Chuyện bên lề trang sách

Muốn nói gì thì nói, sách là một sản phẩm cao cấp. Sách không thể xếp hàng ngang bằng với ngô khoai, rau cỏ; mặc dù chúng ta không coi thường ngô khoai, rau cỏ. Trong dân gian có câu ca:"Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ"... Thì trọng tâm của câu ca vẫn là: "Nhất sĩ nhì nông". Đến đây chúng ta đã có được câu trả lời: "Nghề văn có sang trọng và cao quý không". Tôi không quá đề cao nghề văn, nhưng trong thâm tâm cũng chưa bao giờ dám hạ thấp nghề văn cả...

Bìa tiểu thuyết "Cái sân gạch" của nhà văn Đào Vũ.

Vui buồn tặng sách

Sách là sản phẩm của trí tuệ. Nhiều người đã nói về công sức để có được một tác phẩm, một cuốn sách. Nhiều vĩ nhân trên thế giới đã nói về sách. Một vĩ nhân của Ấn Độ thì nói: "Chỉ nên đọc sách của những người đã đắc đạo". Nhà thơ Tế Hanh thì viết: "Sách ơi! Tình yêu đẹp nhưng không bền bỉ/ Ốm đau nhiều đôi lúc bạn bè xa/ Chỉ có sách một niềm chung thủy/ Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta...".

Muốn nói gì thì nói, sách là một sản phẩm cao cấp. Sách không thể xếp hàng ngang bằng với ngô khoai, rau cỏ; mặc dù chúng ta không coi thường ngô khoai, rau cỏ. Trong dân gian có câu ca:"Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ"... Thì trọng tâm của câu ca vẫn là: "Nhất sĩ nhì nông". Đến đây chúng ta đã có được câu trả lời: "Nghề văn có sang trọng và cao quý không". Tôi không quá đề cao nghề văn, nhưng trong thâm tâm cũng chưa bao giờ dám hạ thấp nghề văn cả.

Cũng như nhiều người viết văn khác, tôi đã tặng sách bạn bè và được bạn bè tặng sách. Trong việc tặng sách cũng lắm vui buồn. Tôi đã có niềm vui được các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng tặng sách: Đào Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Hà Minh Đức, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Lê Lựu, Ngô Thảo... Trong đó, nhà văn Đào Vũ và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tặng tôi không thiếu một cuốn nào. Mỗi người khi viết đề tặng có một phong cách khác nhau.

Với tôi, được nhà văn Đào Vũ và nhà thơ Trần Đăng Khoa viết tặng với những lời rất nồng nhiệt. Mặc dù tôi kém nhà văn Đào Vũ đúng hai giáp. Khi tôi còn là cậu học trò quàng khăn đỏ, thì ông đã vô cùng nổi tiếng với tác phẩm "Cái sân gạch". Vậy mà, gần bốn chục năm sau, khi tặng tôi tập tiểu thuyết "Cái sân gạch" in lần đầu tiên (1959), ông vẫn viết: "Thân tặng nhà văn Đinh Quang Tốn, kỷ niệm bạn đồng nghiệp đồng hương mà thuở ấu thơ cùng nhìn về một bậc ngô đồng đại thụ"... Tôi kể và trích dẫn như vậy chỉ để bạn đọc thấy được nhân cách của nhà văn Đào Vũ và tình cảm của nhà văn đối với những đàn em.

Trong tủ sách của tôi hiện nay cũng còn lưu trữ đầy đủ những tập thơ tập truyện của đông đảo bạn bè đồng nghiệp một thời tôi công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Đó là những tập sách quý. Có thể về mặt giá trị nội dung nghệ thuật và hình thức in ấn chất lượng chưa được cao; nhưng đó là dấu ấn của một thời vô tư trong sáng "có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa", đam mê nghệ thuật và tình bạn văn giới được quý hơn cả tài năng và chất lượng tác phẩm.

Còn việc tôi tặng sách bạn bè thì vui buồn cũng đa dạng lắm. Thông thường thì cũng không có gì quan trọng: Tôi trực tiếp trân trọng tặng bạn bè (kể cả trong và ngoài giới văn chương nghệ thuật) và được mọi người cảm ơn. Có người đọc, có người đọc rồi viết bài phê bình, có người không đọc. Ấn tượng khó quên là lần tôi tặng sách nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà văn Ma Văn Kháng.

Cố nhà thơ Tế Hanh, tác giả bài thơ ca ngợi tình yêu chung thủy của sách.

Năm 1997, tôi vừa chuyển công tác từ Hưng Yên lên Hà Nội thì in tập "Tản mạn và chính kiến văn chương". Tôi đem tặng nhà văn Nguyễn Đình Thi, khi ấy ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, vì trong tập sách có bài viết "Ngôi nhà của Nguyễn Đình Thi". Tặng ông sách mấy tháng sau thì tôi đến gặp ông ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, những mong được thấy ý kiến của ông về bài viết của mình. Nhưng ông chẳng nhận xét gì cho bài viết về ông cả, mà ông lại nói: "Bài Tốn viết về Trần Mạnh Hảo tốt". Tôi hiểu là ông không thích bài tôi viết về ông, nhưng ông cũng đã có đọc. Thế cũng là vinh hạnh lắm rồi.

Còn với nhà văn Ma Văn Kháng, năm 2012 tôi in tập tiểu luận "Khát vọng nghệ thuật". Rất tiếc là tôi không trực tiếp gặp được ông để tặng mà phải nhờ một người thân của ông chuyển giúp cho ông. Thật xúc động, tôi đã nhận được tin nhắn cảm ơn của ông: "Mình đọc đều và rất thích những ý tưởng phát hiện mới mẻ trong các bài viết gọn ghẽ nhưng rất tinh thông nghề nghiệp của Đinh Quang Tốn... Mình đã nhận được sách quý anh tặng. Cảm ơn nhà văn Đinh Quang Tốn - Ma Văn Kháng". Tôi hiểu ông đã có những nhận xét nâng đỡ một đàn em thế hệ sau, cùng họ, đồng môn (nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, và từng làm nghề giáo).

Còn chuyện buồn tặng sách ư? Đó là một lần tôi tặng sách một bạn văn. Anh chưa đọc một chữ nào đã tặng lại cho cô bạn gái của anh ngồi bên cạnh. Và một lần tôi tặng sách một người bạn, vì một lý do mà anh phải để lại tập sách trên ôtô của tôi, nhưng đã một năm nay, anh cũng không bao giờ hỏi tôi về tập sách ấy. Tôi buồn ngơ ngẩn...

Áo rộng hơn người

Đọc bài "Chân dung tự lộ của di tích Thần Đồng" của nhà thơ Thế Dũng trong tập tùy bút và đối thoại "Gió đi dưới trời" (nói về Trần Đăng Khoa qua tập "Chân dung và đối thoại"), tôi đồng tình với việc Thế Dũng dẫn lời của nhà bác học Lê Quý Đôn: "Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người một khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng". Vì vậy, tôi trân trọng ý kiến của Thế Dũng, dẫu về việc này tôi có ý kiến khác anh.

Những người viết văn Việt Nam có tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam. Các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành và các hội văn học nghệ thuật các tỉnh hợp thành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Như thế là hợp nhẽ. Còn tổ chức "Câu lạc bộ Thơ Việt Nam"? Tôi thấy tên gọi có điều bất ổn. "Câu lạc bộ Thơ Việt Nam" không giống với "Câu lạc bộ thơ Đường", "Câu lạc bộ thơ lục bát", mà nó có tham vọng là câu lạc bộ thơ của nước Việt Nam! Tôi cho rằng như thế là quá lớn. Từ "Câu lạc bộ" ý nghĩa hạn hẹp hơn. Tổ chức Câu lạc bộ Thơ của nước Việt Nam thì lại có ý nghĩa bao trùm. Nội hàm không phù hợp với hình thức. Vậy là áo rộng hơn người. Không thể có Trung ương Câu lạc bộ thơ. Tuy nhiên, các câu lạc bộ thơ xã phường, thôn xóm, tổ dân phố thì hợp lý.

Nhớ hồi tôi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng vào thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tôi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí văn nghệ của Hội. Lúc đó tạp chí của Hội mang tên là "Văn nghệ". Tên của tạp chí chung chung quá. Tôi muốn cải tiến, thay đổi. Tôi nghĩ đến vùng đất của tỉnh Hải Hưng (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) gắn với danh nhân văn học thế giới Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, gắn liền với vùng núi Côn Sơn - Chí Linh. Ông có công lớn cùng với Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, nhưng bị án oan Lệ Chi Viên. Sau này vua Lê Thánh Tông minh oan cho ông:"Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" (Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê). Như thế, Sao Khuê là biểu tượng khi nói về Nguyễn Trãi. Tôi nêu ý kiến đổi tên tạp chí Văn nghệ thành "Sao Khuê". Một số người đồng tình. Nhưng không được đa số tán thành. Tên "Sao Khuê" đặt cho tạp chí văn nghệ thì thật đẹp và hay. Nhưng đối với tạp chí văn nghệ của một địa phương, mà ở Hải Hưng khi ấy cũng chưa phải là một vùng đất có thành tựu văn học nghệ thuật thật đặc biệt, thì tên "Sao Khuê" là to tát quá. Bây giờ nhìn lại, tôi rất nhớ kỷ niệm đặc biệt này, và cũng nhận ra ý định đổi tên tạp chí văn nghệ của mình khi ấy thành tạp chí "Sao Khuê" cũng là áo rộng hơn người.

Thời trước, mọi ý nghĩ đều được suy tính rất cẩn trọng, "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Vì thế, ít khi có "áo rộng hơn người". Mà thường thì áo vừa với người hoặc áo chật. Nếu được bổ làm quan mà thấy mình tài hèn sức mọn thì không dám nhận. Chỉ xung phong nhận lấy gian khổ, khó khăn mà dành thuận lợi, vinh quang cho người khác. Biết quên mình đi để tiến cử hiền tài. Bây giờ, thời hiện đại sao lại thụt lùi hơn trước? Rất ít người thích mặc áo vừa người. Đều "chạy" để được mặc áo rộng cả! Mà áo càng rộng thì là càng thắng. Những chức tước, những danh hiệu, những hội thảo, những cuộc thi... rất to tát, nhưng giá trị thực thì rất kém. Quần chúng nhân dân đã nhẹ nhàng nhắc nhở: "Vênh vang áo rộng hơn người/ Mà sao chẳng biết kẻ cười người chê"...

"Áo rộng hơn người" không làm cho người đẹp lên. Mà biến thành trò cười, thành hề. Đối với văn học nghệ thuật thì không làm cho tác phẩm giá trị hơn. Ngược lại, nó càng lộ rõ sự xộc xệch lộn ẩu, làm cho giá trị bị hạ thấp. Thậm chí, những người nghiêm túc còn không xếp những sản phẩm đó vào loại bình thường để xem xét, bình giá.

24/11/2013

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2014/1/58803.cand