Chuyện con trâu và cái thừng ở Hải Dương

Nhằm giải quyết chỗ ở cho hơn 700 sinh viên của trường Đại học Sao Đỏ, UBND tỉnh Hải Dương quyết định bỏ ngân sách ra xây một khu ký túc xá 9 tầng tại thị xã Chí Linh.

Công trình do Sở Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2009, đến đầu năm 2012 thì cơ bản hoàn thành, tốn mất 80 tỷ, nhưng rồi công trình bị dừng từ năm 2012 đến nay, ngày càng xuống cấp, trong khi sinh viên thì phải đi thuê chỗ ở bên ngoài, rất đắt đỏ.

Công trình mất 80 tỷ đầu tư nhưng bị dừng từ năm 2012 đến nay

Đi tìm nguyên nhân về việc dừng thi công của công trình này, dư luận tá hỏa khi biết, chỉ còn thiếu có một tý để hoàn thiện nữa là xong, có thể đưa vào khai thác, sử dụng, nhưng không được UBND tỉnh duyệt cấp.

Theo lời ông Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Nguyễn Văn Thọ thì “số tiền để hoàn thiện công trình không nhiều, chỉ cần UBND tỉnh cấp bổ sung 3 tỷ nữa là xong. Nhưng nếu không được phê duyệt thì không biết đến bao giờ công trình mới đi vào hoạt động được”. Phía trường Đại học Sao Đỏ cũng cho biết, nhà trường không thể tiếp nhận một công trình chưa hoàn thiện, vì không biết đào đâu ra kinh phí để hoàn thiện.

Công trình ký túc xá ví như một con trâu. Đã mua được con trâu giá 80 tỷ rồi, chỉ còn thiếu cái thừng trị giá 3 tỷ nữa, là có thể dắt được con trâu về, và con trâu ấy đã có thể kéo cày, làm ra tiền bạc từ 4 năm nay. Số tiền đó có thể đã hòa vốn rồi, và sau đó là lãi. Nhưng vì tiếc cái thừng, nên suốt 4 năm nay con trâu cứ đứng “phơi gan cùng tuế nguyệt” và càng ngày càng xuống cấp, càng gầy còm đi(?).

Chẳng lẽ suốt 4 năm nay, Sở Xây dựng không báo cáo việc đó với UBND tỉnh? Chẳng lẽ suốt 4 năm nay, không một vị lãnh đạo UBND tỉnh nào biết chuyện đó? UBND tỉnh đã vậy, còn HĐND tỉnh thì sao? Chẳng lẽ không đại biểu nào biết mà chất vấn UBND tỉnh trong các kỳ họp hội đồng? Tòa nhà đồ sộ 9 tầng, nằm phơi sương phơi gió lù lù giữa một thị xã, càng ngày càng xuống cấp, chứ đâu phải cái kim? 3 tỷ đồng, đáng là cái gì trong số thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng hàng năm của tỉnh. Thế thì nó ách tắc ở đâu? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

80 tỷ đồng tiền đó là tiền ngân sách, tức là tiền thuế, là mồ hôi nước mắt của dân. Thế mà chẳng vị lãnh đạo nào thấy xót. Chắc các vị đều nghĩ rằng tiền đó là của chung, nên chẳng ai thấy động lòng? Cái cách nghĩ của dân làng Vũ Đại, ai cũng cho rằng “không phải trách nhiệm của mình”, tưởng chỉ có ở thời Nam Cao, không ai ngờ nó vẫn hiển hiện ngay trong thời đổi mới, thời hội nhập này. Vụ việc trên, có thể thấy, là điển hình cho kiểu tư duy “cha chung không ai khóc”, từng tồn tại một thời gian rất dài thời bao cấp.

Và trước sự bức xúc của dư luận, không hiểu các vị lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ nghĩ sao, hay vẫn là “Tôi cũng mới biết thông tin qua báo chí. Tôi sẽ cho kiểm tra lại”?

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-con-trau-va-cai-thung-o-hai-duong-post181571.html