Chuẩn bị tâm lý trước khi trở thành cha mẹ

Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn xác định liệu mình đã sẵn sàng để trở thành cha mẹ hay chưa.

Có con là quyết định của cả hai: Điều cơ bản trong một mối quan hệ tốt đẹp là sự thành thật và tôn trọng. Bạn không thể giải quyết mọi việc chỉ đơn giản bằng cách lờ đi mong muốn của đối phương.

Có con là quyết định của cả hai: Điều cơ bản trong một mối quan hệ tốt đẹp là sự thành thật và tôn trọng. Bạn không thể giải quyết mọi việc chỉ đơn giản bằng cách lờ đi mong muốn của đối phương.

Để tránh những bất đồng và hiểu lầm xảy ra trong tương lai, hai người nên bàn bạc trước về vấn đề con cái.

Sinh con không phải là giải pháp cho những vấn đề trong gia đình: Đôi khi, em bé được gọi là người “hàn gắn những rạn nứt” trong một cuộc hôn nhân bằng cách hướng những cuộc tranh cãi của cha mẹ sang mối quan tâm khác.

Tuy nhiên, nếu những vấn đề xảy ra sau khi sinh em bé thì cuộc hôn nhân của bạn sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Trẻ con không phải một “người gìn giữ hòa bình”, chúng xứng đáng được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc và giàu yêu thương.

Đó là một đứa trẻ chứ không phải một hình mẫu hoàn hảo: Bạn có thể sẽ mơ ước về con cái mình sinh ra thật xinh đẹp và tài năng.

Nhưng bạn nên hiểu rằng, đứa bé được sinh ra có thể không đáp ứng mọi kì vọng của bạn. Dù vậy, bạn nên chấp nhận điều ấy và yêu thương con dù con là ai và như thế nào.

Hãy suy nghĩ về khả năng của mình một cách thực tế: Bạn mong muốn trở thành một người mẹ hay một ông bố hoàn hảo nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy.

Tuy nhiên, chỉ cần bạn nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết của bản thân, bạn sẽ ngày một tốt hơn trong vai trò làm cha mẹ.

Đừng thay đổi cuộc sống của bạn theo tiêu chuẩn của người khác: Internet luôn đầy những thông tin về một cuộc sống đúng nghĩa kiểu như: khi bạn phải có em bé, một gia đình hoàn hảo là thế nào…

Thế nhưng, bạn nên hiểu rằng không ai có thể nói cho bạn khi nào là thời điểm phù hợp với bạn hay điều gì là tốt cho bạn ngoài việc chính bạn là người quyết định những điều ấy.

Đánh giá đúng đắn những rắc rối xảy ra trong tương lai: Có con chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít những lo lắng và rắc rối.

Trước khi sẵn sàng làm cha mẹ, bạn nên chuẩn bị trước mọi thứ và cân nhắc được những vấn đề gì mình sẽ gặp phải nếu có con trong tương lai.

Mang thai không phải là một “cơn ác mộng”: Mang thai có thể khiến bạn thay đổi cả về ngoại hình và tâm lý nhưng điều ấy không có nghĩa là mọi thứ đều trở nên tồi tệ.

Khi bạn muốn trở thành cha mẹ, hãy chấp nhận điều ấy và hiểu rằng những lo lắng ban đầu rồi sẽ sớm trôi qua.

Lên kế hoạch về tài chính: Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, những chi phí trong gia đình có thể tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, một khoản tiền tiết kiệm tương đối sẽ giải quyết được vấn đề này. Con cái bạn cần môi trường và sự chăm sóc tốt để phát triển khỏe mạnh.

Sẵn sàng để trưởng thành với cương vị là cha mẹ: Mỗi đứa trẻ luôn là một câu đố phức tạp. Chúng có thể khóc bất cứ lúc nào và gây ra nhiều điều phiền phức.

Là cha mẹ, bạn sẽ phải dần học cách xử lý trước những tình huống như vậy.

Quyết định trở thành cha mẹ là một điều ý nghĩa và không nên bị áp đặt bởi bất kì ai: Chúng ta thường nghe những câu chuyện rằng nếu không có con thì khi già sẽ chẳng có ai chăm sóc bạn.

Tuy nhiên, có con là quyết định của riêng gia đình bạn. Bạn phải suy nghĩ kĩ về những mong muốn và khả năng của mình cũng như quên đi những gì người khác nghĩ về vấn đề này.

CTV Kiều Anh/VOV.VN
Theo BS

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/chuan-bi-tam-ly-truoc-khi-tro-thanh-cha-me-674747.vov