Chương trình học chưa bám sát yêu cầu

Ngày 16/11 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về các vấn đề: 191 nghìn sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm; tình trạng dạy thêm, học thêm. Trả lời ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chất lượng giáo dục có nguyên nhân quan trọng là ngay từ chương trình chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động, dẫn đến đào tạo ra không sát thực tế.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chất vấn bộ trưởng tại hội trường ngày 16/11.

Trăn trở khi sinh viên ra trường không có việc làm

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phản ánh tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. “Tính đến nay có hơn 191 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm gây lãng phí cho dân, cho nước. Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng trên và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?-bà Xuân chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Một trong những mục tiêu, yêu cầu đối với các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm, nhưng thực tế đúng là không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra trường cũng tìm được việc làm ngay mà cần có thời gian, độ trải nghiệm thực tiễn, thì mới thích ứng được.

Để gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh lại các trường, áp dụng các tiêu chuẩn với các trường và ngành, để làm sao những trường mới mở hoặc chất lượng yếu kém, sẽ được hỗ trợ, ví dụ có thể trở thành trường thành viên của các trường đại học lớn.

Về vấn đề này, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, trong số hơn 1 triệu lao động bị thất nghiệp, có tới 400 nghìn đã qua đào tạo, trong đó trên 191 nghìn đã qua đào tạo đại học và sau đại học. Vấn đề đặt ra là công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa qua được thực hiện như thế nào mà dẫn đến tình trạng lao động có trình độ mà bị thất nghiệp như hiện nay? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục triệt để và nhanh nhất đối với vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã làm việc, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng chưa được nhiều. Đây cũng là khuyết điểm. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn, đặc biệt khi Chính phủ phân công hai Bộ tham gia quản lý nhà nước hệ thống giáo dục dạy nghề này. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn sự phối hợp, có kế hoạch cụ thể, sớm triển khai khung giáo dục quốc dân.

Cấm dạy thêm tràn lan là không đúng

Theo ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), vấn đề học thêm, dạy thêm cử tri cho rằng một số giáo viên dạy thêm mang tính vụ lợi. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì với vấn đề này và trách nhiệm của Bộ trưởng? Trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, vấn đề dạy thêm học thêm có tiềm ẩn, biến tướng. Trách nhiệm của Bộ trưởng thì cần phải giám sát, quan trọng là phải rà soát những nội dung không nhất thiết để chương trình nhẹ hơn và nhẹ hơn không phải bỏ đi, nhưng cần có sự phối hợp với địa phương để chấn chỉnh học thêm dạy thêm.

Cảm thấy chưa thỏa đáng, ĐB Trần Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nói: Bộ trưởng nói không cấm dạy thêm, học thêm tôi không đồng ý. Theo tôi không được cấm dạy và học thêm chính đáng của giáo viên và học sinh nhưng cấm lợi dụng để bắt ép học sinh học, gây bức xúc trong xã hội.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cấm tràn lan là không đúng, còn những trường hợp hợp lý là nhu cầu tự thân. Tôi nhận trách nhiệm, thời gian qua đã chỉ đạo nhưng cần sát thực thêm để chấn chỉnh một cách hiệu quả.

Đề cập đến vấn đề kỳ thi quốc gia, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho rằng, kỳ thi quốc gia hiện nay có thể hiện sự lúng túng trong kế hoạch triển khai hay không thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng cũng cho biết về vấn đề việc làm, định hướng nghề nghiệp từ THPT? Liên quan kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng cho biết thi trắc nghiệm có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi 2017, việc dạy và học cấp phổ thông? Bộ có biện pháp gì để tránh tiêu cực trong thi cử?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Thi là phương thức kiểm tra kiến thức, còn có thể thi tự luận, trắc nghiệm. “Phương thức nào cũng có cái hay và hạn chế, còn lựa chọn thì căn cứ theo điều kiện. Việc thi trắc nghiệm cân nhắc rất kỹ, phần lớn chuyên gia nhất trí vì đánh giá được số lớn hàng triệu học sinh, kiểm tra được kiến thức toàn diện. Các nước cũng làm như vậy như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước tiên tiến áp dụng công nghệ. Đây là trắc nghiệm khách quan và chuẩn hóa. Đây là phương thức tối ưu. Hiện các trường, các nơi về cơ bản thấy tốt” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Bộ trưởng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm

Có những Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong những lĩnh vực rất mới, nhưng đã thể hiện nắm chắc các lĩnh vực mình quản lý. Tất nhiên là chất lượng trả lời của các Bộ trưởng khác nhau, nhưng nhìn chung các Bộ trưởng đã nắm vấn đề khá cơ bản. Tuy nhiên, một số đại biểu còn những câu hỏi dài dòng và việc trả lời cũng chưa đi vào vấn đề. Tôi rất ấn tượng với tổng thể các nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời, Bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm cao trong đổi mới giáo dục đào tạo.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Bổ nhiệm đúng quy trình - chỉ nói vậy dân chưa hài lòng

Câu bổ nhiệm đúng quy trình là câu cửa miệng, đúng về chính sách. Nhưng chỉ nói như vậy thì chưa hài lòng được nhân dân và cử tri vì đúng qui trình hay không còn liên quan đến chất lượng bổ nhiệm cán bộ và chất lượng của các bộ đó.
Ở đây có hai vấn đề, là chất lượng của công tác cán bộ, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm và chất lượng của chính cán bộ được bổ nhiệm. Nếu hai vấn đề này phù hợp, tương ứng với nhau thì công tác cán bộ mới đảm bảo tính toàn diện, mới có chất lượng. Tôi cho rằng câu trả lời công nhận có sự bổ nhiệm ồ ạt là câu trả lời rất thật thà. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là phải tìm được giải pháp thích hợp, hữu hiệu để làm sao cho việc bổ nhiệm không còn diễn ra ồ ạt ở hoàng hôn nhiệm kỳ.

T. Dương (ghi)

H.Vũ- M.Loan

Ảnh: Hoàng Anh

Từ khóa

giáo dục chương trình học bám sát đào tạo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/chuong-trinh-hoc-chua-bam-sat-yeu-cau/134998