Chung tay xoa dịu những niềm đau

Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua các đơn vị trong hệ thống TAND Việt Nam đã rất quan tâm và thể hiện tình cảm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Những nghĩa cử cao đẹp ấy một lần nữa khẳng định: TAND không chỉ là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mà còn góp phần chung tay xoa dịu những niềm đau.

Thẩm phán Nguyễn Xuân Hải, Chánh án TAND huyện Triệu Phong, Quảng Trị: “Mỗi cán bộ, công chức Tòa án huyện Triệu Phong luôn ý thức trách nhiệm trong việc đền ơn đáp nghĩa”

Thể hiện trách nhiệm với xã hội

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, thế nhưng di chứng của nó còn đeo đẳng đến tận bây giờ. Quãng thời gian ấy có thể khiến một đứa trẻ thành người trung niên, một người trung niên thành người cao tuổi, thế nhưng, nó chưa đủ dài để xoa dịu những vết thương mà chiến tranh để lại.Việc tri ân đối với những người, những gia đình có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi, chỉ có sự chung tay của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa thì vết thương chiến tranh mới mau chóng được xoa dịu…

Thấm nhuần đạo lý đó, từ nhiều năm nay các đơn vị trong hệ thống TAND Việt Nam đã hết sức quan tâm, chú trọng, thể hiện trách nhiệm và tình cảm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh công tác xét xử, nhiều đơn vị đã xây dựng việc đền ơn đáp nghĩa trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn lao và thu hút đông đảo cán bộ tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách...

Thẩm phán Nguyễn Xuân Hải, Chánh án TAND huyện Triệu Phong, Quảng Trị, chia sẻ: “Đóng chân trên “vùng đất lửa” năm xưa nên mỗi cán bộ, công chức trong TAND huyện Triệu Phong luôn ý thức và thể hiện tinh thần tương thân, tương ái sâu sắc bằng những hành động, việc làm cụ thể như thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội do các cơ quan đoàn thể địa phương phát động; tích cực đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Trái tim cho em”, nhận bảo trợ thường xuyên cho 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Triệu Trạch...”.

Đặc biệt, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, Tòa án huyện Triệu Phong đã nhận chăm sóc, quét dọn, hương khói cho 3 dãy mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Nghĩa cử cao đẹp đó đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá rất cao.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Đình Toàn tặng quà cho đồng bào Mông ở thôn Ta Đào

Giống như TAND huyện Triệu Phong, từ nhiều năm nay, TAND huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với những gia đình có công với cách mạng, thương, bệnh binh trên địa bàn. Mỗi dịp lễ Tết hay Ngày thương binh liệt sỹ, lãnh đạo Tòa án huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị, đoàn thể khác tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tham gia chăm sóc phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị còn gây quỹ tham gia các hoạt động từ thiện như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, đóng góp quỹ người nghèo, quỹ khuyến học… với số tiền đóng góp phúc lợi hơn 15.000.000đ/ năm; phối kết hợp cùng với một số tổ chức nhận bảo trợ thôn Xà Nin, là một địa bàn nghèo, có nhiều khó khăn thuộc xã miền núi Vĩnh Ô trong chương trình “Xây dựng nông thôn mới”.

Còn ở TAND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thì ngay từ đầu mỗi năm công tác, lãnh đạo đơn vị đã cho xây xựng kế hoạch cụ thể về công tác xã hội để anh em trong cơ quan có những hành động, việc làm thiết thực, có ý nghĩa hướng về người dân, nhất là các gia đình chính sách cũng như người dân nghèo, người neo đơn, học sinh nghèo vượt khó học tốt. Ngoài việc tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ, phong trào thiện nguyện do cấp trên và địa phương phát động, đơn vị còn nhận trợ cấp cho một số em bị nhiễm chất độc màu da cam; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương.

Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động và xây dựng xong 02 căn nhà cho hai gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ mua 30 thẻ bảo hiểm y tế cho 30 người nghèoở xã Đông Phước A; tặng 13 xe đạp và 4.000 quyển tập trị giá 39.000.000 đồng cho các em học sinh nghèo học giỏi ở các xóm ấp vùng sâu, vùng xa của huyện; thường xuyên phối hợp tổ chức vui chơi Trung thu cùng các cháu bị khuyết tật, bị bỏ rơi, bị nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm bảo trợ xã hội, qua đó tạo được động lực, khuyến khích các cháu vượt qua khó khăn; tích cực tham gia ủng hộ Chương trình “Trường Sa Xanh” do huyện đoàn phát động...

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Với quan niệm ấy, trong nhiều năm qua, bên cạnh công tác xét xử, TAND hai cấp tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Đình Toàn, cho biết: “Thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” hay “Uống nước nhớ nguồn”, không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì thế, trong những năm vừa qua, toàn thể cán bộ, công chức trong TAND hai cấp tỉnh Bắc Kạn luôn nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức và làm tốt các công tác xã hội khác như xây dựng và ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ tình thương, Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn”.

Đặc biệt, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ xã Cao Tân, huyện Pác Nặm xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của Tỉnh ủy giao; vận động cán bộ công chức đơn vị và phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội quyên góp, huy động nguồn vốn xây dựng 04 phòng học tại thôn Ta Đào, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm. Tổ chức thăm và tặng trên 30 xuất quà cho các gia đình chính sách, nhận đỡ đầu một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Pác Nặm…

Chia sẻ về hoạt động này, Chánh án TAND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Đình Toàn, cho biết thêm: Ta Đào là một bản vùng cao của xã Cao Tân, 100% đồng bào là người dân tộc Mông. Cuộc sống ở đây còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy… Trước đây, bản có một điểm trường nằm cheo leo trên sườn núi gồm 1 lớp học mầm non và 2 lớp học ghép trình độ lớp 1 và lớp 3, lớp 2 và lớp 4, cách trường chính khoảng 7 km. Hàng ngày học sinh chủ yếu phải đi theo các con đường mòn xuyên qua đồi núi, suối sâu, vừa khổ, vừa nguy hiểm…

Với mong muốn làm thay đổi cuộc sống ở bản vùng cao này, TAND tỉnh Bắc Kạn đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị trên địa bàn để đầu tư xây dựng trường học cho Ta Đào. Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh Bắc Kạn Tô Đình Hiếu, cho biết: “Sau hơn 4 tháng triển khai khảo sát, thiết kế và xây dựng, mới đây, Trường Tiểu học Ta Đào đã được xây dựng xong với tổng số vốn 400 triệu và được bàn giao, đưa vào sử dụng. Cũng trong buổi lễ cắt băng khánh thành, TAND tỉnh Bắc Kạn còn tặng 70 suất quà (gồm quần áo, chăn ấm, giày dép…) cho đồng bào ở đây. Nghĩa cử cao đẹp này của TAND tỉnh Bắc Kạn đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá rất cao”...

Thật khó có thể kể hết những nghĩa cử cao đẹp của các đơn vị, cá nhân trong toàn hệ thống TAND Việt Nam đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa” hay “Uống nước nhớ nguồn”, song có thể nói, các phong trào này đã ngày một sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo cán bộ, công chức trong toàn hệ thống tích cực, chủ động tham gia. Tất cả những hành động, việc làm thiết thực đó nó không chỉ thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của lớp lớp cán bộ, công chức Tòa án, mà nó còn góp phần thắp lên ngọn lửa của lòng nhân và điều thiện, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người.

Nam Hoàng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/chung-tay-xoa-diu-nhung-niem-dau-225376.html