Chứng khoán khác lạ trong “tháng cô hồn”

(HQ Online)- Theo thông lệ, vào tháng 8 hàng năm (thường trùng vào tháng 7 Âm lịch tức “tháng cô hồn”), thị trường chứng khoán thường rơi vào trạng thái èo uột với những phiên giao dịch ảm đạm và thanh khoản thấp. Thế nhưng năm nay mọi chuyện có vẻ đã khác khi qua hơn 2 tuần giao dịch, thị trường đã chứng kiến không ít phiên dậy sóng.

Nhà đầu tư giao dịch tại Công ty Chứng khoán KIS. (Ảnh: N.Hiền)

Bất ngờ bứt phá

Trong tuần đầu tiên của tháng 8-2016, thị trường chứng khoán có tới 4/5 phiên giảm điểm. VN Index chìm dưới mốc hỗ trợ 640 điểm. Kênh tăng giá trung hạn bị phá vỡ, thay vào đó là xu hướng giảm được hình thành. Thanh khoản trong tuần cũng duy trì ở mức thấp trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ khi mùa công bố kết quả kinh doanh dần trôi về cuối và phần nào chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng tâm lý đầu tháng 7 Âm lịch. Độ rộng thị trường luôn ở trạng thái co hẹp khi số mã giảm vượt trội so với số mã tăng. Điểm sáng gần như duy nhất của thị trường đến từ hoạt động mua ròng ổn định trên cả hai sàn của khối ngoại. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư cho rằng thị trường đang chịu tác động tâm lý của “tháng cô hồn”. Hầu hết nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh do lo ngại sẽ gặp “xui xẻo”. Do đó, nhiều nhận định cho rằng thị trường sẽ còn trầm lắng đến hết tháng 8-2016.

Tuy nhiên, bước sang tuần thứ 2, cả hai chỉ số bất ngờ bứt phá, lấy lại toàn bộ thành quả đã mất trong tuần rơi mạnh liền trước. Cụ thể, VN-Index đã tăng tới 28,32 điểm, tương đương 4,51% so với tuần trước đó và đóng cửa ở mức 655,71 điểm. Tâm lý nhà đầu tư đã phần nào giảm bớt trạng thái bi quan khi các phiên tăng điểm khá dứt khoát, chỉ số đóng cửa ở mức cao trong ngày đi kèm sự cải thiện về thanh khoản, đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên. Theo đó, yếu tố dẫn dắt nhịp hồi phục chủ yếu đến từ nhóm blue-chips trụ cột. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VCBS, trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ trong nước cũng như thế giới, nhịp hồi phục mạnh trong tuần thứ 2 của tháng 8-2016 đã nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền chảy vào thị trường thông qua các biện pháp nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục dồi dào, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, lượng lớn ngoại tệ được mua vào để tăng cường dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, đà mua ròng ổn định của khối ngoại, tập trung tại các blue-chips trụ cột cũng là một tín hiệu hỗ trợ tích cực cho xu hướng chung của thị trường.

Tạp chí kinh tế tài chính của Mỹ Bloomberg cũng đưa ra đánh giá tuần thứ 2 của tháng 8-2016 là tuần tăng mạnh nhất của VN-Index trong vòng 13 tháng qua nhờ vào sự phục hồi của giá dầu và cổ phiếu Vinamilk vừa được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index. Theo đó, mức tăng của VN-Index là mạnh nhất ở thị trường châu Á và là mức tăng cao thứ 5 trong danh mục hơn 100 chỉ số trên toàn cầu. Theo quan sát của giới đầu tư, tháng 8 hàng năm thường là thời điểm thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ. Trong khi đó thông tin về kết quả kinh doanh của DN đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu từ tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, sự tăng trưởng của giá dầu thế giới đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngành năng lượng. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục có những chính sách mới hỗ trợ cho DN. Ngoài ra, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank – Kim Eng Việt Nam cũng cho rằng, những phiên giảm điểm trong tuần đầu tiên của tháng 8-2016 đã làm nảy sinh tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư. Từ đó tạo nên sự bứt phá đột biến của thị trường trong tuần qua.

Triển vọng tích cực

Dự báo về xu hướng của thị trường trong những phiên giao dịch còn lại của tháng 8-2016, ông Khánh cho rằng những lo ngại về sự sụt giảm của “tháng cô hồn” đã được vượt qua. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục đi lên, nhưng với mức độ không cao. “Do yếu tố tâm linh, nếu thị trường tăng mạnh quá cũng khiến nhà đầu tư lo sợ” – ông Khánh nhận định. Về trung hạn từ nay đến cuối năm 2016, ông Khánh cũng đưa ra nhận định khá tích cực khi thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ tình hình kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định… Kết quả kinh doanh của nhiều ngành cũng được dự báo sẽ cải thiện trong các tháng cuối năm giúp hỗ trợ đáng kể cho thị trường trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2016” vừa được Công ty chứng khoán KIS (Hàn Quốc) tổ chức ngày 15-8, ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty KIS cho rằng, mặc dù có tăng trưởng nhưng so với các thị trường khu vực như Indonesia hay Philippines thì mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi ở các thị trường khác tại Đông Nam Á, khối ngoại lại duy trì mua ròng. Tuy nhiên, ông Yun cho rằng, thời gian tới nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo đó, dòng vốn FDI tăng mạnh cùng triển vọng lạc quan trong dài hạn của kinh tế Việt Nam và các yếu tố căn bản của thị trường mới nổi được cải thiện, tâm lý né tránh rủi ro suy giảm, kỳ vọng mở cửa thị trường vốn… là các yếu tố thu hút vốn đầu tư thời gian tới.

Theo ông Yun, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó sự quan tâm tập trung những cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong rổ VN30 hoặc có kế hoạch mở room trong tương lai. Hiện Hàn Quốc đang dẫn đầu về quy mô dòng vốn tại Việt Nam, tương đương quy mô của các thị trường khác trong khu vực cộng lại. Từ các yếu tố trên, ông Yun cho rằng, trong các tháng cuối năm 2016, thị trường có thể sẽ có điều chỉnh nhẹ trước khi bật tăng trở lại. Trong đó, xu hướng chủ đạo vẫn là đi lên với biên độ từ 600 – 700 điểm.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chung-khoan-khac-la-trong-thang-co-hon.aspx