Chuyển đổi công năng dự án KTX nghìn tỷ Pháp Vân – Tứ Hiệp: Nguy cơ lãng phí hiện hữu

Dù đã được cảnh báo về nguy cơ lãng phí, thế nhưng đến nay nguy cơ đó đang trở thành hiện hữu khi khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân Tứ Hiệp (TP. Hà Nội) được đề xuất chuyển thành nhà ở xã hội.

Biết không khả thi vẫn làm

Cùng với Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên (KTX) Mỹ Đình, KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2. Khu KTX này khi xây xong có sức chứa lên tới 22.000 sinh viên. Theo thiết kế, Khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) bắt đầu khởi công từ tháng 9/2009 với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên gần 1.900 tỷ đồng.

Dự án nhà ở học sinh, sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp 

Đến tháng 1/2015, 3 tòa nhà đi vào sử dụng, có sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa...

Tuy nhiên, với hàng loạt bất cập về vị trí quá xa trường học, bất tiện trong đi lại khiến số lượng sinh viên đến thuê trong thời gian qua không đủ lấp kín một tòa nhà; hàng nghìn chỗ ở bị bỏ không, các công trình xuống cấp... Mới đây, được sự tham mưu của Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của Bộ Xây dựng, như là một giải pháp cứu nguy cho tình trạng ế ẩm phòng ở vừa qua.

Điều đáng nói, việc chuyển đổi công năng đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước bởi việc vội vàng triển khai, xây KTX không gắn với các cụm trường đại học, trong khi hạ tầng kết nối kém đã dẫu đến thực trạng đìu hiu tại đây.

Trong báo cáo kiểm toán dự án này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng chỉ rõ nguy cơ gây lãng phí vốn NSNN khi chuyển đổi mục đích của dự án, tuy nhiên, khuyến cáo trên lại không được TP. Hà Nội lưu tâm. Trong văn bản trả lời Báo Công lý ngày 12/9, do ông Mạc Đình Minh - Giám đốc Ban quản lý các công trình và nhà ở công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) kí ban hành, lí giải: Hạng mục Nhà A4, thuộc mẫu thiết kế M1, áp dụng cho các hạng mục nhà A1, A4 và A5, chi phí thiết kế được tính theo định mức của Bộ Xây dựng ban hành và được áp dụng theo thiết kế lặp lại.

Cụ thể với công trình thứ nhất 100% thiết kế phí, công trình thứ 2 được tính 36% và công trình thứ 3 được tính 18%. Trong quá trình triển khai tiếp theo, nếu chuyển đổi nhà A4 sang loại hình công trình khác, Ban quản lý sẽ giảm trừ chi phí giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế theo quy định. Tuy nhiên, giải trình này, trên thực tế chỉ là lập luận của đại diện Sở Xây dựng, đơn vị tham mưu cho thành phố trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình này, nhằm giảm bớt trách nhiệm của Sở Xây dựng mà thôi.

Vướng hàng loạt sai phạm

Cũng xin nhắc lại, dự án trong quá trình xây dựng đã bị KTNN chỉ ra nhiều sai phạm, như: Chậm tiến độ, làm hạn chế hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đầu tư và hiệu quả xã hội; quá trình lập, phê duyệt dự án cho đến khâu thực hiện và bàn giao mặt bằng có sai sót.

Dự án được cảnh báo gây lãng phí vốn ngân sách khi chuyển đổi mục đích sử dụng

Cụ thể, tại Dự án KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, tổng mức đầu tư phê duyệt không chính xác, chưa xác định đầy đủ chi phí nên phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện: Tổng dự toán lập và thẩm định thời điểm 11/2011 là hơn 2.000 tỷ đồng tăng trên 538 tỷ đổng đồng (bằng 36,1% so với tổng mức đầu tư đã duyệt). Việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa kịp thời và chưa đúng với trình tự xây dựng cơ bản.

Cũng theo KTNN, phần thiết kế, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chậm so với quy định: Theo kế hoạch phần thiết kế phải hoàn thành tháng 11/2009 nhưng đến tháng 10/2010 mới hoàn thành (quá thời hạn gần 1 năm); thiết kế chưa đồng bộ, phải điều chỉnh bổ sung nhiều trong quá trình thực hiện; nhiều hạng mục và nội dung vẫn trong tình trạng tạm tính: bổ sung thay đổi kết cấu mái tạm tính gần 2 tỷ đồng; biện pháp thi công giáo ngoài tạm tính hơn 19 tỷ đồng; thiết bị nội thất tạm tính hơn 69 tỷ đồng và thiết bị gắn với công trình tạm tính hơn 82 tỷ đồng...

Để làm rõ những sai phạm này, UBND TP. Hà Nội cũng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra dự án. Tuy nhiên, dù cuộc kiểm tra đã kết thúc từ nhiều tháng nay, song kết quả ra sao vẫn chưa được công bố.

Rõ ràng, hiệu quả của dự án chưa thấy đâu nhưng sai phạm thì đã rõ. Việc chuyển đổi KTX thành Nhà ở xã hội mới đây phải chăng là nhằm mục đích hợp thức hóa sai phạm? Ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc chuyển đổi này? Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, trực tiếp là Sở Xây dựng, đơn vị quản lý dự án và tham mưu cho thành phố việc chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án đến đâu, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.

Báo Công lý sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc.

Bình Minh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/chuyen-doi-cong-nang-du-an-ktx-nghin-ty-phap-van-tu-hiep-nguy-co-lang-phi-hien-huu-227100.html