'Chúng tôi không muốn là đầy tớ của cấp trên!'

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến giáo viên khiến dư luận và những người trong cuộc như chúng tôi cảm thấy đau lòng. Nói đến giáo viên, đáng ra chỉ có thể nhắc đến công tác chuyên môn, đạo đức của một nghề được xem là cao quý. Tuy nhiên, những câu chuyện lùm xùm gần đây lại thường là chuyện ngoài lề.

Đáng nói hơn, mỗi lần như vậy, người ta ít thấy được sự “phản kháng” của người trong cuộc, có thì hậu quả nhãn tiền lại thấy ngay trước mắt…

Hà Tĩnh những ngày gần đây nóng lên chuyện Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có công văn gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn yêu cầu các trường tổ chức vận động để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng kí mua ít nhất 10kg lợn hơi/ tháng/người theo giá lợn hơi tối thiểu 30.000 đồng/kg.

Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD&ĐT trước ngày 25 hàng tháng để Phòng báo cáo UBND huyện.

Công văn số 210 của phòng GD&ĐT huyện Can Lộc kêu gọi "giải cứu lợn" gây tranh cãi.

Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, ngày 23/5, UBND huyện Can Lộc đã có văn bản yêu cầu thu hồi công văn trên.

Có thể thấy rằng, giáo viên trong môi trường giáo dục Việt Nam từ trước đến nay thường rất ít có tiếng nói trước những mệnh lệnh hành chính công. Lương giáo viên ba cọc ba đồng, những nữ giáo viên như chúng tôi, khi nhận lương phải lo bao nhiêu khoản ở gia đình chưa đủ nên việc mỗi tháng phải “tự nguyện” bỏ ra ít nhất 300 ngàn đồng mua thịt lợn hơi là một suy nghĩ. Nói là văn bản chỉ “vận động”, “tự nguyện” nhưng thực tế ai cũng biết cái “tự nguyện” ấy nó như thế nào? Nhất là khi đưa cuộc “vận động” này vào tiêu chí thi đua, phải tổng hợp để báo cáo lên cấp trên thì "đố" giáo viên nào không mua?

Nếu UBND huyện Can Lộc không thu hồi mệnh lệnh trên, chắc chắn giáo viên sẽ phải đăng ký hàng tháng mua mà không mấy người dám “phản đối” lại một cách công khai, dù biết nó vô lý. Hay nói cách khác, cấp trên đã có “mệnh lệnh” chỉ đạo xuống thì giáo viên bắt buộc phải thực hiện.

UBND huyện Can Lộc yêu cầu phòng GD&ĐT huyện này thu hồi văn bản "giải cứu lợn" gây tranh cãi đã ban hành trước đó.

Còn nhớ cách đây không lâu, tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh, UBND thị xã đã có văn bản thông báo phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ lễ tân. Có 21 nữ đồng nghiệp đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã được điều động.

Người thì được phân công làm lễ tân phục vụ khai mạc liên hoan, người thì phụ trách đón đoàn đại biểu các huyện, người trao quà lưu niệm lúc bế mạc…. Đặc biệt, sau liên hoan, họ còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở thị xã Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò.

Vụ việc đã gây bất bình dữ dội trong dư luận. Bởi việc của giáo viên là làm công tác chuyên môn, liên quan đến giảng dạy. Tuy nhiên có những việc ngoài lề chẳng liên quan gì đến giảng dạy, thậm chí vô lý, ảnh hưởng lớn đến danh dự, đời sống riêng tư cá nhân, gia đình nhưng nếu cấp trên “điều động” thì cũng không mấy ai dám phản kháng không làm.

Ngày hôm nay, trên một tờ báo đưa tin, bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Cty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh - bị giáo viên trường mầm non Hoa Sen (thuộc công ty này) tố cáo đã có hành xử thô bạo, xúc phạm, hắt cốc nước vào cô giáo mầm non ngay giữa cuộc họp.

Theo người tố cáo, vụ việc xuất phát từ một câu nói vu vơ của giáo viên, nữ giám đốc đã bắt cô giáo này viết tường trình. Không được như ý, bà lại tổ chức cuộc họp với đầy đủ thành phần để xử lý vụ việc. Theo đó, khi giáo viên không nhận tội, bà giám đốc đã chửi mắng, hắt cả cốc nước vào người cô này trước mặt tất cả mọi người.

Chưa nói đến nguyên nhân dẫn tới vụ việc, chỉ riêng cách hành xử đối với giáo viên thuộc cấp đã cho thấy sự lộng quyền của người làm lãnh đạo. Và chúng tôi đều hiểu, nếu tố cáo, nếu phản kháng thì chắc chắn sẽ khó có thể tiếp tục tồn tại được trong môi trường đó, nếu không muốn nói đến nguy cơ bị “đày” cho “sống dở, chết dở” bởi những người nắm quyền hành trong tay.

Đau lòng, nó lại xảy ra trong môi trường giáo dục. Với thế hệ thầy cô “thấp cổ bé họng” như vậy, làm sao chúng tôi có thể dạy được lớp con trẻ mà sau này lớn lên để làm chủ đất nước? Khi chính bản thân giáo viên không có sự phản biện, thấy sai trái vẫn phải làm theo thì lấy gì đây để dạy được học sinh tính trung thực, tích cực, chủ động? Giáo dục chắc chắn không thể phát triển nếu như tầng lớp giáo viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tôn trọng, chưa được tập trung làm tốt công tác chuyên môn của họ.

Và điều cuối cùng, giáo viên là người đi dạy con chữ và truyền lửa học tập cho học trò, chứ không phải là đầy tớ của cấp trên! Đó là điều chúng tôi chưa bao giờ mong muốn...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hồ Phượng

Nguồn ANTT: http://antt.vn/chung-toi-khong-muon-la-day-to-cua-cap-tren-0126987.html