Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn bà bị lừa bán sang xứ người

Mong muốn kiếm được một khoản tiền để trang trải cuộc sống và nuôi đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, Hằng đã từng bước bị gã hàng xóm lừa gạt, bán sang biên giới khi 25 tuổi.

Nguyễn Thị Hằng (SN 1968, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có gia cảnh hết sức khó khăn. Ở tuổi đôi mươi, cô lấy chồng và sinh một bé gái kháu khỉnh.

Những tưởng sau khi thành gia, lập thất cuộc sống sẽ đỡ khốn khó hơn, nào ngờ cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. Nhìn chồng vất vả, con nheo nhóc, Hằng không đành lòng nên quyết định sẽ lên Lạng Sơn làm thuê một thời gian, kiếm vốn về phát triển kinh tế. Sau khi thuyết phục chồng đồng ý cho đi làm, Hằng khăn gói chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh của đời mình.

Giữa năm 1993, Hằng theo người hàng xóm lên Lạng Sơn để làm công việc gánh hàng thuê. Người này đưa Hằng xuống nhà ga ở TP. Bắc Giang để bắt tàu lên đất Lạng.

Đến gần ga, người này dẫn Hằng vào nhà nghỉ tên “Hùng Thảo”, bảo nghỉ ngơi một đêm rồi sáng mai lên tàu đi sớm. Hằng tin tưởng người hàng xóm, lại mệt phờ sau cả rong ruổi nên lăn ra ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì không thấy người đi cùng đâu, kiểm tra số tiền mang theo trên người thì không còn một xu.

Hằng hoảng loạn, định đi tìm thì bị nhân viên nhà nghỉ ngăn lại, yêu cầu cô phải trả tiền thuê phòng. Trên người không còn đồng nào nên Hằng khóc lóc, xin xỏ họ cho mình về quê rồi sẽ thu xếp gửi tiền trọ sớm nhất có thể nhưng không được. Sau một hồi đôi co, chủ nhà trọ tỏ ra “xuống nước”, đồng ý cho cô trả tiền trọ sau nhưng có điều kiện.

“Em bị gã đi cũng lừa rồi, sao lại nhẹ dạ vậy? Anh cũng chẳng muốn khó dễ với em làm gì nhưng em biết đấy, nhà nghỉ này mở ra để cho khách thuê chứ không phải để làm từ thiện. Nhìn em cũng ngoan ngoãn, thật thà nên anh cũng không nỡ nặng tay. Bây giờ thế này, định lên Lạng Sơn làm thuê đúng không? Anh có người quen trên đấy, mối việc cho rất nhiều người rồi. Nếu thích lên đó làm, anh gọi điện bảo lãnh cho. Vé tàu anh sẽ mua giúp, sau này làm được tiền, gửi người quen trả anh là được”, Hằng nhớ lại những lời tên chủ nhà nghỉ nói.

“Bây giờ mà về quê thì lấy đâu ra tiền nuôi con, vay ở đâu được tiền mà trả tiền nghỉ trọ, tiền mua vé tàu…”... Nghĩ vậy nên Hằng đắn đo, cân nhắc hồi lâu, thâm tâm không muốn nhưng cuối cùng vẫn phải quyết định sẽ đi. Cô không quên cảm ơn chủ nhà nghỉ vì đã giúp mình lúc khó khăn và hứa sẽ gửi lại tiền nhanh nhất có thể.

Tin vào miền đất "hứa" do tên buôn người vẽ ra, Hằng đã khăn khói lên đường tìm cơ hội đổi đời cho cả ra đình (Ảnh minh họa).

Ngay sau đó, Hằng được đưa lên toa tầu số 2, số ghế 25. Xuống tàu, người đi cùng trao cô cho một người đàn ông tướng hơi dữ tợn đang đợi sẵn ở ga rồi nhanh chóng hòa vào biển người mất tích không một lời dăn dò.

Chẳng mất quá nhiều thời gian, Hằng biết mình bị lừa bán. Gã hàng xóm và gã chủ nhà nghỉ thực chất cùng nghề với nhau- “buôn người”. Họ đã kết hợp dựng nên một vở kịch hoàn hảo để che mắt, biến người phụ nữ nhẹ dạ trở thành một món hàng để kiếm lời.

Vì nhớ nhà, vì quá sợ hãi nên Hằng khóc lóc suốt ngày, mắt mũi sưng húp cả lên, lại không chịu ăn uống nên người gầy dộc đi… khách đến nhìn thấy đều lắc đầu, không muốn mua.

Chủ tỏ ra rất tức giận vì mua giá cao mà mãi không bán được. Hắn dọa dẫm, nếu Hằng không thôi khóc lóc, không chịu ăn uống thì sau vài ngày nữa nếu không có khách mua thì sẽ bán Hằng vào nhà chứa.

Nghe đến đây, Hằng bủn rủn hết người, chỉ biết cầu trời khấn phật phù hộ cho mình không phải chịu cảnh nhục nhã đó. Mãi 10 ngày sau mới có một người đàn ông đến hỏi mua Hằng về làm vợ.

Vì đã có chồng con nên Hằng nhất định cự tuyệt, cầu xin gã buôn người cho đi làm thuê, làm mướn lấy tiền trả hết số vốn hắn bỏ ra mua nhưng không được. Bị chủ đánh đập, tìm mọi cách ép buộc, người đàn bà khốn khổ không thể chịu đựng được hơn nữa nên đành cắn răng đồng ý trong đau đớn, tủi nhục.

Hằng kể: “Sau trận đòn thừa sống, thiếu chết, tôi được bán cho một người đàn ông Trung Quốc luống tuổi và được đưa về căn nhà lụp xụp thuộc địa phận Quảng Đông, Trung Quốc. Người này sống một mình, bố mẹ đều đã qua đời, gia cảnh đói kém. Làm lụng vất vả bao năm mới cóp đủ tiền để “mua” vợ.

Lúc đầu tôi chống cự quyết liệt nhưng người này tỏ ra ân cần chăm sóc cho nhanh lành những vết thương chi chít khắp cơ thể. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng qua cách đối xử tôi biết, đây cũng là người hiền lành… Thời gian trôi, con người chứ có phải sắt đá đâu, nên dần nảy sinh tình cảm, ý định trốn chạy cũng vì thế mà tan biến”.

Yên bình được một thời gian thì bão tố lại đến, người phụ nữ liệu có đủ sức chống chọi hay sẽ gục ngã trước thử thách khắc nghiệt của số phận?

* Tên nhân vật đã được thay đổi

(Còn tiếp)

Phan Giang

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-doi-dam-nuoc-mat-cua-nguoi-dan-ba-bi-lua-ban-sang-xu-nguoi-a256173.html