Chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ: Một đề xuất táo bạo

Ts. Cấn Văn Lực đề xuất VAMC cần có trái phiếu nợ xấu, có tính thanh khoản cao hơn trái phiếu đặc biệt hiện tại. Táo bạo hơn, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức đề xuất phương thức chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ (TPCP).

Việt Nam đã từng tay không bắt giặc “nợ xấu”

Ngày 26/10, câu chuyện xung quanh "ung nhọt" nợ xấu một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ tại Hội thảo Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện các ngân hàng, một số đại biểu quốc hội... Gác lại việc đi tìm nguyên nhân nợ xấu, giải pháp nào cho cục máu đông của nền kinh tế này được hội trường quan tâm hơn cả.

Khó khăn hiện nay được Ts. Lê Xuân Nghĩa chỉ thẳng đó là việc xử lý nợ xấu mà không có tiền. Nhưng chính Việt Nam lại từng là quốc gia không tiền mà vẫn xử lý nợ xấu. Kể lại một thời giải quyết nợ xấu khi đảm nhận vị trí Trưởng ban xử lý nợ xấu Ngân hàng Trung ương nhiệm kỳ 2001-2005, Ts. Lê Xuân Nghĩa cho biết dù không có tiền nhưng vẫn có thể xử lý khi đó là nhờ áp dụng cơ chế mạnh tay và việc tổ chức được thực hiện kỷ cương.

Khi đó Ban xử lý nợ xấu đã “thẳng tay” xóa nợ nhiều nhóm đối tượng, ông Nghĩa cho hay. Nhưng con nợ là nông dân gặp khó khăn do thiên tai, khách quan (chiếm 40% nợ xấu khi đó) hay những doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả nợ vì khách quan thị trường mà lao đao đều được xóa nợ. Còn lại, những đối tượng khác thực hiện nghiêm bằng xử lý hình sự, dân sự hoặc cho khất trả dần. Giai đoạn đó, NHNN đã đưa nợ xấu từ 14% về 5% mà không dùng nhiều đến tiền. Hiện xử lý nợ xấu không có tiền thì cũng cần cho ngân hàng, VAMC cơ chế tự xử lý và chấp nhận thời gian xóa nợ phải kéo dài, ông Nghĩa cho hay.

Giải pháp chứng khoán hóa, nên hay chưa?

Tán thành với Ts. Lê Xuân Nghĩa về vai trò quan trọng của cơ chế nhưng Ts. Cấn Văn Lực cũng thẳng thắn chỉ ra không có tiền cũng khó làm được việc. Ông Lực đề xuất Chính phủ tạm ứng cho VAMC một khoản tiền khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng để làm “vốn mồi”. VAMC thực hiện kinh doanh, mua bán nợ và nếu như thu hồi được trả lại ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ts. Cấn Văn Lực, nguồn vốn chính của VAMC vẫn là trái phiếu: không phải trải phiếu VAMC như thời gian vừa qua mà phải là trái phiếu nợ xấu, có tính thanh khoản cao hơn.

Táo bạo hơn, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng thường trực - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện Ngân hàng - Tài chính, còn đề xuất phương thức chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ (TPCP) để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng TPCP đã phát hành.

Phương thức này theo PGS. TS. Đặng Ngọc Đức sẽ có sự tham gia hợp tác của doanh nghiệp nợ xấu, NHTM và cả Chính phủ. Tình trạng nợ xấu hiện nay không thể không có một phần trách nhiệm của nhà nước nên Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ NHNN, các NHTM và các doanh nghiệp trong đó phần lớn là DNNN. Đồng thời, phương thức này sẽ không chuyển gánh nặng nợ xấu sang NSNN, cách thức mà theo quan điểm của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức là không công bằng.

Theo phương án trên, Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu và đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và liên ngân hàng. Các doanh nghiệp có nợ xấu và không có khả năng trả nợ sẽ phát hành phiếu nợ chuyển đổi (PNCĐ) làm tài sản đối ứng với lượng TPCP được Nhà nước phát hành ra căn cứ theo số lượng nợ xấu.

Còn NHTM nhận được TCP và/hoặc PNCĐ (nếu chấp nhận) và coi như đã nhận được khoản tiền thanh toán nợ xấu và sau đó có thể thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu bằng cách bán TPCP theo nhu cầu sử dụng vốn. Trên cơ sở thanh toán nợ xấu, tài sản đảm bảo sẽ được giải chấp để đưa vào sản xuất kinh doanh và NHTM có thể tiếp tục giải ngân các món mới.

Các doanh nghiệp nợ xấu về cơ bản sẽ được khoanh nợ bằng PNCĐ và thực chất chuyển chủ nợ từ NHTM sang Chính phủ một cách chủ động và được giải chấp tài sản đảm bảo để đưa vào kinh doanh.

Là một phương án không dùng đến tiền NSNN nhưng chứng khoán hóa nợ xấu thành TPCP sẽ gặp những vướng mắc về thể chế như điều kiện phát hành PNCĐ (tương tự trái phiếu doanh nghiệp), áp lực nợ công và rủi ro khi doanh nghiệp nợ xấu không thể phục hồi.

Chứng khoán hóa sẽ giúp giải quyết nhiều vướng mắc nhưng liệu bây giờ đã là thời điểm để thực hiện giải pháp này hay chưa vẫn còn là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

Một số chuyên gia tại Hội thảo cũng đánh giá phương án này còn khó để thực hiện. Ông Dương Quốc Anh, đại biểu UBND tỉnh Gia Lai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng thời cũng là nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng nhà nước chia sẻ thời gian trước ADB dự kiến hỗ trợ Việt Nam ban hành Thông tư về chứng khoán hóa các khoản nợ. Tuy nhiên, đã rất may vì NHNN khi đó không thực hiện nếu không khủng hoảng năm 2011-2012 còn nặng nữa, ông Dương Quốc Anh cho biết.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chung-khoan-hoa-no-xau-thanh-trai-phieu-chinh-phu-mot-de-xuat-tao-bao-20161027101211352p149c165.news