Chuẩn bị triển khai giai đoạn 2

Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 đang có những bước đi rất nhanh chóng..., cho phép hy vọng môi trường nước của lưu vực sẽ được làm sạch một cách căn cơ.

Thiết kế song hành hồ sơ vay vốn

Giám đốc Ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè Phan Châu Thuận cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, công tác thiết kế tuyến đường ống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải cho toàn lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã gần hoàn tất. Song song đó, hồ sơ xin vay vốn để thực hiện dự án cũng đã được chuẩn bị... Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay hoặc chậm lắm là đầu năm sau, các công tác chuẩn bị sẽ được phê duyệt.

Ban Quản lý Dự án phải có bước đi song hành như vậy vì TP Hồ Chí Minh và đơn vị tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) đều muốn dự án nhanh chóng được triển khai, nhất là hệ thống cống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải. Tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức làm cá chết trên nhiều đoạn của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong thời gian vừa qua, dù với lý do gì, cũng cho thấy nếu nước thải không được xử lý đúng chuẩn thì nguy cơ ô nhiễm môi trường ở lưu vực này vẫn đáng lo ngại.

Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành mới dừng ở việc xây dựng bờ bao, nạo vét kênh, làm các tuyến cống thu gom nước thải... Vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định chất lượng môi trường nước trong khu vực là xử lý nước thải vẫn chưa được triển khai. Nước thải sau khi được thu gom vẫn... đổ thẳng ra sông Sài Gòn. Chính vì vậy, thành phố đã đề nghị WB tiếp tục cho thành phố vay 450 triệu USD để triển khai giai đoạn 2 của dự án (giai đoạn 1, WB đã cho thành phố vay 200 triệu USD).

Giai đoạn 2 có ba hạng mục quan trọng và một trong số đó là xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà máy đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, có công suất xử lý nước thải 480 nghìn m3/ngày. Khi nhà máy hoàn thành, nước thải thu gom trong toàn lưu vực sẽ được đưa về đây xử lý thay vì đổ ra sông Sài Gòn như hiện nay. Với tiến độ thực hiện như nêu trên, dự kiến đến năm 2020 nhà máy xử lý nước thải sẽ được đưa vào sử dụng.

Hai hạng mục quan trọng khác của dự án là xây dựng tuyến cống bao (đường kính 3,2 m, dài 8 km) dẫn nước thải về nhà máy và xây dựng khoảng 50 km đường cống thu gom nước thải cho quận 2. Hiện, hạng mục nhà máy xử lý nước thải và xây dựng tuyến cống bao đã chọn được những đơn vị tư vấn có năng lực và uy tín cao từ Đức và Mỹ.

Gần như không gây ách tắc giao thông

Theo dự tính kế hoạch thi công, ở giai đoạn 2, người dân thành phố sẽ không còn bị ám ảnh bởi những "lô cốt" và tình trạng kẹt xe nữa. Theo Ban Quản lý Dự án, 8 km đường cống dẫn nước thải về nhà máy sẽ được xây dựng bằng phương thức "kích ngầm", dùng đầu kích đào ngầm, nên cơ bản sẽ không phải đào đường thi công lắp đặt cống nhiều như giai đoạn 1.

Với 50 km đường cống thu gom nước thải cho quận 2, chủ yếu là những tuyến cống nhỏ, đường kính từ 400 cm đến 600 cm, phần lớn lại nằm trên các vỉa hè, cho nên việc thi công sẽ không ảnh hưởng nhiều tới giao thông. Hơn nữa, mật độ đi lại ở quận 2 không quá dày đặc cho nên việc đào đường sẽ không tạo nhiều áp lực cho hoạt động giao thông như giai đoạn 1. Ông Phan Châu Thuận nhấn mạnh đến một lý do khác: Thủ tục hành chính trong giai đoạn 2 đã được rút ngắn hơn giai đoạn 1 rất nhiều. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nếu như trong giai đoạn 1, việc phê duyệt từng gói thầu phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì trong giai đoạn 2, công việc này được giao cho chủ đầu tư. Ngoài ra, nhiều quy định trong pháp luật của Việt Nam về đầu tư cũng như nhiều quy định trong thực hiện dự án của WB đã được điều chỉnh "gần" nhau hơn. Việc này cũng giúp cho cả hai bên nhanh chóng tìm ra "tiếng nói chung" trong các vấn đề cần chung tay giải quyết thay vì phải mất nhiều thời gian bàn bạc như trước đây.

Bên cạnh đó, công tác chọn thầu, một "điểm trừ" trong giai đoạn 1, cũng sẽ được khắc phục trong giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, việc thi công ra sao, tập trung nhân vật lực như thế nào để bảo đảm tiến độ sẽ được cụ thể hóa trong hợp đồng; nhà thầu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ngoài ra, kế hoạch của Ban Quản lý Dự án là tiến hành sơ tuyển chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật trước. Kỹ thuật bảo đảm thì các yếu tố về giá mới được tính đến. Thành phố dự định xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo hình thức: thiết kế -xây dựng - vận hành (DBO) với thời gian vận hành là 5 năm.

Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 khi hoàn thành sẽ giúp thành phố giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường của lưu vực này, bao gồm địa bàn của bảy quận với khoảng 1,2 triệu người dân sinh sống.

NGUYỄN KHOA

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/23714702-chuan-bi-trien-khai-giai-doan-2.html