Chuyển biến trong đảm bảo an toàn trường học

Theo ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GĐ&ĐT Hưng Yên - hiện nay 100% các trường học trên địa bàn không có học sinh mắc tệ nạn xã hội, không có hiện tượng mua bán người, số học sinh vi phạm bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường giảm hàng năm.

Nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, đảm bảo an ninh trật tự trường học trong các nhà trường đã được các cấp quản lý, nhà trường và bản thân mỗi người làm công tác giáo dục xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Phê cho biết, chỉ riêng liên quan đến nội dung này, năm học 2015- 2016, địa phương đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo) và tổ chức kiểm tra việc thực hiện ở 11 trường THPT, 5 phòng GD&ĐT. Trong học kỳ I năm học 2016 – 2017, tiếp tục ban hành 9 văn bản chỉ đạo, tổ chức kiểm tra 2 trường THPT, 8 trường THCS, 8 trường tiểu học về công tác giáo dục đạo đức, lối sống; đảm bảo an ninh trật tự trường học; phòng chống các tai, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường trong các nhà trường.

Cùng với những chỉ đạo thường xuyên từ Sở GD&ĐT, tại các trường học của Hưng Yên, công tác giáo dục đạo đức, lối sống được tiến hành linh hoạt, lồng ghép trong nhiều môn học, tiết học; các trường thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp với lực lượng công an và ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường.

Nhờ đó, đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong hành vi, ý thức của học sinh sinh viên và đảm bảo công tác an toàn trong các trường học: Công tác an ninh trật tự trường học, phòng chống các tai, tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm, bạo lực học đường đảm bảo.

Đến nay, tất cả các trường của Hưng Yên đã xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa , thành lập tổ tư vấn tâm lý; có đội văn nghệ xung kích, có đội cờ đỏ hoạt động có hiệu quả; 100% các trường, các lớp đã có kế hoạch và thực hiện trao đổi trực tiếp, định kì với phụ huynh học sinh hàng tháng, kỳ, năm học; 100% trường THPT cùng phụ huynh học sinh ký cam kết trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tai tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, an toàn giao thông, quản lý học sinh sử dụng dịch vụ Interrnet, trò chơi điện tử, điện thoại di động. Hầu hết các hàng quán dịch vụ Interrnet, trò chơi điện tử đã được giải tỏa...

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cũng thừa nhận, việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật được thông qua môn học giáo dục công dân. Nhưng, nội dung còn nặng về lý thuyết ít gắn với đời sống, kỹ năng sống, am hiểu pháp luật của học sinh còn hạn chế.

Ở một số trường công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh chưa được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm sâu sắc, còn nặng về dạy các môn văn hóa.

“Thực tế, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa chăm chỉ học tập, chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn, còn tồn tại học sinh đi học muộn, tự ý bỏ giờ, bỏ học, tiêu xài hoang phí, chưa có thói quen tiết kiệm. Một vài nơi vẫn còn xảy ra tình trạng gây gổ, vi phạm các quy định như đi xe máy không đội mũ, đi hàng 3 hàng 4 gây cản trở giao thông” – lãnh đạo Sở Hưng Yên chia sẻ.

Giải pháp cho trường học an toàn

Đưa giải pháp cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống, đảm bảo an ninh trật tự trường học, ông Nguyễn Văn Phê cho rằng, việc đầu tiên cần làm là bố trí đủ cán bộ chuyên trách công tác đoàn, đội và cán bộ phụ trách công tác học sinh sinh viên, giáo viên chủ nhiệm ở các nhà trường. Hàng năm tổ chức tập huấn để nâng cao kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác học sinh, sinh viên ở các nhà trường.

Đầu các năm học, chỉ đạo, tập huấn dạy lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống qua các môn học khác như Lịch sử, giáo dục công dân, văn học…; tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - học sinh về việc đảm bảo an ninh trường học, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường và tai tệ nạn xã hội

Cùng với chỉ đạo các trường xây dựng “quy tắc ứng xử văn hóa”, thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh định hướng đúng đắn trong mọi hành vi, việc làm, ông Nguyễn Văn Phê cũng nhấn mạnh việc các trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác chủ nhiệm, cơ chế phối hợp với đại diện Hội cha mẹ học sinh, duy trì hình thức trao đổi trực tiếp định kỳ hàng tháng, kỳ, năm học hoặc liên hệ thông qua sổ liên lạc điện tử, thư thông báo, điện thoại…nhằm thông tin kịp thời đến các bậc phụ huynh học sinh về tình hình học tập, rèn luyện của con em mình và đề xuất những giải pháp, phối hợp cùng nhà trường tăng cường công tác giáo dục.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Sở văn hóa thể thao và Du lịch; Ban an toàn giao thông tỉnh; Hội phụ nữ tỉnh.. để tăng cường công tác giáo dục và quản lý học sinh. Mặt khác, qua đó tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác tham mưu với chính quyền, phối hợp chặt chẽ với Công an, Ban chỉ huy quân sự địa phương để đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tai, tệ nạn xã hội trong trường học; tổ chức tốt tuần lễ giáo dục quốc phòng đầu năm học để giáo dục cho học sinh kiến thức về quốc phòng, an ninh, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ nhân các ngày lễ lớn 26/3, 3/2, 20/10, 8/3…, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh để qua đó giáo dục tư tưởng đạo đức, rèn luyện cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.

Đẩy mạnh công tác khen thưởng - kỷ luật ở nhà trường. Tôn vinh, biểu dương kịp thời những gương học sinh xuất sắc, giỏi, nghèo vượt khó tiêu biểu. Mặt khác phối hợp với phục huynh học sinh ban hành cơ chế kỷ luật hợp lý những học sinh tiêu cực, cố tình vi phạm những nội quy quy chế của nhà trường.

“Để làm tốt công tác này, việc đầu tư kinh phí để tập huấn, mua sách tham khảo... để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách công tác giáo dục ngoại khóa ở các nhà trường là không thể thiếu.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với các nhà trường xây dựng cơ chế phối hợp để huy động các lực lượng xã hội với thế mạnh riêng của từng ngành cùng tham gia quản lý, giáo dục đạo đức cho học sinh.

Gia đình học sinh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường để quản lý, hiểu được những diễn biến tâm lý của học sinh, qua đó có kế hoạch giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh kịp thời" - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên đề xuất.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-bien-trong-dam-bao-an-toan-truong-hoc-3099040-v.html