Chúng ta lại quên cảm ơn người... thất bại

Xin lỗi, nhận lỗi và chịu trách nhiệm vì sai lầm bằng cách từ chức, với tư cách một người làm nghề hay một con người, đó là 'hình phạt' mà cũng là cái giá phải trả cao nhất sau thất bại. Thế nên thay vì tìm cách đổ lỗi và 'đá quả bóng trách nhiệm' cho HLV Hữu Thắng, tại sao chúng ta không nói câu cảm ơn người thất bại?

HLV Hữu Thắng xin lỗi, nhận lỗi và từ chức nhưng cũng cần cảm ơn ông thầy này vì thất bại. Ảnh: D.P

Đổ lỗi cho người nhận lỗi

“Thực tế, quá trình chuẩn bị cho U.22 Việt Nam dự SEA Games rất chu đáo. Từ lãnh đạo VFF đến những người làm công tác chuyên môn, đặc biệt là Hội đồng HLV QG, sự chuẩn bị có thể nói là không chê vào đâu được. Thế nhưng thất bại vừa rồi là bài học vô cùng cay đắng.

Khuyết điểm đầu tiên do BHL mà người chịu trách nhiệm là HLV trưởng, sử dụng lực lượng không đúng, chưa hợp lý. HLV Hữu Thắng sai lầm lớn là trận nào cũng sử dụng một đội hình. Nếu chúng ta biết sử dụng lực lượng tốt, xoay vòng tốt, cầu thủ chính thức và dự bị đá đều nhau thì chúng ta còn sức đá quyết liệt với Indonesia và Thái Lan. Đó là bài học kinh nghiệm cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Nói tóm lại, nguyên nhân chính trong thất bại của U.22 Việt Nam là do sử dụng lực lượng và vấn đề tâm lý. Vừa qua, tôi thấy anh Thắng lúng túng. Đó là vấn đề cần rút kinh nghiệm, chứ như vừa qua, Hữu Thắng sử dụng đội hình, xoay vòng lực lượng đều hỏng cả, biểu hiện sự non nớt, lúng túng, tâm lý không đáng có. Chúng ta có một lực lượng tốt nhưng khi sử dụng không đúng thì thành ra như vậy…”.

Không đầy đủ nhưng có thể tóm lược phần đúc kết từ Chủ tịch Hội đồng HLV QG như thế. Bởi sau buổi “mổ xẻ” thất bại ở SEA Games 29, cách mà ông Nguyễn Sỹ Hiển đại diện VFF trả lời khiến người ta buộc phải hiểu theo nghĩa, trách nhiệm và “quả bóng trách nhiệm” đã được “đá qua chân” HLV Hữu Thắng - người đã từ chức sau khi nhận lỗi, xin lỗi vì thất bại.

Chuyện của “nửa sự thật”

“Điều tôi muốn và đã nói, đó là phải cảm ơn Hữu Thắng với tư cách người thất bại. Từ cách thức tổ chức đội bóng, những nguyên tắc và cách xây dựng lối chơi, phong cách cho các ĐTQG, anh ấy làm được rất nhiều. Dù thất bại, không làm nữa, nhưng đó là những thứ cần phải ghi nhận vì chúng có giá trị.

Về thất bại ở SEA Games 29, chúng ta nên và cần rành mạch với nhau. Cái sai của HLV, ai cũng nhìn thấy, có thể chỉ ra sau thất bại. Ở đây, cần nhìn nhận theo khía cạnh HLV Hữu Thắng tự tin vào bản thân, năng lực của học trò và những gì U.22 Việt Nam xây dựng sau một quá trình dài chuẩn bị. Đó là chuyện của quyết định bóng đá. Bởi U.22 Việt Nam chọn U.22 Indonesia để đá và trận đấu đó không thể chiến thắng do hên xui nên kéo theo thất bại mất kiểm soát trước U.22 Thái Lan rồi bị loại. Thất bại đó, 50% là chuyện may mắn chứ không phải hoàn toàn là vấn đề chuyên môn, cần minh bạch để sòng phẳng với nhau…

Tôi muốn nhấn mạnh điều đó và ý kiến rằng, cần cảm ơn, ghi nhận và tiếp nối những gì HLV Hữu Thắng xây dựng, làm được. Anh ấy đã và đang làm đúng chứ không sai, chỉ có điều thất bại. Tuy nhiên, ĐTQG cũng như các đội tuyển trẻ kế tiếp cần, phải tiếp nối để tiếp tục xây dựng, phát triển chứ không thể phủ nhận rồi đi làm lại. Cứ thua là làm lại thì bao giờ chúng ta mới khác được…”.

HLV Phan Thanh Hùng, với tư cách một ủy viên Hội đồng HLV QG và tham dự buổi tổng kết SEA Games 29 cùng với lãnh đạo VFF và cả HLV Hữu Thắng, phát biểu như thế.

Như Hữu Thắng, ông Hùng từng “xung phong” ngồi lên ghế HLV trưởng ĐTQG với tất cả tâm huyết, khát vọng của một ông thầy nội và từng thất bại cay đắng tương tự. Ông cũng từng tham dự một cuộc họp “mổ xẻ” như thế rồi từ chức, nên hiểu, dám và có thể ý kiến như cách chia sẻ với HLV Hữu Thắng.

Không chỉ từng thất bại khi dẫn dắt ĐTQG không qua được vòng bảng AFF Cup 2012, ông Hùng bảo muốn nói khi đã nhận lời ngồi trong Hội đồng HLV QG. Chính ông, dù từng “thề không quay lại chỗ này” sau khi thất bại, có mặt trong buổi làm việc rồi xuất hiện tại ngày ra mắt HLV trưởng của Hữu Thắng với tâm ý ủng hộ, động viên người đồng nghiệp đi sau. Và dù Than Quảng Ninh vừa thất bại trước HAGL trong ngày Toyota V.League trở lại, ông vẫn bỏ đội để bay ngược về Hà Nội dự buổi họp “mổ xẻ”, nêu chính kiến rồi ngay lập tức lại ngược vào Bình Dương để chuẩn bị cho trận đấu cuối tuần này.

Những gì cựu thuyền trưởng ĐT Việt Nam - Phan Thanh Hùng chia sẻ, thật tiếc lại không được truyền tải đầy đủ đúng tinh thần, như cách ông Chủ tịch Hội đồng HLV QG phân tích về U.22 Việt Nam sau một kỳ SEA Games thất bại.

Và điều còn đọng lại

Luôn phải có một ai đó, cái gì đó để quy trách nhiệm, đổ lỗi cho thất bại. Với U.22 Việt Nam và SEA Games 29, HLV Hữu Thắng đã “xung phong” khi nhận lỗi, xin lỗi và từ chức. Về mặt nghề nghiệp lẫn con người, ông Thắng đã cư xử rất đàn ông và tự trọng.

Thế nên quy lỗi hay nhấn mạnh cái sai của ông thầy này liệu có cần thiết, nếu nhìn ở khía cạnh ứng xử với người thất bại? Cần phải hỏi lại, bởi đúng là VFF cũng như các bộ phận chức năng rồi cả Hội đồng HLV QG, dù có “hữu danh vô thực”, đã ủng hộ HLV Hữu Thắng với U.22 Việt Nam “chu đáo và không chê vào đâu được”, thì cũng không thể là vô can hay không có lỗi.

Ở đây, không phải chuyện bắt lỗi hay thói quen đào xới sau mỗi thất bại rồi kêu gọi cải tổ, thay thế hay bắt nghỉ hết, như bầu Đức nói và làm chẳng hạn. Đó là chuyện của việc nhìn thẳng vào thất bại để đối diện và giải quyết.

Để “thất bại không là mẹ… thất bại”, VFF và cả chúng ta nữa cần phải thay đổi. Ví dụ như sau thất bại ở SEA Games 29 của Hữu Thắng, không chỉ đổ lỗi và trách nhiệm, cần phải biết nói lời cảm ơn với nhau nữa…

TRIẾT LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/chung-ta-lai-quen-cam-on-nguoi-that-bai-564484.ldo