruộng đó vẫn nằm trong quyền sử dụng đất của 4 hộ gia đình. Ngày 10/01/2012, TAND Vĩnh Phúc có gửi văn bản số 04/CVDS, trả lời cho UBND xã Tề Lỗ, Tòa án không chia đất, không giao đất các thửa ruộng nói trên cho ông Vũ Thái Chìu. Năm 2016, UBND huyện Yên Lạc vẫn chi trả đất dịch vụ cho 4 hộ dân. Vì những lẽ trên, những thửa ruộng đó vẫn thuộc quyền quản lý của 4 hộ dân.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Đào Đình Chiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết: “Về bản giao kèo giữa 4 hộ dân (ông Thời, ông Huy, ông Hậu và bà Ưng - PV) với ông Vũ Thái Chìu là chưa đúng thủ tục pháp lý, bởi không có sự xác nhận của UBND xã Tề Lỗ hay hợp tác xã, nên bản giao kèo đó không có giá trị về mặt pháp luật.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân, UBND xã Tề Lỗ đã tiến hành hòa giải rất nhiều lần nhưng không thành công, nên đã hướng dẫn các hộ dân gửi đơn kiến nghị ra TAND huyện Yên Lạc và TAND tỉnh Vĩnh Phúc”.

Nói về 4 bản án của Tòa án huyện Yên Lạc và Tòa án tỉnh Vĩnh Phúc, ông Chiêm cho biết rất băn khoăn về tính pháp lý của 4 bản án, bởi có nhiều tình tiết chưa đúng do liên quan đến tính pháp lý của bản giao kèo, nhưng do là cấp dưới, lại không có thẩm quyền quyết định nên chúng tôi “đành làm theo” kết luật của 4 bản án. Liên quan đến vấn đề ông Vũ Thái Chìu tự ý chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, ông Đào Đình Chiêm cho biết đã tiến hành xử phạt hành chính đối với hộ ông Chìu với đúng thẩm quyền của cấp xã.

Không đồng tình với kết luận hai bản án của TAND huyện Yên Lạc và TAND tỉnh Vĩnh Phúc, các hộ dân trên tiếp tục làm đơn khởi kiện lên TAND Cấp cao, để quyết tâm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến của vụ việc, và thông tin tới bạn đọc sớm nhất.

Trao đổi với nhóm phóng viên, luật sư Trần Văn Thi, Giám đốc Công ty Luật Trần Bros – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, bản giao kèo giữa 4 hộ dân (ông Thời, ông Huy, ông Hậu và bà Ưng) với ông Vũ Thái Chìu không có hiệu lực pháp luật bởi vi phạm về hình thức theo quy định của Bộ luật Dân sự (Bản giao kèo chưa được công chứng tại UBND xã hoặc văn phòng công chứng).

Ngoài ra, quyền sử dụng đất mà 4 hộ nói trên đổi cho ông Chìu là đất nông nghiệp được nhà nước giao cho hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo chính sách sử dụng đất nông nghiệp của nhà nước. Như vậy, quyền sử dụng đất nói trên là tài sản chung của tất cả các thành viên trong gia đình của 04 hộ và mọi giao dịch liên quan đến tài sản chung phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, tại thời điểm 4 hộ và ông Vũ Thái Chìu làm giấy giao kèo để đổi đất lại chưa được sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình 4 hộ nói trên.

Do vụ việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật nên 04 hộ nói trên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội xem xét lại theo trình tự thủ tục tái thẩm.

Nhóm PV/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chuyen-doi-dat-o-vinh-phuc-nguoi-dan-mong-cho-mot-ban-an-khach-quan-p42787.html