Chụp ảnh chân dung làm sim điện thoại: Tốn kém, phiền hà, không khả thi

Ngay sau khi Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 được triển khai, đã có nhiều ý kiến phản ứng trái chiều đối với quy định phải cung cấp ảnh chân dung khi đăng ký sim điện thoại. Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thanh, Công ty Luật Nelson & Cộng sự để làm rõ vấn đề này.

PV: Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư có quan điểm thế nào về quy định người sử dụng điện thoại bắt buộc phải chụp ảnh chân dung để làm sim?

Luật sư Trần Thanh, Công ty Luật Nelson & Cộng sự khẳng định việc chụp ảnh chân dung để làm sim điện thoại gây tốn kém, không khả thi.

- LS Trần Thanh: Trước tiên, chúng ta cần hiểu quan hệ giao dịch giữa nhà cung cấp dịch vụ (nhà mạng) và người dùng là quan hệ giao dịch dân sự thông thường được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự và Luật Viễn thông…

Theo Bộ Luật Dân sự điều chỉnh, thì giao dịch dân sự giữa nhà mạng và người dùng được điều chỉnh bởi hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông ký kết vào thời điểm người dùng mua sim số, tức là vào thời điểm đó người dùng đã cung cấp họ tên, chứng minh thư nhân dân… Trước đây không quy định về việc cung cấp hình ảnh, người dùng, nên nếu muốn thay đổi các điểu khoản, phải được sự thỏa thuận của các bên, không thể dựa vào ý chủ quan từ một phía …

Ngoài ra, Luật Viễn thông cũng không có quy định về việc bắt buộc cung cấp hình ảnh người dùng mà Nghị định 49 lại quy định bắt người dân chụp ảnh là không ổn. Về cơ bản, nghị định không thể có quy định trên luật được.

Chúng ta thử tính toán, hiện nay có khoảng 120 triệu thuê bao di động, như thế mỗi người đi chụp ảnh để làm sim điện thoại với giá tiền từ 15.000-20.000 đồng thì sẽ tốn bao nhiêu cho việc chụp ảnh này và tiền này sẽ do ai chi trả? Do đó, quy định cả các sim cũ mà người sử dụng đang dùng đã cung cấp đầy đủ thông tin, rõ ràng là việc làm máy móc không cần thiết và gây tốn kém cho xã hội.

Việc chụp ảnh chân dung gây phiền hà người tiêu dùng và nhà mạng. (Ảnh: Internet).

Nhà mạng chụp hình người đăng ký sim sẽ lưu giữ hình ảnh và có thể bị rò rỉ thông tin. Trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào?

- Như trả lời trên, giao dịch giữa nhà mạng và người dùng là giao dịch dân sự, do đó khi các bên giao kết theo hợp đồng mẫu, phải bảo đảm nguyên tắc của hợp đồng dân sự, trên sự bình đẳng giữa các bên. Vì vậy, bên cung cấp dịch vụ (nhà mạng) phải có trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thông tin khách hàng không để rò rỉ ra bên ngoài. Nếu bị rò rỉ, tiết lộ, thì nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện được thì nhà mạng phải đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian, cũng như gây phiền hà cho cả người tiêu dùng lẫn nhà mạng.

Do đó, việc chưa nâng cấp đồng bộ hệ thống quản lý dữ liệu mới này, rò rỉ thông tin là điều khó tránh khỏi, do đó cần phải có lộ trình cho hợp lý.

Việc chụp ảnh làm sim gây phiền hà, tốn kém cho người tiêu dùng. (Ảnh: Internet).

Quan điểm của luật sư về việc chụp ảnh cá nhân để đăng ký nhằm hạn chế tin nhắn rác?

- Theo tôi, việc loại bỏ sim rác ra khỏi đời sống là cần thiết và được toàn xã hội ủng hộ. Tuy nhiên cần có những quy trình, quy định cụ thể để tạo điều kiện cho người dân chấp hành.

Đặc biệt, các quy định đó không nên vượt lên các khuôn khổ pháp luật quy định khác của luật. Tôi xin nhắc lại, Luật Viễn thông cũng không có quy định về việc bắt buộc cung cấp hình ảnh người dùng mà Nghị định 49 lại quy định bắt người dân chụp ảnh là không ổn.

Do vậy, sau khi nhà mạng có đầy đủ hạ tầng và hệ thống quản lý thông tin, thì việc quy định chụp ảnh đối với các sim mới và những sim chưa rõ ràng (không xác định được danh tính /sim rác) là phù hợp và cần thiết để quản lý và xử lý sim rác.

Cảm ơn Luật sư.

Hình ảnh trên CMND có thể coi là hình ảnh chủ thuê bao

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định: “Các thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và có sao lưu hình ảnh CMND theo Thông tư 04/2012/ TT-BTTTT có hiệu lực từ 1/6/2012 sẽ không cần phải chụp lại hình ảnh chủ thuê bao nữa, vì hình ảnh trên CMND có thể coi là hình ảnh chủ thuê bao.”

Các trường hợp thuê bao đăng ký thông tin không chính xác, nếu muốn duy trì số thuê bao sẽ phải đăng ký lại như thuê bao mới và phải chụp ảnh người đăng ký.

Nếu các khách hàng muốn kiểm tra thông tin thuê bao của mình, có thể thực hiện bằng cách nhắn tin tới đầu số 1414, gọi điện tới tổng đài hoặc truy cập vào website của nhà cung cấp dịch vụ di động để tra cứu. Nếu thông tin chưa chính xác, khách hàng sẽ cần phải ra điểm giao dịch của nhà mạng để khai báo lại.

Hoàng Bắc (thực hiện)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/chup-anh-chan-dung-lam-sim-dien-thoai-ton-kem-phien-ha-khong-kha-thi-d58914.html