Chuyện của tò he

Làng Xuân La, tên thường gọi là Chạ Xuân, một làng lớn ở xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) từng nổi tiếng với nghề nặn tò he. Tuy nhiên, để gìn giữ nghề tổ những người con của làng vẫn đang trầy trật giữ nghề.

Tò he kể chuyện nghề truyền thống. (Ảnh: Minh Quang).

Làng Xuân Xuân La trông xa như một đồi đất nằm nổi trên cánh đồng của xã Phượng Dực. Cụ Hạ 88 tuổi, một trong những nghệ nhân cao tuổi cho hay, nghề nặn tò he của làng đã có từ rất lâu. Các cụ truyền lại rằng nó xuất phát từ việc nặn chơi các loại chim cò bằng đất mịn. Nghề nặn tò he ở đây cũng có lắm thăng trầm. Những năm 1954, họ chủ yếu nặn các loại chim, cò, gà, lợn, mâm ngũ quả, sau đó chuyển sang nặn hình tượng con người như anh bộ đội, xe tăng, súng ống.

Dần dần nặn theo tranh, nặn cả tượng Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Những nghệ nhân của làng đã đưa sản phẩm tò he Xuân La đến khắp các địa phương trong cả nước. Năm 1997, sản phẩm tò he của nghệ nhân Xuân La nặn được tượng Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác trong kháng chiến chống Pháp đã vinh dự được trao giải Nhất tại Triển lãm nghệ thuật Vân Hồ. Điều đó minh chứng sản phẩm tò he đã trở thành một biểu tượng văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam.

Theo cụ Hạ, nghề này thực sự không giàu. Bây giờ tuy không phải là mất nghề nhưng cái thời sôi nổi ấy không còn được như trước nữa. Giờ đây người làm nghề vừa nặn hình tượng mà các cụ truyền lại, vừa nặn theo thị hiếu của các khách hàng “tí hon”. Cứ vào mỗi dịp Trung thu, ngày 20-11, rất nhiều người đến đặt hàng, các cháu mua về tặng nhau, tặng thầy cô, tuy giản dị nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Những hình Tôn Ngộ Không, Thủy thủ mặt trăng, Siêu nhân… được gắn trên đầu một chiếc bút chì để các cháu vừa có thể học vừa có thể vui thích với con giống ngộ nghĩnh. Bột nặn tò he được cải tiến để lâu không bị mốc, mà chơi được lâu ngày.

Gặp anh Đặng Văn Hậu- nghệ nhân trẻ của làng tò he Xuân La, anh cho hay được truyền nghề từ nhỏ. Dù thế nào anh vẫn một mực yêu nghề và giữ nghề đến tận cùng. Hậu đi khắp nơi, đầu đường, vỉa hè, các khu di tích, các khu đô thị văn minh sầm uất, phục vụ mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, vì theo anh không chỉ đam mê, kiếm thêm thu nhập mà còn quyết tâm giữ nghề cha ông. Mỗi lần đi ra ngoài, đem sản phẩm của làng, tinh hoa cha ông đi quảng bá là mỗi lần anh thấm thía về số phận tò he cứ mỗi lúc bị thu hẹp trước những xô bồ đến ngộp thở của kinh tế thị trường. Nhưng điều anh nhận ra vừa như mâu thuẫn, nhưng cũng vừa thú vị, rằng trong khi người Việt thờ ơ với những món đồ chơi truyền thống thì người Tây họ lại rất yêu quý và trân trọng những sản phẩm làm bằng tay.

Người dân làng tò he như những vị “sứ giả” ngày ngày mang nghề dân gian truyền thống đi khắp mọi miền. Người làng Xuân La bảo đối với họ con đường giữ nghề cha ông dẫu có chật vật, lênh đênh như kiếp phận con tò he lọt thỏm giữa rừng sản phẩm đồ chơi hiện đại, nhưng họ vẫn quyết giữ ngọn lửa và tình yêu nghề cho dù đó không phải chuyện đơn giản…

Minh Phúc

Từ khóa

chuyện tò he

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/chuyen-cua-to-he/136046