Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015: Cần lựa chọn một số chương trình trọng điểm về văn hóa...

VH- Ngày 2.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và dự kiến kế hoạch năm 2011; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của Chính phủ đánh giá năm 2010 nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn; các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; xuất khẩu tăng cao gấp hơn ba lần chỉ tiêu kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng vào việc giảm nhập siêu xuống dưới 20% và giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế... Chỉ tiêu năm 2011 dự kiến: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010. Trong năm 2011, nhiệm vụ phát triển kinh tế sẽ tập trung thực hiện các nhóm vấn đề như phát triển ngành nông, lâm, thủy sản; phát triển ngành dịch vụ; triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; định hướng đầu tư phát triển; phát triển doanh nghiệp; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%-7,5%, cao hơn năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.290 - 1.300 USD. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 là 74,8 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2010; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 40% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 7%... Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và dự kiến năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng và thực hiện phụ cấp công vụ 10% từ ngày 1.5.2011. Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đồng ý việc này nhưng đề nghị báo cáo rõ cho QH phương án khi thực hiện. Năm 2011, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước 588.500 tỉ đồng, tăng 13,1% so với ước thực hiện năm 2010; tổng chi ngân sách Nhà nước 723.600 tỉ đồng, tăng 24,3% so với dự toán năm 2010. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với đề nghị về chỉ tiêu GDP. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng năm 2011 chưa phải là thời kỳ tăng tốc nền kinh tế, do vậy GDP khoảng 7% và CPI mức 6,5% là phù hợp. Các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung các báo cáo đánh giá về tình hình phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2010. Theo đó, năm 2010, nước ta đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ phát triển kinh tế cao hơn năm 2009. Có 16 trên 21 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế cả năm khả năng đạt 6,7%. Thu ngân sách dự kiến vượt dự toán 58.600 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, trong 5 chỉ tiêu không đạt, không chỉ riêng năm 2010 mà cả trong 5 năm 2006-2010, hầu hết các chỉ tiêu về giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường đều không đạt kế hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị: Đối với những chỉ tiêu không đạt cần có sự phân tích, đánh giá đúng mức nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng thời, trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 cần lựa chọn một số chương trình trọng điểm về giáo dục, y tế, văn hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chương trình khác nên thực hiện lồng ghép và cần được bố trí kinh phí hợp lý. UBTVQH đồng tình với việc chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán và cân đối ngoại tệ; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng; tăng cường phối hợp chính sách, bảo đảm sự đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; điều chỉnh quy định về phân cấp giữa Trung ương và địa phương, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước... Hôm nay, 4.10, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Lưu trữ. P.V

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/29918.vho