Chuyện chưa kể của người lính 'mang chuông đi đánh xứ người'

Những người lính mang hạnh phúc vượt biên giới phải đối mặt với nghịch cảnh khắc nghiệt mà nếu không có một tinh thần thép sẽ khó lòng vượt qua được.

1. Mozambique

Ngày 15/5/2012, Viettel công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique với thương hiệu Movitel (liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và công ty SPI - Mozambique). Chỉ sau hơn 1 năm đầu tư, Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G và 3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique.

Trước khi Viettel đầu tư vào Mozambique, người dân sống ở các địa phương phải xếp hàng để nghe hoặc gọi đi từ chiếc máy điện thoại cố định và chỉ người dân thành phố mới có thể sử dụng Internet và điện thoại di động với mức giá cước được "định nghĩa" chỉ dành cho người giàu.

5 năm có mặt trên thị trường viễn thông Mozambique, Movitel đã trở thành mạng di động có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nước này với trên 4 triệu thuê bao, có hạ tầng lớn nhất với 2.200 trạm BTS, 25.000 km cáp quang với 3 đường trục truyền dẫn quốc gia. Ông Paulo Zucula - Bộ trưởng Giao thông Liên lạc Mozambique từng chia sẻ với báo chí, Movitel đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria. Đó là điều thần kỳ.

2. Những người lính "khai phá" Đông Phi

Đồng chí Tổng giám đốc thị trường cùng anh em lên đường nhận nhiệm vụ sang Mozambique. (Anh Tiệp ngoài cùng bên phải)

Đồng chí Tổng giám đốc thị trường cùng anh em lên đường nhận nhiệm vụ sang Mozambique. (Anh Tiệp ngoài cùng bên phải)

Đôi khi nghịch cảnh lại là những thứ phải đối mặt để có được thành công. Đằng sau kết quả kỳ diệu ấy là sự can đảm của những người lính Viettel ở nước ngoài.

Năm 2016, anh về Việt Nam sau 3 năm rời quê hương sang công tác tại Mozambique. Khác hẳn với vẻ phong độ trước khi đi, da anh sạm hơn và dáng vẻ đã đậm màu sương gió.

Anh Nguyễn Xuân Tiệp nhận quyết định ngày 24/12/2012 tới Mozambique làm phó giám đốc chi nhánh tỉnh tương đương chức vụ đang nắm giữ trong nước. Hành trang lên đường là 2 va ly đầy mỳ tôm, nước mắm, quần áo, thuốc men.. tất cả những gì có thể đều cân đếm thêm bớt để đủ tải trọng mang theo.

Mozambique rộng gấp 3 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 30 triệu người (bằng 1/3 dân số Việt Nam), mật độ dân cư thưa thớt. Nơi đầu tiên anh Tiệp đặt chân tới là sân bay Maputo - thủ đô của Mozambique. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng khung cảnh vẫn khiến anh không khỏi lạnh người. Nơi đây ngập tràn rác thải trên các tuyến đường, ngõ phố và rất nhiều chim quạ. Cả đoàn được đưa về một khách sạn có thể coi là đẹp nhất tại đó lúc bấy giờ với giá 50 USD/đêm. Phòng đơn sơ với vài đồ đã cũ, phòng tắm không có hệ thống thoát nước, cứ tắm xong lại phải gọi nhân viên tát nước...

Sống và làm việc ở Mozambique, nếu không có sự can đảm và tinh thần người lính thì khó lòng có thể trụ được. Không chỉ cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ trang thiết bị y tế mà chất lượng nguồn nhân lực cũng là một khó khăn lớn bởi hệ thống giáo dục của nước bạn còn hạn chế.

Anh được phân về tỉnh cách thủ đô 3000km với diện tích bằng cả 15 tỉnh miền núi trung du phía Bắc để bắt đầu những ngày tháng học tập, rèn luyện và hướng dẫn các bạn kỹ thuật sở tại làm chủ mạng lưới. Những ngày đầu, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa cũng từng khiến anh em vất vả để hòa nhập. Nhân viên là người bản địa với kiến thức chuyên môn là bằng không. Anh Tiệp cùng anh em phải cầm tay chỉ việc từ những điều nhỏ nhất, cả thầy và trò cùng tập để quen nhau về ngữ điệu, từ giao tiếp, kết hợp cả 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ tại Mozambique).

Ở Mozambique, khoảng cách địa lý vẫn là điều khiến anh em cảm thấy áp lực nhất. Bởi mật độ dân cư thưa thớt nên tuyến huyện thường rất xa thủ phủ tỉnh. Mỗi ngày đi khoảng 300-400km, có ngày phải đi cả ngàn km. Không kể lúc nào anh em cũng phải trong tinh thần “trực chiến”, lên đường bất kể ngày đêm để đảm bảo trong mọi điều kiện thông tin liên lạc được thông suốt.

Ứng cứu thông tin, mưa lũ trong rừng, anh em mua gà của dân và tự làm bữa tối. (Chuyến hỗ trợ lũ lụt lớn nhất tại Zamberia 2/2015)

“Mình thì còn đỡ do ở trên tỉnh dù gì cũng có 5 - 7 anh em ở cùng. Mọi khó khăn về điều kiện sống, công việc đều nhanh chóng qua đi bởi núi công việc khổng lồ bộn bề chờ anh em cùng giải quyết. Khổ nhất là các đồng chí trưởng trung tâm huyện chỉ có một mình, bất đồng ngôn ngữ, ngày đi làm với các bạn hướng dẫn bán hàng tuyển kênh, tối ra chỉ có gọi điện về nhà và gọi cho nhau buôn cho đỡ tự kỷ và đỡ thấy mệt mỏi”, anh Tiệp nói.

Ví người Viettel chính là những người lính thời bình thật chẳng sai, đi thị trường gian khổ chẳng kém thời chiến. Theo anh Tiệp, những người lính công trình đi xây dựng tạm BTS (Trạm thu phát sóng di động) một mình lo liệu từ nhân công, vật liệu, thuê xe đi tới những khu dân cư tận trong rừng xanh để xây dựng mà không có sóng điện thoại, phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng. Ở Mozambique do địa hình trũng mà nước đọng ao tù nhiều, ai cũng ít nhất 1-2 lần dính sốt rét. Anh Tiệp vốn cao và khỏe mạnh nhưng cũng từng một lần sốt rét thập tử nhất sinh. Ốm nặng là vậy nhưng anh em tự chăm sóc lẫn nhau hoặc phải tự mình tới bệnh viện để uống thuốc rồi đi về chi nhánh tỉnh điều trị, cũng không dám báo về gia đình sợ mọi người lo lắng. Có khỏi ốm rồi mới gọi về kể lại chuyện.

Anh Tiệp trầm ngâm: “Ở đây ai cũng là anh nuôi, là bác sỹ và cả là người giúp việc. Để chống chọi lại những cơn sốt rét rừng lạnh đến run người là sự chia sẻ kinh nghiệm, sự quan tâm kịp thời, quý giá từng bát cháo nhỏ đút cho nhau ăn.. đó là động lực để rất nhiều anh em sống sót hoàn thành nhiệm vụ thị trường.”

3. Mang hạnh phúc vượt biên giới

Tôi hỏi, có điều gì làm anh nuối tiếc nhất?

Anh lặng một chút rồi mới trả lời: “Thương vợ bao lần nước mắt thấm đẫm gối”.

Vậy anh có hối hận không?

“3 năm công tác tại thị trường là quãng thời gian được học hỏi rất nhiều về thực tế, kỹ năng quản lý và cả bản lĩnh. Tuy nhiên đó là sự hy sinh to lớn của hậu phương những người làm Viettel.. Nhưng con người mang chuông đi đánh xứ người - đó là tự hào không chỉ cá nhân còn là tự hào mang tính dân tộc để chứng minh người Việt với thế giới rằng họ không chỉ giỏi cầm súng mà còn giỏi cả kinh doanh”

“Nếu ai cũng sợ khổ thì đã không có Viettel ngày hôm nay”, anh Tiệp nói.

Hy sinh cũng là một phần tạo nên hạnh phúc!

Cuộc sống dù có thiếu thốn nhưng không khí làm việc luôn kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, bất kể ngày đêm, từ ban lãnh đạo tới nhân viên. Từng việc làm nhỏ của mỗi người Việt ở Movitel đã góp phần tạo nên một điều lớn lao hơn ở Mozambique, đem lại cho các anh niềm vinh dự, tự hào. Đó là khi bán hàng thấy con số thuê bao tăng lên, là khi người nghèo ở Mozambique được hưởng lợi…

Có lẽ, hạnh phúc không phải là điều gì quá trừu tượng hay to lớn. Đơn giản chỉ là nụ cười trên môi ai đó, lời cảm ơn.. hay niềm tin của một người lính Viettel: “Điều hạnh phúc nhất đó là gia đình bé nhỏ luôn ủng hộ, luôn bên cạnh chia sẻ mọi khó khăn và cả thành công dù ở bất cứ nơi đâu”.

Hoàng Linh

Nên đọc

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-chua-ke-cua-nguoi-linh-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-d117529.html