Chuyện chưa kể về lão nghệ nhân đã cứu sống tranh làng Sình

Đó là nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (66 tuổi), ở làng Sình (còn gọi là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); với hơn 60 năm làm tranh dân gian...

Theo lời ông Phước, vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, cùng với dòng người theo chân Chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa lập nghiệp, cụ tổ Kỳ Hữu Hòa đã mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản vào làng Sình định cư và truyền dạy. Đến nay, tranh làng Sình có gần 500 năm tuổi. Khác với dòng tranh dân gian mộc bản Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) thì tranh làng Sình được dùng để thờ cúng và hóa sau khi cúng lễ.

Tranh gồm 3 loại: Tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật, trong đó, tranh nhân vật gồm 2 bộ thế mạng và bổn mạng, nhưng chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm... Làm tranh Sình hết sức công phu, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn.

Để có giấy in, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai - Lăng Cô để cào điệp về giã thành bột, rồi trộn với hồ. Sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Khi phơi khô, hỗn hợp sẽ tạo nên màu trắng thuần khiết của loại giấy làm tranh làng Sình. Màu để tô tranh nghệ nhân cũng rất kỳ công mới có được. Màu đỏ được làm từ rễ cây vang ở đại ngàn Trường Sơn; màu xanh làm bằng thân, rễ và hoa của cây dành dành mọc ở khe suối lấy vào mùa hè; màu vàng được làm từ lá đung trộn với hoa hòe.

Ba loại màu trên đều bỏ nguyên liệu vào nồi đất nấu từ 3 đến 5 ngày mới chiết ra màu. Còn màu cam lấy từ những viên gạch mục, đem mài mịn ra trộn với keo da trâu; màu tím thì lấy từ trái mồng tơi; màu đen là màu của tro bếp trộn với nước màu đen lấy từ lá cây bàng tươi ngâm trong nước lâu ngày. Cầu kỳ, tốn không ít công sức, thu nhập từ việc bán tranh chẳng bao nhiêu từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày, vậy nhưng ông Phước vẫn quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống của cha ông...

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu tranh làng Sình cho du khách nước ngoài.

Ông Phước là đời thứ 9 trong dòng họ Kỳ theo nghiệp làm tranh dân gian làng Sình. Theo ông cho biết, trước giải phóng 1975, nhà nhà, người người đều làm tranh. Nhưng sau giải phóng, nghề làm tranh làng Sình bắt đầu có nguy cơ bị "tận diệt". Vì, lãnh đạo chính quyền ngày đó quy cho nghề tranh này cái tội mê tín dị đoan. Bao nhiêu mộc bản cái thì bị tịch thu, cái thì tự nguyện đem nộp, rồi chất đống chẻ làm củi thổi. Duy chỉ mình ông Phước giữ được nguyên vẹn hơn 100 bộ mộc bản làm nghề.

Ông kể lại: "Không đành lòng để những bức tranh làng Sình xứ Huế bị xóa sổ, tui đã bọc tất cả những bản khắc quý bằng bao nilon rồi chôn xuống đất, chờ mọi chuyện qua đi, mới đào những bản khắc lên và từng bức gây dựng, khôi phục lại nghề của tổ tiên". Đến năm 1996, đất nước mở cửa, Đảng, Nhà nước chủ trương khôi phục lại những làng nghề truyền thống, trong đó có tranh làng Sình. Nhưng nghề làm tranh làng Sình chỉ còn duy nhất ông Phước biết nghề. Quyết tâm giữ lấy cái nghề của cha ông, ông Phước đã đi vận động bà con trong vùng làm tranh. Không có bản mộc, ông bỏ tiền bạc, công sức ngày đêm khắc hàng chục mộc bản cho dân làng làm tranh. Tranh làm ra ông lại phải mang đi khắp các chợ trong, ngoài tỉnh bán, lấy tiền đem về cho bà con để tạo niềm tin cho họ giữ nghề. Ông Phước tâm sự: "Nhiều người đến nhà thấy tui để mộc bản quý ngoài trời, cứ băn khoăn hỏi tui không sợ mất à. Tui mong cho mất nữa, vì mộc bản mất đi nghĩa là có thêm người muốn học, muốn làm lại nghề truyền thống của tổ tiên"...

Hiện nay, làng Sình đã có trên 50 hộ theo nghề làm tranh Sình. Để tranh làng Sình có thể phát triển và bắt kịp được nhu cầu của người mua, ông Phước đã đưa những đề tài dân gian, tranh bát âm, 12 con giáp và nhiều trò chơi như đấu vật truyền thống của làng Sình lên tranh, làm phong phú thêm cho tranh làng Sình.

Bà Nadine, một du khách người Pháp khi chiêm ngưỡng tranh do ông Phước làm đã thốt lên rằng: "Tranh do ông Phước làm thật ấn tượng, chúng tôi hết sức khâm phục tài năng và lòng nhiệt huyết của ông Phước". Ba năm trở lại đây, cứ vào mùa hè, ông Phước lại mở lớp dạy nghề làm tranh làng Sình miễn phí cho lớp trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên trong làng để phát huy nghề truyền thống. Chính những đóng góp to lớn trong việc phục sinh tranh làng Sình, ông Phước đã nhiều lần được tỉnh Thừa Thiên - Huế tôn vinh.

Mới đây, bộ lịch Bát âm của ông được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tình Thừa Thiên - Huế năm 2013. Đến làng Sình những ngày cận Tết Giáp Ngọ này, chúng tôi như bị cuốn theo không khí làm việc khẩn trương của người trong làng. Nào già, nào trẻ, cả gái, lẫn trai đều xúm xít tô vẽ, in tranh… để chuẩn bị tranh bán trong dịp Tết cổ truyền, đã làm sống lại một làng nghề tưởng chừng mai một...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2014/1/220791.cand