Chúng tôi là sinh viên Văn khoa

Kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học - ĐH KHXH&NV hiện nay) đã đi qua chặng đường phát triển tròn 60 năm. Khoa đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa, đáng tự hào trong việc xây dựng cơ sở nền tảng vững chắc cho nền giáo dục đại học Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo của các cơ quan, Bộ ngành vốn là cựu sinh viên của Khoa. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thày giáo chủ nhiệm Khoa - PGS.TS Phạm Xuân Thạch- cộng tác viên của Báo Sức khỏe & Đời sống- để giúp bạn đọc hiểu thêm về một địa chỉ đã và đang đào tạo ra nhiều cán bộ của ngành khoa học xã hội, trong đó các nhà báo cũng chiếm “thị phần” rất lớn.

Kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học - ĐH KHXH&NV hiện nay) đã đi qua chặng đường phát triển tròn 60 năm. Khoa đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa, đáng tự hào trong việc xây dựng cơ sở nền tảng vững chắc cho nền giáo dục đại học Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo của các cơ quan, Bộ ngành vốn là cựu sinh viên của Khoa. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thày giáo chủ nhiệm Khoa - PGS.TS Phạm Xuân Thạch- cộng tác viên của Báo Sức khỏe & Đời sống- để giúp bạn đọc hiểu thêm về một địa chỉ đã và đang đào tạo ra nhiều cán bộ của ngành khoa học xã hội, trong đó các nhà báo cũng chiếm “thị phần” rất lớn.

PV: PGS.TS có thể cho biết ý nghĩa của dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Ngữ văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Năm nay, chúng tôi kỉ niệm 60 năm truyền thống Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 20 năm thành lập Khoa Văn học và Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tinh thần của Lễ kỉ niệm có thể nói nằm trọn trong một chữ: Kết nối. Kết nối những thế hệ cựu giáo chức, các nhà giáo lão thành với những thế hệ thầy và trò của Khoa hiện nay. Uy tín cũng như trí tuệ của các thầy là nguồn sức mạnh quan trọng của các hoạt động hiện tại. Kết nối các thế hệ cựu sinh viên với thầy và trò Khoa Văn. Cựu sinh viên chính là cây cầu nối đơn vị đào tạo với thị trường lao động, với đời sống xã hội, giúp cho sự phát triển của Khoa luôn theo sát yêu cầu của thực tế. Sức mạnh của một cơ sở đào tạo được tạo nên từ những kết nối hết sức cụ thể, hữu hình như thế.

Gặp gỡ báo chí công bố Chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội

PV: Những đóng góp của Khoa vào sự phát triển chung của đất nước có thể khái quát như thế nào?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Về những đóng góp của Khoa Văn học vào sự phát triển chung của đất nước, có thể tóm gọn trong hai chữ: Tiên phong và dấn thân. Trong các cuộc chiến tranh của đất nước, không có cuộc chiến tranh nào không có thầy và trò Khoa Văn nhập ngũ. Có 18 liệt sĩ là cựu sinh viên Khoa Văn. Trong suốt lịch sử 60 năm, các thế hệ nhà giáo của Khoa Văn học đã tạo nên những giáo trình và chuyên luận có giá trị cho đến tận ngày nay về Văn học Việt Nam, Văn học Nga, Pháp, về Hán văn Việt Nam về Lí luận văn học và Văn học so sánh. Khoa đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực: nghiên cứu văn học và Hán Nôm, nghiên cứu nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật điện ảnh, biên tập viên xuất bản, nhà báo hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, quản lí văn hóa nghệ thuật và cả các chính khách.

Điều quan trọng, Khoa Văn học đã tạo nên được những ngành học có tính đặc thù như Hán Nôm, Văn học Việt Nam, Lí luận văn học, Nghệ thuật học, Văn hóa dân gian… Khoa Văn học cũng là nơi tiên phong trong việc xây dựng các ngành học mới như Ngành Hàn Quốc học và Nhật bản học ở giai đoạn đầu của thời kì mở cửa cũng như ngành Nghệ thuật học mới đây. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên ngoài các trường chuyên ngành sân khấu điện ảnh đào tạo điện ảnh ở bậc cao học. Khoa Văn học đã tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động mang tính thực tiễn như sử dụng tri thức Hán Nôm và văn hiến cổ điển để nghiên cứu thư tịch, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia hay xây dựng hệ thống lí luận văn nghệ của Việt Nam trong giai đoạn mới.

PV: Trong tâm thức của nhiều thế hệ sinh viên, Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp là một cụm từ thân thương. Nhưng việc tách Khoa thành 2 khoa Văn Học và Ngôn ngữ hẳn cũng có ý nghĩa của nó ?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Việc tách hai Khoa là để tạo nên không gian cho sự phát triển của những chuyên ngành vốn có quan hệ chặt chẽ nhưng cũng có tính độc lập tương đối. Và thực tế những thành tựu đạt được trong 20 năm qua của Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã cho thấy quyết định đó là đúng đắn.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch thăm nguyên chủ nhiệm khoa Ngữ Văn Nguyễn Kim Đính, một trong những hoạt động tri ân các cựu giáo chức lão thành của Khoa nhân dịp này.

PV: Khoa Văn học hiện nay đã có nhiều thay đổi trong đào tạo, thày chủ nhiệm Khoa có thể nói cụ thể hơn về điều này? Đây không phải là địa chỉ của những học sinh cấp III không học được toán lý hóa, như một số quan niệm cũ chứ ?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Trước hết, tinh thần của chương trình đào tạo mới là hướng đến cung cấp đồng thời cả kiến thức và năng lực, kĩ năng; hướng đến sự phát triển của tư duy độc lập và tính chủ động cá nhân. Trong hệ thống chương trình hiện nay, thời lượng dành cho việc tự học, thảo luận, thực hành rất cao. Thứ hai, chương trình hiện nay hướng đến việc đáp ứng những nhu cầu của thị trường việc làm và kết quả là tính liên ngành rất cao. Sinh viên Khoa văn hiện nay không chỉ học những học phần về văn học mà còn học cả những chuyên đề về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy văn học, về biên kịch sân khấu và điện ảnh, về nghiệp vụ báo chí và sáng tác. Trong những năm tới, khuynh hướng liên ngành sẽ còn được tăng cường hơn nữa.

Trong 2 năm gần đây, việc tuyển sinh vào Khoa Văn đã hướng mạnh sang hướng tuyển chọn sinh viên có nền tảng kiến thức chung vững, cả tự nhiên và xã hội, đặc biệt đảm bảo yêu cầu về ngoại ngữ. Trong suốt quá trình học, sinh viên luôn được bồi dưỡng năng lực tư duy, nền tảng kiến thức chung và đặc biệt là năng lực ngoại ngữ. Đó là những thay đổi rất quan trọng so với khoảng 10 năm trước đây.

PV: Sinh viên khoa Ngữ Văn trường ĐHTH, bản thân cụm từ đó nói lên điều gì ?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Tinh thần khai phóng, bản lĩnh dám dấn thân và nền tảng nhân văn. Đó là tinh thần của sinh viên Ngữ văn ĐHTH.

PV: Thế nếu được chọn ra 3 từ để miêu tả Khoa Ngữ Văn ?

PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Có lẽ 3 từ là không đủ, tôi xin tóm lại ở một công thức thế này, dù biết rằng, công thức, bao giờ cũng nghèo nàn và khô khan hơn thực tế: học thuật hàn lâm, tư duy khai phóng, trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh các chuỗi hoạt động như trồng cây lưu niệm, tri ân các cựu giáo chức lão thành, khai trương phòng truyền thống diễn ra trong 2 tuần đầu tiên của tháng 11, chương trình kỷ niệm có nhiều sự kiện hấp dẫn và giàu ý nghĩa. Cụ thể: Ngày 16-11: Hội thảo khoa học của khoa Văn học với chủ đề "30 năm đổi mới nghiên cứu văn học, nghệ thuật” và “Hán Nôm: Thành tựu - Vấn đề - Triển vọng". Ngày 17-11, Khoa Ngôn ngữ học sẽ tổ chức hội thảo "Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Chiều cùng ngày cũng sẽ diễn ra buổi tọa đàm của Khoa Văn học với chủ đề "Đối thoại chương trình và thị trường lao động". Ngày 19-11, hội trại và đêm giao lưu văn nghệ giữa các thế hệ sinh viên sẽ được tổ chức tại trong khuôn viên trường.

Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội - 20 năm thành lập Khoa Văn học - Ngôn ngữ học - ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội sẽ chính thức được tổ chức sáng 20-11 tại hội trường tầng 8, nhà E của trường.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chung-toi-la-sinh-vien-van-khoa-n124905.html