Chuyện cổ Phật gia: Làm giàu như thế nào để không mất đi phúc báo?

Việc thành bại trong kinh doanh không chỉ do kinh nghiệm, do linh hoạt, nhìn xa trông rộng… mà còn có yếu tố quan trọng là tâm đức và phúc báo.

Một thời, Đức Phật trú ở Kosambi, vườn Ghosita, Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ và thưa với Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?”.

Đức Phật trả lời:

“Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.

Theo giáo lý nhà Phật, mọi việc thành bại, được mất của con người là do Nhân Quả. (Ảnh: Internet)

Như ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn”.

Một lần khác, khi một thương gia hỏi Đức Phật về cách phát triển sự nghiệp của mình, Ngài đã trả lời như sau:

- Có năng lực và nghị lực.

- Có sự thận trọng.

- Hợp tác với những người có tài, người có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Cuộc sống được cân bằng.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật cũng chỉ ra 5 việc không nên kinh doanh. Đó là: Không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán thịt, không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc.

(Ảnh: Internet)

Từ hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân khiến chúng ta thành công hay thất bại trong việc kinh doanh. Đó chính là Nhân Quả: nhân quả từ việc bố thí, nhân quả giữa cho và nhận, nhân quả từ những việc làm bất chính…

Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi, xoay sở kinh doanh nhưng vẫn thất bại hay có người đã thành đạt, giàu có nhưng chỉ được một thời gian rồi sự nghiệp cũng tiêu tan. Trong khi đó lại có những người đi lên từ hai bàn tay trắng dù không có vốn, cũng chẳng có thế lực, địa vị…

Người thành công thì nghĩ mình tài giỏi, khôn ngoan, trong khi người thất bại lại cho rằng mình không may mắn hoặc là do “ý trời”. Tuy nhiên, việc thành bại, được mất của con người mà tất cả là do Nhân Quả, do chính việc người đó đã làm, nền tảng phúc báo người đó gieo trồng trong quá khứ và hiện tại.

Ngày nay, do quan niệm “phi thương bất phú”, một số người dám vứt bỏ đạo đức, đã bon chen làm giàu bằng mọi thủ đoạn thất đức. Họ không biết rằng, những việc kinh doanh làm tổn hại sinh mạng của con người và vật đều làm tổn đức và thọ nhận những quả báo đau khổ ở kiếp sau.

Chúng ta làm giàu trước hết đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người làm công, phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm ra cho bà con, thân hữu, bạn bè được an vui hạnh phúc. Hơn nữa, nên có tấm lòng hành thiện, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh nghèo khó. Đó chính là, khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế!

Theo vntinnhanh

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chuyen-co-phat-gia-lam-giau-nhu-the-nao-de-khong-mat-di-phuc-bao-75651/