Chuyện chưa kể về vụ án oan Trần Văn Thêm

Trong lúc mọi cánh cửa cơ quan tiến hành tố tụng đều khép lại, luật sư Vũ Văn Lợi vẫn tin rằng ông Trần Văn Thêm bị oan.

Hai lần lĩnh án tử hình, vẫn sống

Ngày 24/7/1970, một vụ án giết người, cướp của xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Phúc). Theo tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng, 14h ngày 23/7/1970, Trần Văn Thêm rủ anh N.V đi xe đạp đến chợ Vẽ, huyện Tam Dương buôn bán.

Đến xã Đồng Tĩnh, thì trời tối. Hai người ngủ tại một lều cắt tóc ở gần cầu Diện. Đến nửa đêm, trong lúc N.V ngủ say, Thêm lấy cọc xe thồ đánh liên tiếp vào vào thái dương N.V, khiến anh này mê man bất tỉnh.

Thêm lục soát lấy túi tiền của anh N.V, rồi lấy móc lốp xe đạp tự trích vết thương ở đỉnh đầu mình và kêu cứu. Khi có người đến, Thêm nói là kẻ cướp dùng cọc xe thồ đánh mình và anh N.V bị thương. Vì thương tích quá nặng, anh N.V chết chiều cùng ngày tại bệnh viện huyện Tam Dương.

Sau đó, Trần Văn Thêm bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao y án sơ thẩm. Điều đáng nói, bị cáo và bị hại có quan hệ họ hàng với nhau.

Ông Trần Văn Thêm 2 lần lĩnh án tử hình, vẫn sống đến ngày hôm nay (Ảnh Thành Long).

Ông Trần Văn Thêm 2 lần lĩnh án tử hình, vẫn sống đến ngày hôm nay (Ảnh Thành Long).

Quý nhân xuất hiện

Đến nay, ông Trần Văn Thêm tuổi cao, sức yếu. Nhiều người bảo, gia đình phúc lớn, nên ông mới được thả về và sống đến ngày hôm nay.

Cách đây hơn 2 năm, tình cờ gia đình ông gặp luật sư Vũ Văn Lợi - Giám đốc công ty Luật TNHH Hòa Lợi. Như "ngọn nến trước gió", ông Thêm trình bày với luật sư Lợi ước nguyện được minh oan. Bằng tâm trong nghề, luật sư Lợi quyết định giúp ông Thêm mà không hề đòi hỏi về tiền bạc.

Luật sư Vũ Văn Lợi- Giám đốc công ty Luật TNHH Hòa Lợi.

Bắt tay vào vụ án, luật sư Vũ Văn Lợi thấy tất cả cơ quan tiến hành tố tụng từ công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đều trả lời không có căn cứ. Nguyên do ông Thêm không cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh mình bị oan sai. Thậm chí, không có bản án, không có bút lục của cơ quan điều tra, truy tố. “Đã có lúc, tôi thấy vụ án đi vào bế tắc”, luật sư Lợi tâm sự.

Làm án theo kiểu “mò kim đáy biển”, luật sư Lợi như "mở cờ trong bụng" khi đọc văn bản thể hiện bà Đ. (thẩm phán TAND tỉnh Vĩnh Phú) xác nhận xử vụ đó và đã chuyển hồ sơ lên TAND tối cao vì có đơn kháng cáo.

Vị luật sư giàu kinh nghiệm phán đoán: “Một tù nhân được thả về địa phương (Yên Phong, Bắc Ninh) thì chính quyền địa phương phải biết. Luật sư Lợi kể: “Tôi làm công văn gửi Công an tỉnh Bắc Ninh, phòng quản lý hồ sơ công an tỉnh, đề nghị họ xem xét có tài liệu về ông Trần Văn Thêm ở Yên Phong”.

Kết quả thật không ngờ, Công an tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp cho luật sư Lợi 2 bản án (sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội).

Do thời gian quá lâu, 2 bản án này đã mục nát, không thể đọc được bằng mắt thường. Công an tỉnh Bắc Ninh phải dùng máy móc hiện đại, quét lại 2 bản án, sao y bản chính.

“Có được 2 tài liệu quan trọng trong tay, tôi mừng như bắt được vàng, nghĩ con đường giải oan cho cụ Thêm đã có tia hy vọng”, luật sư vũ Văn Lợi kể.

Từ đây, một vụ án oan sai hi hữu trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam mang tên Trần Văn Thêm được vén màn.

Từ chỗ “không có bột, vẫn gột được lên hồ”, luật sư Lợi và cộng sự gặp nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật, trình bày ý kiến minh oan cho ông Trần Văn Thêm. Và như chúng ta đã biết, ông Trần Văn Thêm đã chính thức được minh oan trước công luận.

“Làm được một việc thiện, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, say mê nghề nghiệp”, luật sư Vũ Văn Lợi tâm sự với PV báo Người Đưa Tin.

Thiên Long

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-chua-ke-ve-vu-an-oan-tran-van-them-a325945.html