Chứng khoán tuổi thanh xuân

Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 mà Quốc hội vừa thông qua, vai trò của kinh tế tư nhân và các nguồn lực xã hội được đề cao nhằm khơi thông nguồn vốn với nhu cầu ước tính lên tới xấp xỉ 140 tỷ USD mỗi năm cho cả nền kinh tế.

Nhiều ý kiến của cả giới doanh nhân, trí thức và quản lý đều chia sẻ một quan điểm chung là Chính phủ nhiệm kỳ mới rất lắng nghe. Đó là cơ sở để kỳ vọng về việc Chính phủ sẽ chủ động thực thi nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Thị trường tài chính - tiền tệ được cải thiện, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân (được thừa nhận là động lực quan trọng), nâng cao hiệu quả đầu tư… Trên nền tảng đó, thị trường chứng khoán (TTCK) mới có thể phát triển tốt và phát huy được vai trò trở thành kênh dẫn vốn tích cực cho nền kinh tế.

Ngành chứng khoán qua tuổi 20, đang trong độ tuổi đẹp nhất của một cuộc đời. Còn đó nhiều kỳ vọng về một thị trường phát triển bền vững, lành mạnh, tạo ra một kênh đầu tư hiệu quả với nhiều nhóm khách hàng, cả trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, chứng khoán phải vượt qua nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường.

Về lượng, các quy định gắn cổ phần hóa với niêm yết mà Chính phủ đã ban hành đang được thực thi quyết liệt, góp phần tạo ra một lượng hàng hóa lớn trên thị trường, sẽ sớm đưa mục tiêu vốn hóa TTCK đạt 70% GDP thành hiện thực. Nhưng còn chất, mà ở đó hoạt động của các doanh nghiệp là nền tảng, muốn được cải thiện, sẽ có nhiều việc cần làm.

Khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, đến từ việc ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập với các nền kinh tế phát triển, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới, doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn.

Cũng không loại trừ những doanh nghiệp kiếm tiền bằng chiêu trò, bóp méo thị trường, gây tổn hại môi trường và ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Sớm hay muộn những doanh nghiệp, doanh nhân như vậy cũng bị đào thải.

Song hành cùng TTCK và rộng hơn là cả nền kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng, bởi vì các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là nhân vật trung tâm để thực hiện các mục tiêu đã được đề ra.

Để có các doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững, rất cần những đầu tầu là lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực kinh doanh, năng lực quản trị, khả năng hội nhập vào môi trường toàn cầu và biết khai thác các giá trị nguồn lực của Việt Nam, đặc biệt là các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc, đạo đức kinh doanh.

Hai tác giả kinh tế nổi tiếng thế giới Daron Acemoglu & James A. Robinson, đã đề cập đến một thể chế kinh tế “trong mơ”với TTCK Việt Nam. Đó là thể chế “cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ, và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn họ mong muốn”.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-tuoi-thanh-xuan-170757.html