Chuẩn nghèo Việt Nam chưa bằng 50% của thế giới

Chuẩn nghèo của Việt Nam đã được Chính phủ điều chỉnh, cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước đây. Theo đó giai đoạn 2011 - 2015, ở nông thôn chuẩn nghèo được quy định có mức thu nhập từ 400 ngàn đồng trở xuống/người/tháng; ở thành thị chỉ số này là từ 500 ngàn đồng.

Theo chuẩn nghèo vừa được điều chỉnh, cả nước còn có 3.055.566 hộ nghèo, so với tổng số hộ trên cả nước chiếm 14,2%. Khu vực các tỉnh Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo lên đến xấp xỉ 40%, cao nhất cả nước. Tỉnh Điện Biên "vô địch” cả nước về số hộ nghèo với tỉ lệ lên đến hơn 50%. Nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 cao hơn giai đoạn trước là phù hợp đời sống thực tế của người dân. Tuy vậy, chuẩn nghèo hiện thời của Việt Nam chưa bằng 50% chuẩn nghèo của thế giới. Chuẩn nghèo hiện thời của thế giới được Ngân hàng thế giới xác định chuẩn chung (không phân biệt nông thôn với thành thị) ở mức 60USD/người/tháng (tương đương 1,2 triệu đồng/người/tháng). Hộ nghèo Việt Nam đương nhiên nằm trong "bản đồ hộ nghèo” của thế giới nhưng ở đây lại có mức chênh lệch rất lớn. Nếu Việt Nam "áp” theo chuẩn nghèo thế giới thì số hộ nghèo cũng như tỉ lệ hộ nghèo hiện có của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều (tăng hơn gấp đôi hiện nay). Khi nói đến sự tiến bộ của một quốc gia, ngoài việc tự mình so sánh với mình, không thể không đối chiếu với mặt bằng của thế giới. Đánh giá về chuẩn nghèo cũng nên như vậy. Giai đoạn sau so với giai đoạn trước có tiến bộ về giảm hộ nghèo là điều đáng mừng, đây là một trong những chỉ tiêu cực kỳ quan trọng của cả nước cũng như ở từng địa phương, nhất là các tỉnh thuộc địa bàn khó khăn có tỉ lệ hộ nghèo ở mức cao. Ngược lại, mặc dù đã được điều chỉnh, chuẩn nghèo trong nước còn có khoảng cách xa so với thế giới là điều đáng lo ngại, còn phải nỗ lực hơn nhiều mới vươn tới mặt bằng của thế giới. Bá Tân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=33877&menu=1372&style=1