Chúng ta chỉ còn 1 năm chuẩn bị trước khi siêu núi lửa phun trào

Những vụ phun trào siêu núi lửa sẽ tạo ra những tác động hủy hoại rất lớn có thể tàn phá toàn bộ hành tinh.

Trong trường hợp xấu nhất, các vụ phun trào có thể đẩy đến 1000 km khối dung nham nóng chảy và tro bụi vào bầu khí quyển. Quá trình này có thể kéo dài đến vài ngày hoặc vài tháng. Lượng tro bụi khổng lồ này có thể che khuất ánh sáng và sức nóng của mặt trời trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.

May mắn thay, các vụ phun trào rất ít khi xảy ra và cách xa nhau khoảng vài chục ngàn năm. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuter và tạp chí khoa học PLoS ONE, một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng những dấu hiệu báo trước chỉ xảy ra trước những vụ phun trào thực tế một khoảng thời gian khá ngắn, trung bình là một năm

Không giống như những vụ phun trào bình thường, những vụ siêu phun trào cần phải tích tụ năng lượng trong một khoảng thời gian rất dài. Dung nham trong lớp vỏ mantle của trái đất dâng lên đến thành của lớp vỏ cứng ngoài cùng. Tuy nhiên, chúng không thể ngay lập tức phá vỡ lớp vỏ này và chui lên bề mặt. Kết quả là, các dòng dung nham tiếp tục dịch chuyển, gây ra áp lực lớn dưới lớp vỏ cứng của Trái Đất. Áp lực này ngày càng tích tụ cho đến khi tạo thành một vụ nổ khủng khiếp chứa đầy dung nham nóng chảy và tro bụi.

Những loại phun trào khủng khiếp này đã xảy ra một vài lần trong lịch sử địa chất của hành tinh chúng ta. 26.500 năm trước tại New Zealand, khu vực núi lửa Taupo đã xảy ra một vụ siêu phun trào. Ngọn núi lửa Campi Flegrei tại Ý cũng đã phát nổ cách đây 40.000 năm. Ngọn Yellowstone của Mỹ cũng đã có đến 3 đợt siêu phun trào trong vài triệu năm trước và các nhà khoa học đang có những lo ngại rằng nó có thể xảy ra thêm một lần nữa.

Khu vực Yellowstone của Mỹ đang khiến cho nhiều nhà khoa học nghi ngại vì tiềm ẩn nguy cơ cho một vụ siêu phun trào. Nguồn ảnh: shutterstock.com

Ngay trước khi xảy ra bất kỳ vụ phun trào siêu núi lửa nào cũng sẽ có một giai đoạn cuối cùng của quá trình tích tụ dung nham. Đó chính là giai đoạn giải nén, đặc trưng bởi việc tạo thành các bong bóng khí ở vị trí phun trào.

Các nhà nghiên cứu đã quyết định phân tích tinh thể thạch anh tại một địa điểm đã từng xảy ra một vụ siêu phun trào nổ ra ở California khoảng 760.000 năm trước đây. Vụ nổ này lớn đến mức tạo ra thung lũng Caldera Long. Tinh thể thạch anh bao phủ toàn bộ bề mặt của khu vực này. Bằng cách phân tích chúng, các nhà nghiên cứu có thể xác định được tốc độ phát triển của núi lửa dựa vào nồng độ titan trong các tinh thể. Khi đo kích thước và tốc độ tăng trưởng của các mảnh thạch anh, họ có thể xác định được độ dài thời gian từ khi giai đoạn giải nén xảy ra cho đến khi xuất hiện vụ nổ.

Phân tích cho thấy có hơn 70% thạch anh xuất hiện và phát triển chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Thậm chí, một số cụm thạch anh phát triển chỉ trong một ngày hoặc vài tháng trước khi bắt đầu một vụ siêu phun trào.

Theo các nhà khoa học, những nơi đã từng xảy ra các vụ siêu phun trào sẽ có khả năng tái phun trào một lần nữa. Vì nơi này cấu trúc địa tầng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trở nên giòn yếu, dễ hình thành phun trào núi lửa hơn những nơi khác. Đặc biệt là ở khu vực Yellowstone, nơi đã từng có các vụ siêu phun trào nhiều lần xuất hiện.

Siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ nằm dưới Công viên quốc gia Yellowstone tại Wyoming. Nó đang được các nhà khoa học “nín thở” đưa vào tầm ngắm. Lượng dung nham trong lòng núi lửa đang ngày càng nhích lên cao. Nhiều khả năng ngọn núi lửa sẽ bùng phát với một lực phun trào cực lớn, được dự đoán là sẽ mạnh gấp 1.000 lần so với vụ phun trào kỉ lục năm 1980 của núi lửa St. Helens.

Phan Thanh (yahoo)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chung-ta-chi-con-1-nam-chuan-bi-truoc-khi-sieu-nui-lua-phun-trao-c7a431560.html