Chứng khoán hay 'sòng bạc'?

17 năm về trước khi mới vận hành, thị trường chứng khoán cơ sở đã có nhiều quan điểm ví nó như “sòng bạc”. 17 năm về sau, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh sắp sửa ra mắt với mức độ hiểu biết về sản phẩm mới chưa được sâu rộng, nhà đầu tư (NĐT) còn lơ mơ với nhiều khái niệm. Liệu bức tranh thị trường có một lần nữa bị méo mó?

Sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ khiến cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Nguồn ảnh: THU TRANG

Thực hư về bản chất

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI - cho rằng đâu đấy trong quá khứ chúng ta nói chứng khoán là sòng bạc, nhưng đó là những lời nói không trách nhiệm, mặc dù việc mua bán sản phẩm tương lai tiềm ẩn yếu tố đỏ đen trong đó nhưng về bản chất của TTCK là huy động vốn mà huy động vốn phải có thanh khoản. Thị trường không chỉ có người tiến mà phải có cả người lùi, đó chính là sự hấp dẫn của TTCK với các nhà đầu tư. Việc dùng từ “sòng bạc” rất nguy hiểm đối với các cơ quan quản lý và những cơ quan không hiểu rõ vấn đề này.

“Chúng ta đang truyền thông cho cả những người hiểu và chưa hiểu bản chất vì vậy trước khi truyền thông chúng ta cần luôn nhìn đúng bản chất và đưa ra từ ngữ phù hợp” - ông Hưng nhấn mạnh. Đồng thời chuyên gia này cũng đánh giá đây là thị trường sẽ mang lại lợi ích, nhưng trong thời gian đầu đừng nên quá kỳ vọng thay vào đó là việc đẩy mạnh công tác bảo vệ các nhà đầu tư trước rủi ro thị trường mới. “Thời gian đầu vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, rất có thể nhà đầu tư sẽ kêu nhiều về “khóa” và “phanh” mà không kêu về rủi ro. Ví dụ như trên thị trường cơ sở, ban đầu khi tỉ lệ margin ở mức thấp nhà đầu tư luôn mong muốn UBCK cởi mở tỉ lệ margin rộng hơn. Tuy nhiên, việc “trói” như thế mới là cơ chế xây dựng để bảo vệ NĐT”.

Khi nói về TTCK phái sinh, ông Dương Ngọc Tuấn - Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) - nhận xét: “Sau 17 năm TTCK cơ sở hoạt động, đã đến lúc thị trường cần được phát triển theo cấu trúc cao hơn, trong đó chứng khoán phái sinh là mảng cần thiết, để bức tranh tổng thể về TTCK Việt Nam hoàn thiện. Sản phẩm này đáp ứng được nhiều nhu cầu của các nhà đầu tư.

Thứ nhất là nhu cầu phòng ngừa rủi ro, thứ hai là kinh doanh, đầu cơ, dựa vào biến động giá thị trường. Thứ ba, qua nghiên cứu của chúng tôi thì khi tham gia TTCK phái sinh, nhiều định chế tài chính có định mức tín nhiệm tốt hơn, chẳng hạn, một ngân hàng muốn cấp tín dụng cho một định chế mà họ có công cụ phòng ngừa rủi ro họ sẽ có điều khoản vay tốt hơn. TTCK phái sinh ra đời cũng giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Theo tôi, đây là thời điểm là chín muồi và đủ thận trọng cho sự ra đời của chứng khoán phái sinh”.

Nhà đầu tư cần lường trước rủi ro

Cụ thể hơn về TTCK phái sinh, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương - Giám đốc khối Nguồn vốn kiêm Giám đốc dự án Phái Sinh, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - cho hay: NĐT có thể coi đây là công cụ đầu tư và sản phẩm đầu tư bình thường, khi muốn giao dịch chỉ cần mở tài khoản và cách thức đặt lệnh giống thị trường cơ sở. Điểm khác biệt là trên thị trường cơ sở tỉ lệ margin ở mức 50-50 nhưng trên thị trường phái sinh tỉ lệ margin lên đến 80-20, 70-30.

Thứ hai, NĐT có thể bán tài sản khi chưa sở hữu nó, mua và bán tài sản ngay trong ngày (T+0), cơ chế mark to market nghĩa là cứ đến cuối ngày biết lỗ và lãi bao nhiêu, và lỗ lãi được hạch toán ngay trong tài khoản. Nếu NĐT lỗ phải nộp bổ sung thêm ký quỹ. Vấn đề NĐT cần lường trước đó là rủi ro tỉ lệ ký quỹ rất cao, có thể lỗ ngay lập tức, do đó, cần nhận thức rõ về rủi ro khi tham gia thị trường. Đối với NĐT nói chung đây vừa là cơ hội vừa là rủi ro.

Đánh giá về độ rủi ro trong TTCK phái sinh, ông Nguyễn Anh Phong - Phó TGĐ Sở GDCK Hà Nội - cho rằng “chứng khoán phái sinh khá giống như một trò chơi dự báo, có cơ hội tạo lợi nhuận cũng như rủi ro phải chịu khi dự báo sai”. Do đó, nhà đầu tư nên xác định mức độ chấp nhận rủi ro của mình, cùng với việc tìm hiểu các phương pháp giao dịch tốt nhất để tạo ra hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Dương Ngọc Tuấn cho biết: “Ngay cả nhà đầu tư tỉ phú Warren Buffett cũng nhận định phái sinh có thể gây ra xáo trộn rất lớn cho nền kinh tế nếu không được kiểm soát tốt. Bản thân khi vận hành thị trường này trong lịch sử thế giới đã gặp phải rất nhiều rủi ro như sự sụp đổ của Lehmand Brothers hay thị trường Hồng Kông, Sở Giao dịch Chicago…”.

Theo ông Tuấn, từ phân tích các bài học rủi ro này, cơ quan quản lý nhận định rõ những trường hợp rủi ro có thể xảy ra và rút ra được những kinh nghiệm như ký quỹ là việc nộp thường xuyên nhưng không nộp kịp đã khiến thị trường trở tay không kịp, sự phối hợp giữa Trung tâm bù trừ, Trung tâm lưu ký và các sở chưa được chặt chẽ hay hệ thống công nghệ thông tin chưa được hiện đại, chắc chắn.

THU TRANG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/chung-khoan-hay-song-bac-676971.bld