Chuẩn hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính

11 quyết định công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính (TTHC) và 1 quyết định công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông được ban hành; 26 TTHC đã được đơn giản hóa.

Người dân cảm nhận rõ sự tiện lợi từ thành quả của cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Nhật Nam

Việc thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 tại Hà Nội đã giúp tiết kiệm cho xã hội trên 7 tỷ đồng và hàng triệu giờ làm việc của cán bộ, nhân viên mỗi năm, còn người dân cảm nhận rõ sự tiện lợi.

Tiết kiệm thời gian và chi phí

Lần đầu tiên làm thủ tục “Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm” tại bộ phận “một cửa” của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Cúc (Công ty Phần mềm FPT) đinh ninh sẽ phải chờ đợi 10 ngày mới nhận được kết quả. Tuy nhiên, khi đến bộ phận “một cửa” của Sở, bà nhìn thấy ngay bảng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện thủ tục và thời gian chờ đợi chỉ là 7 ngày chứ không phải 10 ngày.

Bà Cúc cho biết: “Tôi hỏi, cán bộ cho biết, theo quy định trước đây là 10 ngày, sau đó rút xuống 7 ngày. Tôi rất mừng vì thủ tục nhanh chóng được hoàn thiện để công ty sớm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm”. Tương tự, anh Phạm Tiến Thành (ngõ Hòa Bình 7, Minh Khai, Hà Nội) khá hài lòng khi làm thủ tục cấp thẻ đọc tại Thư viện Hà Nội. “Tôi chỉ cần xuất trình chứng minh thư, còn ảnh thẻ họ chụp cho mình, rất nhanh chóng” - anh Thành nói.

Đây là hai ví dụ phản ánh sự hài lòng của tổ chức và công dân đối với việc đơn giản hóa TTHC theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế gần hai năm qua cũng cho thấy, việc Hà Nội đơn giản hóa đối với nhóm TTHC, quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, LĐ-TB&XH, nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và các chi phí không cần thiết.

Đơn cử như, thủ tục cấp thẻ đọc tài liệu (lĩnh vực văn hóa) cắt giảm việc nộp 2 ảnh 3x4 (do chụp trực tiếp và lưu bản điện tử) đã tiết kiệm gần 2 tỷ đồng/năm. TTHC “Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động” đã giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, tương đương với tiết kiệm được 40 triệu đồng/năm. Thủ tục “Cấp giấy lao động cho lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam” tuy giảm ít ngày nhưng do có lượng giao dịch lớn nên lợi ích sau khi rút ngắn thời gian là 4 tỷ đồng/năm.

Đặt mình vào vị trí người đi làm thủ tục

Thực hiện theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành 11 quyết định công bố chuẩn hóa TTHC và 1 quyết định công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông trên địa bàn. 100% (658 thủ tục) TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC sau khi được chuẩn hóa và được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị. Việc làm này để người dân biết và thực hiện, đồng thời giám sát cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng quy trình làm việc rõ người, rõ việc ở từng khâu. Điều này tạo thuận lợi hơn cho người dân nhưng phần nào gây áp lực cho CBCCVC. Nếu họ có quyết tâm cải cách và tinh thần phục vụ thì hoàn toàn thực hiện được.

Theo Phó Trưởng phòng Tổng hợp Sở LĐ-TB&XH Trần Thị Tường Vi: “Coi cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, CBCCVC của Sở quyết tâm đơn giản hóa thủ tục đến mức có thể nhằm mang lại sự tiện lợi nhất cho tổ chức, công dân”. Giải pháp mà Sở LĐ-TB&XH thực hiện là đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm để CBCCVC tiết kiệm thời gian giải quyết TTHC. Đặc biệt, việc Sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã giúp xác định được rõ trách nhiệm cụ thể của từng công chức, bộ phận liên quan, từ đó, xây dựng quy trình phối hợp giải quyết TTHC khoa học, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Hiện Hà Nội đã đề xuất nhóm TTHC trọng tâm cần đơn giản hóa năm 2017, gồm các lĩnh vực: Dược, mỹ phẩm và an toàn thực phẩm; quy hoạch - kiến trúc; đầu tư dự án có sử dụng đất; khoáng sản; đất đai; đề xuất xây dựng quy trình liên thông nhóm TTHC đăng ký biến động nhà, đất với công chứng và thuế... Đây là những TTHC liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp nên cần sự quyết tâm của các đơn vị để bảo đảm cả về tiến độ và chất lượng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 cho thấy, một số đơn vị chưa tích cực, chủ động trong việc phối hợp rà soát, đơn giản hóa TTHC và chuẩn hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý. Việc trình công bố, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC của một số đơn vị còn chậm. Chất lượng tham mưu của một số cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC cũng chưa cao. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền để người dân biết đến các TTHC đã được đơn giản hóa chưa sâu rộng. Thậm chí, ngay trên Cổng giao tiếp điện tử của thành phố vẫn đăng thời hạn giải quyết cũ từ khi chưa đơn giản hóa TTHC. Do đó, để thực hiện hiệu quả việc đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2017, rất cần quyết tâm của các đơn vị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu năm 2016 cắt giảm 40% thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư, giảm 20% TTHC lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch... Như vậy, từ nay đến cuối năm, các cơ quan, đơn vị cần nỗ lực thực hiện hơn nữa. Mỗi CBCCVC cần đặt mình vào vị trí người đi làm thủ tục để nhìn ra sự rườm rà, không hợp lý, từ đó đưa ra phương án đơn giản tối ưu nhất. Kết quả đó sẽ là tiền đề để Hà Nội hoàn thành tốt việc đơn giản hóa nhóm TTHC trọng tâm năm 2017, mang lại lợi ích thiết thực cho tổ chức và công dân.

Vũ Thủy - Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/850570/chuan-hoa-va-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh