Chuyện có gì đâu mà rộn lại thành ra… có gì

Much Ado About Nothing (Có gì đâu mà rộn) (2012) là một bộ phim đặc biệt. Làm ra ở thế kỷ XXI, nhưng nó lại là phim… đen trắng, chẳng dễ dàng gì để thiết kế trang phục mà vẫn phải có ý nghĩa. Nhưng đạo diễn Joss Whedon đã tạo đủ không gian tự do cho nhà thiết kế Shawna Trpcic phát huy trí tưởng tượng của mình bằng cách dùng cái nhìn thấy để nói về cái không nhìn thấy.

Much Ado About Nothing là cái tên đã quá quen thuộc với những người yêu Shakespeare, cũng là một trong những cái nhìn hài hước hiếm hoi so với tấn bi kịch thường thấy trong các tác phẩm nổi tiếng khác, Romeo và Juliet, Hamlet, Othello… đồng thời cũng là một trong số ít tác phẩm mà người ta chú ý đến dàn nhân vật phụ hơn cả chính. Lấy chất liệu từ đề tài được yêu thích ở châu Âu thế kỷ 16: người phụ nữ trong trắng bị vu oan hay vướng vào bi kịch cuộc đời, hạnh phúc những tưởng trong tay rồi vuột mất chỉ trong tích tắc, tình duyên tan vỡ và nỗi đau xé lòng. Thông thường, đề tài này khiến ta phải khóc ra nước mắt, nhưng với Much Ado About Nothing của Shakespeare, ta cười ra nước mắt.

Much Ado About Nothing của năm 2012 trung thành tương đối trọn vẹn với tác phẩm gốc, song có dịch chuyển thời gian và thay đổi một vài chi tiết, thời lượng, đặc biệt chú ý hơn đến cặp Benedick-Beatrice rất thú vị.

Phim đen trắng nhưng cuộc đời đâu chỉ trắng với đen. Các nhân vật cần màu sắc phù hợp với họ. Xét cho cùng, họ sống một thế giới sắc màu. Nhưng có lẽ, để có được bầu không khí hài hước xa xưa, tạo độ cân bằng giữa lời thoại hoa mỹ của thế kỷ cũ trong khung cảnh hiện đại đã có smartphone, Whedon đã sử dụng tông đen trắng giữa thế kỷ 21 để đưa chúng ta ngược dòng về quá khứ, về cuộc sống của người phụ nữ đã từng bị tù túng thế nào, những lời bóng gió có thể đẩy họ vào bước đường nghiệt ngã ra sao. Vở kịch Shakespeare nói về cái suy đồi của xã hội, đả kích châm biếm sâu cay thói trưởng giả, hợm đời của tầng lớp quý tộc và những kẻ cố trở nên quý tộc. Nhưng nếu như thế giới thượng lưu xa hoa đó không tài nào giải được oan khuất của một cô gái trong trắng, thì chính những người tầng lớp dưới, thường xuyên bị khinh bỉ và bị dẫm dưới chân đó, lại là mở ra cái nút buộc “thòng lọng” trên đầu một cô gái vô tội. Chuyện chẳng có gì, mà cũng cứ bé xé ra to, cả bộ phim là mớ tầm phào của trò hoán chuyển: vui hóa buồn, rồi buồn lại hóa đau, đau rồi lại bỗng nhiên… cười. Chẳng khác gì “bốn đám cưới đi cùng một đám ma”. Đúng là toàn chuyện… chẳng có gì mà phải rộn hết cả lên! Ấy thế mà người ta vẫn cứ nhốn nháo đấy. Cứ đi ra đường mà thấy chỗ nào loa nhạc xập xình hay có một người ngã xe nói to một chút thử xem. Hài kịch xuống phố luôn!

Những người không quen kịch Shakespears có thể bị ngợp trong các đoạn hội thoại của nhân vật. Nhưng may mắn, vẫn có thể phân biệt dễ dàng, bởi ngay cả vai phụ cũng có quần áo điển hình, đặc trưng để nói lên vị trí và tính cách của họ trong vở kịch bi-hài này. Trang phục cá nhân có tác dụng như một tấm biển báo vậy, để cho ta biết ai với ai. Điều này cũng tương tự như các biển hiệu giúp nhận biết thương hiệu (thế mà nay người ta còn định lan rộng mô hình biển hiệu “mặc đồng phục”!) Trong phim, nhà thiết kế Shawna Trpcic rất chú trọng cách sử dụng vải, kết cấu vải và hoa văn họa tiết trong một bộ phim đen trắng: sự mềm mại của chiffon, độ nhám của da lộn, những họa tiết cầu kỳ đập vào mắt…

Trang phục cho Amy Acker và Jillian Morgese có nguồn rất thú vị: Hãng phim Fox thuê trang phục từ chính các diễn viên nam. Amy Acker cho biết có lần cô đột nhập tủ đồ của diễn viên nam và phát hiện ra nhiều món thú vị. Một chiếc váy mà Jillian mặc chính là từ tủ của vợ Alexis Denisof (người đóng vai Benedick)!

Benedick và Beatrice là các nhân vật hài hước xuất sắc nhất của Shakespears. Họ thông minh, sắc cạnh, hay châm biếm, và luôn tự cho mình “cao” hơn người khác, ít nhất trong chuyện tình cảm. Benedick (Alexis Denisof) thề nguyền mình sẽ chết trong cơ thể của một gã trai tân. Chàng bảo vệ “trinh tiết” của mình bằng trang phục tối màu. Nhưng chàng cũng có những khoảnh khắc mềm yếu, hàng rào bảo hộ bị gỡ bỏ thì lại mặc quần jean với áo thể thao mềm. Còn nàng Beatrice (Amy Acker), thề rằng không quỵ lụy trước bất kỳ gã đàn ông nào, lại càng gai góc và châm biếm trong chiếc váy bồng bềnh và chất liệu sequin - quyến rũ song “lắm gai”.

Beatrice (Amy Acker) và Hero (Jillian Morgese)

Conrade (Riki Lindhome), người tình của Don John (nhân vật đã được “chuyển giới”, bởi trong vở kịch gốc, Conrade là nam, đi theo Don John), trông khá bất thường với áo chấm bi và sọc như thể muốn chống lại các trang phục nữ tính xung quanh. Chẳng có gì phải nghi ngờ, nàng ta là nhân vật phản diện. Borachio (Spencer Treat Clark) - quân của Don John - trẻ trung, hợp thời trang song tương đối đơn giản, ít phụ kiện.

Don John (Sean Maher) và John Conrade (Riki Lindhome)

Leonato (Clark Gregg) thích mặc đồ dạ hội, khuya áo nổi bật, ve áo từ vải satin, còn cà vạt có hoa văn cầu kỳ để tỏ ra mình là nhân vật quan trọng. Mà cũng quan trọng thật, Thống đốc cơ mà. Chỉ có điều, bất lực để bảo vệ chính gia đình mình. Phụ tá của Leonato (Joshura Zar) cũng có trang phục riêng: luôn mặc áo khoác thể thao vải tuýt. Dogberry (Nathan Fillion) đúng là nhân vật hài hước của sở cảnh sát với áo trắng, tay áo xắn quá khuỷu, túi ngực (mà lại không cài bút) cùng bao súng.

Don Pedro (Reed Diamond)

Chẳng rõ có phải bị ghét bỏ hay không mà một nhân vật quyền lực như Don Pedro (Reed Diamond) lại như thể bị mắc kẹt trong trang phục, chứ không phải làm chủ nó. Có lẽ, để ngầm ám chỉ chàng cũng đang chật vật (mà không biết hoặc cố tình không biết) trong thứ quyền lực mà mình có. Chàng là người duy nhất trong bộ ba nam chính mà kết thúc chẳng thăng cấp nổi bóng hồng nào lên làm vợ mình. Benedick thậm chí còn chọc bạn mình phải lấy vợ thì mới có hạnh phúc đích thực được. Tại sao Shakespears lại để nhân vật “chính diện” của mình kết thúc buồn trong một vở kịch hài? Shakespears không nói rõ, và biến Don Pedro trở thành nhân vật để lại nhiều giả thuyết nhất trong vở kịch này. Có lẽ vì thế mà anh ta cũng chẳng biết làm chủ bộ cánh mặc trên người chăng?

Hero (Jillian Morgese) thử váy cưới cùng phù dâu Margaret (Ashley Johnson).

Bộ ba nhân vật làm nên mạch chính của truyện: Hero (Jillian Morgese), Claudio (Fran Kranz) and Don John (Sean Maher) được chăm chút nhất. Ba người này được gắn với hoa, ngụ ý về tầm quan trọng của họ trong phim (dù ấn tượng chưa hẳn nằm ở họ). Nữ chính Hero là hoa cúc, biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ, vô tội, và cả tình yêu thủy chung dành cho Claudio. Còn Don John và Claudio hay đi cùng hoa in trên gam màu tối. Với Claudio - “mang hình hài cừu non, dũng mãnh như sư tử”, đó là sự vấp ngã, không vượt qua được rào cản và để mặc hiểu lầm giày xé bản thân. Hero bị phá hủy, bởi chính “sự trong trắng” và tình yêu của mình. Còn với Don John, đó là sự suy đồi, âm mưu và nham hiểm.

Sức hấp dẫn từ trang phục trong phim chưa bao giờ là chuyện nó đến từ nhà thiết kế nổi tiếng nào, thương hiệu danh giá nào, mà là khả năng kể chuyện của nó được sắp đặt đầy ngụ ý giữa từng lớp cảnh. Trang phục trong Much Ado About Nothing dệt nên một câu chuyện tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, nhà làm phim cho chính hoa cúc bị vấy bẩn bởi sự vui thú giữa phù dâu Margaret (Ashley Johnson) và Borachio, trong chính chiếc váy cưới, ngay trước ngày tổ chức. Chiếc váy trở thành biểu tượng nỗi xấu hổ của Margaret và trở thành tội lỗi đầy bi kịch dành cho nàng Hero trong trắng, để tồi từ đó, chuyện chẳng có gì cũng thành lắm chuyện!

Xem thêm:

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/chuyen-co-gi-dau-ma-ron-lai-thanh-ra%e2%80%a6-co-gi