Chuyện chưa biết về sự hy sinh anh dũng của người con cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Đầu năm 1967, không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư, Dũng linh cảm đã có chuyện chẳng lành. Hỏi ba thì ba không trả lời. Nhiều lần Dũng lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh xin nghỉ học, về nước chiến đấu.

* Tháng 7-2016, tác giả Trần Kiến Quốc có bài viết xúc động kể về tấm gương dũng cảm hy sinh của người con cả cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh -Liệt sỹ, chúng tôi đăng tải lại bài viết này.

Trong lịch sử 35 năm tồn tại của Trường Văn hóa Quân đội thì có 5 năm (1965 – 1970) được mang tên Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (còn gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, gọi thân mật là Trường Trỗi). Nhà trường đã đào tạo 8 khóa với 1.200 học sinh, hơn 900 học sinh đã nhập ngũ; trong đó hơn 800 người trở thành sĩ quan.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 2 thầy giáo và 28 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh, trong đó có người bạn thân thiết của chúng tôi, liệt sỹ Võ Dũng.

Di ảnh liệt sỹ Võ Dũng.

Nợ nước, thù nhà

Anh Võ Dũng tên thật là Phan Chí Dũng (SN 1951 tại Rạch Giá), là bạn học Trường Trỗi với chúng tôi. Ba của Dũng là chú Sáu Dân (sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt), má là cô Trần Kim Anh. Cô kém chú 10 tuổi và họ thành thân năm 1948.

Dũng có 3 em: Phan Hiếu Dân (1955), Phan Thị Ánh Hồng (1958) và Phan Chí Tâm (1966). Sau 1954, đất nước chia cắt, chú Sáu ở lại Nam Bộ. Mấy anh em Dũng phiêu bạt theo má mưu sinh và trốn chạy sự truy bức của chính quyền địch. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi. Cơ quan Trung ương Cục phải tạm lánh sang Phnômpênh. Chú Sáu Dân đưa Dũng và em Dân đi cùng.

Năm 1960, anh em Dũng cùng một số bạn được đón ra Bắc theo tuyến đường đặc biệt trên chuyến bay Air France từ Pochentong tới Hồng Kông rồi qua phà biển về Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó đi tàu liên vận quốc tế về Hà Nội. Võ Dũng được gửi vào Trường Học sinh miền Nam ở Cầu Rào, Hải Phòng.

Đến năm 1963, Bộ Giáo dục có chủ trương đưa học sinh miền Nam có cha mẹ hoặc người thân về sống với gia đình. Cô Bảy Huệ, vợ bác Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư), đã đón Dũng về nhà. Theo lời Hiếu Dân kể với chúng tôi, anh Dũng rất thương các em. Đêm nào cũng hay kể những chuyện kiếm hiệp, vừa kể anh vừa hóa thân thành các hiệp sĩ oai hùng.

Tháng 5-1965, Dũng nhập Trường Thiếu sinh quân tại Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc (cũ, huyện Hiệp Hòa nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Những năm tháng ở trường, Dũng rất hiếu động và nghịch ngợm, hay cầm đầu các cuộc vui chơi pha chút mạo hiểm. Những lần máy bay Mỹ bay qua khu vực trường, Dũng không sợ mà đứng hẳn trên bờ hào, lấy tay che mắt, theo dõi đường bay. Khi máy bay Mỹ bị bắn rơi, Dũng là người đầu tiên nhảy cẫng lên, vỗ tay reo hò...

Trong khi Võ Dũng đang ở miền Bắc thì xảy ra một chuyện đau lòng với má và các em tại quê nhà. Cuối năm 1966, Trung ương Cục cử dì Tư, liên lạc viên, về Sài Gòn đón má và 2 em lên chiến khu thăm chú Sáu. Lúc này, em út Chí Tâm chưa đầy 1 tuổi. Để đảm bảo bí mật, dì Tư chọn đi chuyến tàu Thuận Phong chuyên chở vợ con sĩ quan, binh lính Sài Gòn lên thăm chồng ở đồn Dầu Tiếng.

Đúng ngày 17-12-1966, địch có lệnh thiết quân luật, cấm mọi tàu bè chạy trên tuyến đường sông qua Củ Chi. Chủ tàu Thuận Phong không hay biết vẫn cho tàu chạy, vừa rời Sài Gòn được hơn tiếng đồng hồ thì bị một tốp trực thăng bắn xối xả. Tàu trúng đạn và bị chìm, toàn bộ hành khách trên tàu không còn ai sống sót…

Chú Sáu đau buồn, tha thẩn suốt mấy ngày dọc bờ sông, mong tìm kiếm được chút gì của vợ con, trong đó có thằng út chưa hề biết mặt. Đau đớn đến tột cùng nhưng chú Sáu vẫn dặn anh em, đừng cho Võ Dũng và Hiếu Dân biết tin này.

Đầu năm 1967, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư, Dũng linh cảm đã có chuyện chẳng lành. Hỏi ba thì ba không trả lời. Nhiều lần Dũng lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh xin nghỉ học, về nước chiến đấu. Tháng 3-1968, anh được về nước vào học Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn ở Chí Linh, Hải Dương.

Về Nam chiến đấu

Tháng 8-1969, Võ Dũng tập trung ở Trường 105B – Trường huấn luyện cán bộ đi B ở Hòa Bình. Thương Võ Dũng, các chú ở Ban Tổ chức Trung ương bảo: “Các chú cho cháu đi máy bay qua Campuchia, rồi giao liên đưa về chỗ ba cháu”, nhưng Dũng trả lời: “Con không đi máy bay đâu. Đã đi Nam là phải vượt Trường Sơn. Nhiều chú bác, anh chị là cán bộ còn vượt Trường Sơn; con tuổi 18, làm sao con lại đi máy bay”.

Các chú phát cho Dũng tăng võng bằng vải dù, Dũng cũng từ chối, chỉ nhận tăng võng ka-ki, màn vải như các anh chị khác. Trước ngày đi, cô Bảy Huệ cùng cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân lên thăm. Ai cũng lo vì hồi đi học Dũng nghịch ngợm quá, không hiểu Dũng sẽ ra sao khi trở về Nam? Võ Dũng cười và hứa: “Các cô yên tâm đi, con quyết sẽ trả thù cho má và 2 em. Lần này con đi, các cô sẽ thấy “một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực”!

Dũng hồ hởi nhập đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn” về Nam chiến đấu. Trong đoàn còn có vợ chồng anh Long, chị Phương. Sau này, Hiếu Dân được anh Long kể lại, dọc đường hành quân, tuy rất vất vả, nhưng Dũng rất vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi thì đeo hộ ba lô, lúc lại đeo thêm khẩu súng, tới đâu cũng kể chuyện vui để quên đi vất vả. Có ít thuốc lá mang theo, Dũng chia đều cho mọi người.

Tới căn cứ B2, Dũng được gặp ba. Hai ba con ôm nhau vào lòng, nghẹn ngào không nói nên lời. Chỉ dăm bữa, Dũng nằng nặc xin về Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Biết càng vào sâu thì cái chết càng cận kề, hòn tên mũi đạn có chừa ai; vậy mà chú Sáu đã gật đầu. Các chú cho Dũng về đơn vị Thông tin, nơi ít phải giáp mặt với quân thù; nhưng Dũng xin về Rạch Giá: “Má cháu đã bị giặc giết hại, các chú phải cho cháu về quê má chiến đấu”.

Đến tháng 6-1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba và xin bằng được về Trung đội 2 trinh sát (thuộc Tiểu đoàn 3). Thấy con trai thủ trưởng quyết tâm, các chú đành chấp nhận. Từ đó, Dũng hăng hái lặn lội đi trinh sát cùng anh em, no đói, gian khổ cùng sẻ chia.

Sáng sớm ngày 21-4-1972, Dũng cùng 2 đồng đội đi trinh sát nhưng bị sa vào ổ phục kích và cả 3 anh em hy sinh trên kênh Tây Ký (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá). Võ Dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 21, ngay trên quê hương má Trần Kim Anh.

Sau ngày giải phóng, tháng 11-1975, chú Sáu nhờ đơn vị tìm mộ phần Võ Dũng, cải táng và đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Thật cảm động, khi đưa thi hài Dũng lên, trong túi quần vẫn còn bịch nilon đựng thuốc rê… Nghe Hiếu Dân kể đến đây, chúng tôi nhớ lại những ngày học ở trường, Dũng là một trong những số ít “tay nghiện” thuốc lá của lớp.

Gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt (ảnh ghép).

Sau này, Võ Dũng được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Không xa bức phù điêu lớn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là nơi yên nghỉ của Võ Dũng cùng bia mộ tượng trưng của má Trần Kim Anh và 2 em. Chín nấm mộ xếp chụm lại như 9 cánh của một bông hoa.

Khi chú Sáu Dân còn bình sinh, mỗi lần Hội trường Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi đều mời chú đến dự. Còn nhớ dịp 27-7-1993, chúng tôi đã đến thắp hương cho Võ Dũng. Chú chia sẻ: “Nhà chú mất thằng Dũng, Trường Nguyễn Văn Trỗi mất 27 bạn nữa như nó cùng 2 thầy. Đất nước có chiến tranh thì mất mát có của riêng ai. Nhưng chúng ta phải sống, phải sống cho tương lai, các con ạ!". Lúc chia tay, chú vấn vương: “Chả hiểu hồi ở trường, Dũng có thương con bé nào? Biết đâu... để chú còn đi tìm?”.

Trước ngày về cõi vĩnh hằng, chú Sáu Dân đã đưa cô Kim Anh, Võ Dũng, Ánh Hồng, Chí Tâm về nghĩa trang dòng họ ở Vĩnh Long... Mới đây, Hiếu Dân gửi cho tôi mấy bức ảnh quý mà chú Sáu đã gìn giữ bấy lâu. Trong đó có bức ảnh cả gia đình, nhưng nhìn là biết ảnh ghép.

Hiếu Dân tâm sự: "Ba em rất thương má, thương anh Dũng và các em. Cụ đã lấy ảnh chụp ba với má đang bế Ánh Hồng, rồi nhờ thợ ghép thêm anh Dũng, em và Chí Tâm vào để có đầy đủ các thành viên trong gia đình".

Trần Kiến Quốc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/nguoi-con-trung-hieu-khuoc-tu-moi-uu-ai-di-vao-noi-lua-dan-400394/