Chuyện chỉ có ở Việt Nam: DN giải thể, cổ phiếu vẫn tăng giá

(DĐDN) CSG (Cty CP Cáp Sài Gòn) lần đầu tiên được ghi vào lịch sử của TTCK VN với những kịch tính: “hủy niêm yết vì cổ đông đồng thuận với phương án giải thể”.

Giao dịch của cổ phiếu CSG từ 13/3 đến 11/4

Trên sàn chứng khoán các nhà đầu tư lan truyền thông tin khả năng CSG sẽ giải thể và chủ trương này đang được chờ ý kiến của ĐH cổ đông vào 21/4 tới. Nhưng đối với giới kinh doanh, CSG giải thể và hủy niêm yết trên sàn đáng lý phải diễn ra sớm hơn.

Dựa trên Báo cáo Tài chính (BCTC) năm 2011 do Cty TNHH Kiểm toán & Tư vấn Thăng Long – TDK kiểm toán, giá trị sổ sách của CSG tại ngày 31/12/2011, sau khi điều chỉnh cổ phiếu quỹ lên đến hơn 18.600 đồng/CP. Giá trị sổ sách này cao gần 2,5 lần so với thị giá cổ phiếu CSG ngày 13/4/2012 là 7.400 đồng.

Điều đặc biệt là, mặc dù HĐQT đang đề nghị xây dựng phương án giải thể, thanh lý tài sản trình ĐH cổ đông, nhưng vẫn mua vào chính cổ phiếu mình phát hành. Tính đến ngày 20/02/2012, CSG đã mua lại số lượng cổ phiếu đã phát hành là 2.970.360 đơn vị. Như vậy lượng cổ phiếu đang lưu hành là 26.771.660 đơn vị. Tổng giá trị mua vào lượng cổ phiếu quỹ là 33,28 tỉ đồng, tương ứng với mức giá trung bình là 11.200 đồng/cổ phiếu quỹ. Từ ngày 02/03/2012 – 02/05/2012 CSG cũng đã đăng ký mua tiếp tục mua thêm 500.000 cổ phiếu quỹ.

Một câu hỏi được đặt ra, trong khi Cty mua vào chính cổ phiếu của mình phát hành thì tại sao các cổ đông lớn của CSG lại bán cổ phiếu, khi giá trị tài sản của CSG theo sổ sách cao gấp nhiều lần so với thị giá cổ phiếu?Trên thực tế, cổ phiếu CSG đã tăng trần liên tục với dư mua lớn sau khi kế hoạch giải thể Cty vừa được loan tin trên các phương tiện truyền thông. Giá cổ phiếu CSG đã tăng trần liên tục với dư mua lớn. Cụ thể từ mức 6.900 đồng/CP tăng lên 7.800 đồng/CP (tăng 10%) với khối lượng dư mua rất lớn có ngày 1,7 triệu đơn vị.

CSG thành lập năm 2005, tháng 7/2009, CSG chính thức lên sàn HOSE, cuối năm Cty báo cáo kết quả kinh doanh với hơn 34 tỉ đồng lợi nhuận, tăng gấp 25 lần so với năm trước đó. Nhưng doanh thu trong năm 2009 của CSG chỉ đạt khoảng 370 tỉ đồng, chỉ bằng hơn phân nửa so với năm 2008. Sang đến năm 2010, doanh thu của CSG lại tăng lên xấp xỉ 540 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ tăng nhẹ lên gần 38 tỉ đồng. Năm 2011, doanh thu của CSG lại giảm đi gần phân nửa, xuống 277 tỉ đồng, và lợi nhuận giảm mạnh xuống dưới 10 tỉ đồng.

Theo HĐQT của CSG, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 ban điều hành xây dựng với doanh thu 400 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức 12%. Tuy nhiên, điều này không khả thi vì thị trường cáp đồng đang bị cạnh tranh khốc liệt. Ông Đỗ Văn Trắc - Chủ tịch Hội đồng quản trị CSG cho biết, về việc CSG hủy niêm yết và giải "Đây là quyết định được HĐQT nhất trí cao. Giải thể Cty, rút lui khỏi ngành kinh doanh cáp đồng không có triển vọng phát triển để bảo toàn vốn cho cổ đông. Nếu tiếp tục kinh doanh, Cty sẽ thua lỗ".

Theo Điều 3, Luật Phá sản, một DN không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Theo báo cáo tài chính đã qua kiểm toán của CSG, tại thời điểm ngày 31/12/2011, Cty còn hơn 235 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Trong đó có hơn 218 tỉ đồng tiền mặt đang gửi tại các ngân hàng thương mại. Chiếu theo định nghĩa trong Luật Phá sản, CSG không mất khả năng thanh toán với các chủ nợ. Tuy nhiên, việc giải thể phải chờ ĐHCĐ sắp tới thông qua, khi đó HĐQT CSG mới có cơ sở pháp lý tiến hành các thủ tục kế tiếp. Tùy theo tỉ lệ CP mà các cổ đông sở hữu tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được lượng tiền mặt từ Cty sau khi CSG thực hiện các nghĩa vụ với các bên liên quan.

Câu hỏi được dành cho cổ đông lớn nhất của CSG là Cty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) với tỉ lệ nắm giữ tính đến ngày 14/4/2012 là 34,59% (9,261 triệu CP). Sau một giai đoạn phát triển với đỉnh điểm là năm 2006 - 2007, SAM bắt đầu xuống dốc. Khoảng 2 tuần trước, HOSE cũng đã đưa SAM vào diện cảnh báo khi Cty lỗ 183 tỉ đồng trong năm 2011. Như vậy, cổ đông chính là SAM không thể lèo lái con tàu “mẹ” thì liệu phận “con” như CSG khó có thể trụ vững?

Nói như vậy để chứng minh rằng, sự suy yếu của SAM và đặc biệt là CSG là những cái chết đã được báo trước. Vì vậy, quyết định của HĐQT CSG là một quyết định dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật. Tuy nhiên, phần thiệt thòi nhất vẫn thuộc về cổ đông nhỏ.

Những ngày gần đây, CSG có 3 phiên tăng trần, cũng không khó để lý giải vì nhà đầu tư mua kỳ vọng vào việc giá trị sổ sách của CP này cao hơn nhiều lần so với thị giá hiện nay, tức mua CP là có lợi. Nhưng phương án giải thể Cty, thanh lý tài sản chính thức được thực hiện cần phải được ĐHCĐ thông qua và thời gian ít nhất là 3 tháng. Vậy các nhà đầu tư cá nhân liệu có đủ sức để chờ đợi hay không? Liệu Ban lãnh đạo CSG (nếu ĐHCĐ thông qua phương án giải thể Cty) có nhanh chóng thực hiện nghĩa thanh lý tài sản để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư hay không? Câu hỏi chưa có lời giải. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi mua cổ phiếu của CSG trong thời điểm hiện nay?

Phương Hà

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20120418105524636cat117/chuyen-chi-co-o-viet-nam-dn-giai-the-co-phieu-van-tang-gia.htm