Chuyển biến về quản lý đất đai, xây dựng ở Tây Hồ

Từ đầu năm đến nay, quận Tây Hồ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhờ vậy các trường hợp vi phạm được tập trung xử lý ngay từ khi mới phát sinh, những vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm qua từng bước được tháo gỡ.

Quản lý đất đai, trật tự xây dựng luôn là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp ở Hà Nội, nhất là ở địa bàn các quận có địa thế đắc địa, đất đai có giá trị kinh tế cao như quận Tây Hồ. Những năm qua, mặc dù quận đã tập trung nhiều biện pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhưng tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều tại địa bàn năm phường có diện tích đất ngoài đê sông Hồng và diện tích đất nông nghiệp xen kẹt trong các khu dân cư. Sai phạm phổ biến nhất là việc các hộ dân xây dựng nhà tạm cho người lao động, sinh viên thuê hoặc mua bán trao tay trên đất nông nghiệp, đất bãi.

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do buông lỏng trong công tác quản lý, nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị. Chính vì vậy, đầu năm 2016, Quận ủy xác định phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực này nhằm kiên quyết khắc phục những yếu kém, hạn chế. Quận ủy đã ban hành Văn bản số 96-CV/QUTH, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu Thường trực HĐND quận, UBND quận, MTTQ và các đoàn thể chính trị, Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND các phường phải tập trung thực hiện.

Từ chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận ban hành Chỉ thị số 02 tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Cụ thể, Phòng quản lý đô thị tiến hành rà soát, xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý đô thị, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm đúng thẩm quyền, sát thực tiễn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý. Phòng Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ quản lý đất đai, đồng thời tham mưu UBND quận chỉ đạo các phường và đơn vị liên quan tăng cường quản lý diện tích đất nông nghiệp, đất công ích hiện có, nhất là khu vực đất bãi sông Hồng nhằm ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật; tuyệt đối không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với cấp phường, quận yêu cầu Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện các quy định về quản lý đô thị, đất đai, xây dựng và xử lý các vi phạm. Các phường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về quản lý đất đai theo quy định; không để xảy ra tình trạng khu đất, thửa đất không có hồ sơ quản lý. Đối với các phường có đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, phải có biện pháp chống lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc xây dựng công trình không phép.

Với những chỉ đạo sát sao nêu trên, công tác quản lý được đẩy mạnh trên các lĩnh vực và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Tây Hồ Nguyễn Văn Đông cho biết: Chín tháng qua, trên địa bàn quận có 404 trường hợp xây dựng mới được kiểm tra. Trong số đó, 388 trường hợp xây dựng đúng phép; phát hiện 15 trường hợp xây sai phép và một trường hợp không phép. Đối với các trường hợp xây sai phép, quận đã xử phạt 225 triệu đồng, đồng thời ban hành bốn quyết định cưỡng chế buộc chủ công trình phải khắc phục vi phạm. Một trường hợp xây dựng không phép tại phường Yên Phụ, quận đã đình chỉ thi công. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành còn phát hiện 15 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đều đã ban hành quyết định đình chỉ thi công và quyết định cưỡng chế xử lý. Các phường cũng đã xử lý dỡ bỏ 121 lượt trường hợp dựng lều lán, nhà tạm, tường bao trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm.

Cùng với việc kiểm tra rà soát công trình mới, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh, Thanh tra Xây dựng quận và các phường cũng đã tích cực xử lý 74 trường hợp vi phạm đê điều tồn đọng từ năm 2010 đến nay. Những sự việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận như dự án 9,7 ha phường Phú Thượng, dự án mở rộng ngõ 124 đường Âu Cơ (phường Tứ Liên) đã được tập trung giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, quận đã giải tỏa các vi phạm xây dựng tại hệ thống mương thoát nước gây úng ngập kéo dài tại một số khu vực trên địa bàn phường Yên Phụ và phường Tứ Liên, các trường hợp vi phạm Luật Đê điều tại khu vực bãi đá sông Hồng (phường Nhật Tân)…

Thông qua việc chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan tới công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận được nâng lên. Những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng được rà soát thường xuyên nhằm tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả, xử lý triệt để những vướng mắc. Chẳng hạn như để ngăn chặn tình trạng tái vi phạm nhiều lần về sử dụng đất đai tại khu vực đất bãi sông Hồng, quận đang nghiên cứu tổ chức thực hiện các dự án trồng rau an toàn, giao trách nhiệm khai thác và quản lý cho doanh nghiệp, không để tình trạng các hộ gia đình xã viên quản lý, khai thác tùy tiện như hiện nay. Để làm được việc đó, quận chỉ đạo các phường tiến hành đo đạc lại và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quản lý đất đai để xây dựng các kế hoạch khai thác và cơ chế chính sách quản lý cho hiệu quả.

Quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn có tốc độ phát triển đô thị mạnh như Tây Hồ là công việc khó khăn, phức tạp. Mong rằng với sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy và tinh thần quyết tâm của chính quyền các cấp, những khó khăn, phức tạp sẽ được tháo gỡ và quận Tây Hồ đạt được kết quả bền vững trong công tác quản lý đô thị.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31162702-chuyen-bien-ve-quan-ly-dat-dai-xay-dung-o-tay-ho.html