Chuyện của Rùa con về mùa sinh sản tại Côn Đảo

Tháng 7, tháng 8 hàng năm là thời gian cao điểm rùa biển lên bờ đẻ trứng. Côn Đảo – Vũng Tàu là nơi rùa chọn làm tổ nhiều nhất của vùng biển Việt Nam. Nếu chưa lần nào theo dõi về hành trình sinh sản của loài rùa xanh (vích) tại Côn Đảo, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy thú vị khi khám phá được sự kỳ diệu của tạo hóa qua bộ ảnh chân thực được thực hiện trong tháng 8/2016 tại đảo Tre Lớn – Côn Đảo – Vũng Tàu.

Đây là mẹ của mình. Âm thanh và ánh sáng là điều đáng sợ đối với mẹ, bởi vậy mẹ mình thường chọn buổi đêm, khi thủy triều lên cao nhất để lên bờ đẻ trứng.

Khi đã đào xong tổ, mẹ rùa bắt đầu đẻ mình và gần 100 anh em của mình vào hố rùa này. Mỗi lần như vậy, mẹ thường mất 30 phút – 1 tiếng nên rất mệt.

Đẻ xong, mẹ rất mệt và đau nên luôn chảy nước mắt!

Các tổ trứng rùa được các chú kiểm lâm và các anh chị tình nguyện viên mang về hồ ấp nhân tạo tại các trạm kiểm lâm trên đảo, với điều kiện nhiệt độ, khí hậu giống như trong tự nhiên để tránh những tác động có hại từ rắn, tắc kè, thú rừng, hoặc bàn tay con người.

Chúng mình được “đánh số” để khỏi nhầm lẫn với nhau.

Sau 2 tháng, mình sẽ xé vỏ trứng và đào cát bò lên khỏi mặt đất, chào đón ánh nắng ấm áp của miền biển đảo.

Mình có thể bò rất nhanh, chứ không hề “chậm như rùa” như các bạn vẫn tưởng đâu nhé! Và mình có thể tự định hướng ra biển nhờ từ trường trái đất và tiếng sóng biển.

Loài rùa biển chúng mình được coi là Sứ giả của đại dương, vì chúng mình rất nhạy cảm với môi trường, chỉ chọn những nơi trong sạch và ít bị con người tác động để sinh sống.

Ngay khi hòa mình vào làn nước biển, mình sẽ ngoi lên, nhìn về bờ lần cuối và ghi nhớ vị trí này. Sau 30 năm phiêu lưu dưới lòng đại dương, mình sẽ quay lại vùng biển nơi cuộc sống của mình bắt đầu để kết đôi, làm tổ và thực hiện lại thiên chức của mẹ mình.

Rùa biển được coi là một trong những loài được ưu tiên bảo vệ của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF). Trong hơn 100 triệu năm qua, rùa biển phân bố với số lượng lớn trên khắp các đại dương, đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển và ven bờ.

Tuy nhiên, trong vòng 200 năm trở lại đây, các hoạt động của con người đã đe dọa tới sự sống còn của loài thú cổ đại dương này. Hiện nay có tất cả 7 loài rùa biển và các loài này đều nằm trong danh sách được bảo vệ, cấm săn bắt và buôn bán. Rùa biển có khả năng sinh sản rất lớn. Rùa cái có thể đẻ hàng trăm quả trứng trong một mùa sinh sản. Tuy nhiên, theo ước tính trung bình, cứ 1.000 rùa con được sinh ra, chỉ có 1 cá thể có thể sống sót đến lúc trưởng thành. Việt Nam hiện có 5 trong số 7 loài rùa của thế giới gồm: rùa da, đồi mồi, quản đồng, vích và đồi mồi dứa. Nhưng đến nay, nhiều loài đã gần như tuyệt chủng.

Côn Đảo được coi là nơi tập trung nhiều rùa nhất vùng biển Việt Nam và gần như chỉ còn lại loài rùa xanh (vích). Hiện nay, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã kết hợp cùng tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tổ chức chương trình tình nguyện vào mùa cao điểm rùa đẻ hàng năm, nhằm tuyên truyền rộng rãi và nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường biển và động vật hoang dã nói chung, loài rùa biển Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Hồng Minh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/chuyen-cua-rua-con-ve-mua-sinh-san-tai-con-dao