Chuyện cha con nghèo đi chợ vùng cao khiến bạn phải bồi hồi nhớ về tuổi thơ khốn khó

Đằng sau một tấm hình là câu chuyện gợi nhắc lại một thời nghèo khó và sự hy sinh của người cha dành cho con khiến nhiều người cảm động.

"Một kỷ niệm ở chợ phiên Đồng Văn". (Ảnh: NVCC)

Bức hình là "một kỷ niệm ở chợ phiên Đồng Văn" của một cư dân mạng. Người cha gầy gò dắt theo hai con một trai, một gái xuống chợ và ghé qua một quán ăn. Đằng sau bức hình là một câu chuyện đầy xúc động của tác giả. Mở đầu những lời miêu tả chân dung của cha và con khiến nhiều người nhớ lại một thời thơ bé khốn khó, thời mà những đứa trẻ chỉ biết đến đôi dép tổ ong. Người cha dáng vẻ gầy gò vẫn cố dành cho con những miếng thịt ngon nhất. Vậy mới thấy tình thương của cha mẹ dành cho con cái bao la biết nhường nào. Dù đói dù khổ, ai cũng muốn cho con cái những điều tốt đẹp nhất có thể.

"Người cha này đưa hai con xuống chợ. Họ ghé hàng ăn sáng đúng lúc tôi vừa gọi một tô bún. Chẳng hiểu sao nhìn người cha ấy tôi lại nhớ đến ba tôi. Tôi cứ ngoái lại nhìn thằng bé mãi, nó giống y chang tôi hồi nhỏ. Cũng đôi dép tổ ong huyền thoại, cũng cái quần vải cộc đến giữu ống chân. Cũng mái tóc phai màu vì cát bụi, cũng đôi bàn tay đen nhẻm vì nắng mưa, cũng dáng người nhỏ xíu bởi thiếu ăn. Có mỗi cái khác là nhan sắc của thằng bé có khá hơn tôi chút. Nó cũng có một người chị gái, tuy có tươm tất hơn vì chị là con gái nhưng cũng còn thua kém rất nhiều. Cũng người cha với gương mặt xương xương khắc khổ, cũng là cảnh gà trống chăm con, nhưng cũng là tình thương bao la, sự hi sinh và chia sẻ khi tôi thấy ông ấy gắp hết những miếng thịt trong phần ăn của mình cho thằng bé và chị nó."

Hình ảnh này, bất giác làm người ta cay cay khóe mi, bồi hổi bồi hồi nhớ lại những ngày bé, khi đất nước còn chưa phát triển, bữa ăn vẫn còn thiếu thốn trăm đường. Giờ thời đại đã thay đổi nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám nhiều con người như ba cha con dân tộc vùng cao. Họ nghèo đến nỗi, đi chợ mà vẫn cầm sẵn mì tôm từ nhà và chỉ vào quán để mua nước và thịt.

"Tôi bất giác im lặng đến nghẹn ngào. Hình ảnh cha tôi có đôi khi cũng vậy, ông rất tâm lý và sẵn sàng "chi lớn" khi chúng tôi đi thi hay được nhà trường tổ chức đi tham quan. Tôi nhớ bình thường mỗi ngày chúng tôi đi học chỉ được cái bánh mì lót dạ mà nếu học buổi sáng thì 9h là tôi đã đói lả cả người, nhưng nếu có dịp gì thì nhất định cha tôi sẽ cho chúng tôi ăn canh cá - một món ăn quê hương mà hồi đó với gia đình tôi là sang trọng.

"Tôi nói chị chủ quán rằng tôi muốn trả tiền chung với họ, chị nói rằng để chị nói họ cảm ơn tôi, tôi từ chối vì tôi ngại nhưng phần nhiều vì tôi sợ mình thêm phần cảm xúc. Tôi hỏi chị bao nhiêu, chị nói 15.000, tôi ngạc nhiên vì chị tính phần ăn của tôi tới 25.000. Chị đáp, nhà họ nghèo nên họ mang mì gói theo, đến đây chỉ mua nước và thịt chan vào ăn thôi.

Tôi nhanh chóng trả tiền rồi bước vội vì không muốn phải kìm lòng thêm nữa."

Trao đổi với PV Vntinnhanh, anh T. - người chụp và chia sẻ bức hình cho biết: "Mình thật sự không muốn bài viết này vì mục đích thương mại hay gì cả. Mình mong nó là những sẻ chia thường nhật mà mọi người nếu để ý đến cuộc sống và con người xung quanh đều có thể tìm thấy. Tấm hình này trong một lần mình và người bạn thân đi tới Hà Giang."

Cùng một câu chuyện cảm động trên phiên chợ vùng cao, facebook T.T.N viết: "Cách đây cũng tầm 4 năm, lần đầu tiên đi Hà Giang, cũng lần đầu tiên đi Đồng Văn. Mình và bạn vào chợ gọi hai bát thắng cố, ăn không nổi, nhưng không dám bỏ đi. Ngồi bên cạnh là hai vợ chồng già, gọi một bát chia nhau ăn họ nhìn hai đứa mình và bát thắng cố, họ không nói tiếng Kinh. Mình nói với chị bán hàng là khó ăn quá chị ạ, có mang đi cho ai được không chứ em không nỡ đổ. Ngay lập tức chị dịch cho ông bà bên cạnh, ông bà nhoẻn miệng cười hạnh phúc lấy hai bát thắng cố, không hề có một chút gì do dự. Mình cười tươi và ra cử chỉ kiểu như xin mở, thế là hai cụ chia nhau hai bát thắng cố. Khuôn mặt giãn ra hạnh phúc. Mình áy náy vì cảm giác cho ông bà đồ ăn thừa mặc dù mình chỉ mới thử hai thìa. Mình đứng dậy, trả tiền mình và trả tiền cho hai ông bà."

Câu chuyện và hình ảnh ba cha con đi chợ phiên nhanh chóng nhận được cảm tình của cư dân mạng. Ai cũng cảm nhận được tình người ấm áp lan tỏa từ nó, 15.000 không phải là một số tiền lớn nhưng nó mang ý nghĩa rất nhân văn trong tình huống này.

"Một bài viết thật hay. Nó hay ở ngay trong tình cảm mà anh đã dành cho ba cha con đó. Sống chì cần có một tấm lòng vậy là đủ." - Một facebook-er chia sẻ.

Một bạn có nickname H.V bình luận: "Chẳng cần thiện nguyện tới tiền triệu. Đơn giản là cách hành xử giữa con người với con người. Đọc xong mà thấy ấm lòng bác ạ."

Những người thuộc thế 7x, 8x cũng được dịp ôn lại một thời thơ ấu đáng nhớ của mình. "Tôi cũng là thế hệ cuối 8x, lớn lên cách km số 0 Hà Giang có 4km. Giờ tôi không ở quê nữa nên mỗi khi có dịp giao lưu cùng các anh chị lớn tuổi tôi cũng kể về tuổi thơ của mình gắn liền với những bữa cơm độn ngô, ngồi chực cả buổi trưa ở nhà hàng xóm để đến giờ xem Tây Du Kí, buổi tối phải vác ghế đi từ 7h tối để đc xem phim nhờ (năm 1992 hay năm 1994 gì đó phường nhà tôi mới có điện lưới, cả phường chỉ có hai nhà có cái tivi trắng đen). Mỗi lần tôi kể như vậy mọi người đều nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ hoặc ngạc nhiên mà hỏi: em sinh năm bao nhiêu mà kể như đã được trải qua rồi thế? Buồn!" - một bạn xúc động nhớ lại.

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/chuyen-cha-con-ngheo-di-cho-vung-cao-khien-ban-phai-boi-hoi-nho-ve-tuoi-tho-khon-kho-112403