Chuẩn bị chu đáo để học sinh thích nghi với phương án thi mới

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi THPT 2017, Sở GD&ĐT các địa phương đã tổ chức họp Hội đồng bộ môn để thống nhất phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm.

Các trường THPT cũng tuyên truyền, giải thích chủ trương đổi mới công tác thi, tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo hướng giảm tải, đánh giá toàn diện để phụ huynh và học sinh nắm rõ, trong đó nhấn mạnh đến bài thi tổ hợp – điểm mới nhất trong thi THPT 2017 để tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc không cần thiết.

Dạy - học “2 trong 1”

Thời điểm Bộ GD&ĐT công bố phương án thi chính thức, Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng) cũng đồng thời phát bộ đề thi trắc nghiệm các môn Lịch sử, Địa lý, Toán và Giáo dục công dân cho GV và HS khối 12. Ngay sau dự thảo phương án thi, BGH nhà trường đã bắt tay sưu tầm các câu hỏi trắc nghiệm của những môn học có liên quan từ nhiều nguồn khác nhau.

Thầy Phạm Sĩ Liêm - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nghiên cứu kỹ phương án và cả từ kinh nghiệm của 50 năm dạy học và làm công tác quản lý, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm có nhiều ưu điểm, phù hợp với một kỳ thi có quy mô lớn, đòi hỏi tính chính xác và khách quan cao nên đã sớm sưu tầm hệ thống câu hỏi trắc nghiệm để kịp đưa vào dạy – học ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi.

Vì được tổng hợp từ nhiều nguồn nên nhà trường đã sắp xếp lại hệ thống câu hỏi đảm bảo tính khoa học, không bị trùng lắp”.

Bộ sưu tập hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của Trường THPT Quang Trung hiện có 500 câu hỏi ở môn Giáo dục công dân và môn Toán; các câu hỏi trắc nghiệm ở môn Lịch sử được sắp xếp theo 10 chuyên đề, mỗi chuyên đề có 30 câu hỏi; môn Địa lý có 150 câu hỏi và 40 câu hỏi bài tập. Dựa trên các phương án A, B, C, D đã có sẵn theo câu hỏi, GV hướng dẫn cho HS phương pháp làm bài để có kết quả đúng theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu và khoa học.

Theo thầy Phạm Sĩ Liêm, hệ thống câu hỏi này sẽ phục vụ cho GV củng cố kiến thức sau mỗi bài học và tiết ôn tập. “Chúng tôi quán triệt GV không được cắt xén chương trình, phải bám sát SGK để dạy học. Trong quá trình giảng dạy phải hình thành cho HS năng lực vận dụng các đơn vị kiến thức phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm”.

Riêng với môn Anh văn, các bài học được Trường THPT Quang Trung thiết kế theo chủ đề: Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, đọc, viết. Với khối lớp 11 và lớp 10, nhà trường cũng chủ trương sẽ kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra để HS làm quen dần với phương pháp thi trắc nghiệm.

Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) cũng đã họp toàn bộ GV khối 12 để thảo luận về phương pháp dạy học. Thầy Thái Quốc Khánh cho biết: “Trong tháng 10, nhà trường sẽ tiến hành cho HS đăng ký tổ hợp môn để phân lớp ôn tập ở các tiết tăng cường. Vì kỳ thi có 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ nên việc dạy – học phải bám sát SGK, việc tổ chức ôn tập sẽ theo chủ đề, quy về một chương trình chung giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Tuy nhiên, để tránh thiệt thòi cho HS, chúng tôi chủ trương chuẩn là chuẩn về mặt kiến thức còn riêng về năng lực vận dụng thì phải ở mức độ nâng cao”. Cũng theo thầy Khánh, “GV buộc phải dạy hết nội dung trong SGK; trong đó, với những môn thi trắc nghiệm, GV cần có sự mở rộng kiến thức, những môn thi tự luận, nội dung ôn tập phải đảm bảo vừa trọng tâm nhưng cũng phải có chiều sâu để HS không bị mất điểm”.

Trong quá trình giảng dạy, BGH Trường THPT Lê Thế Hiếu cũng khuyến khích GV tổ chức các hoạt động nhóm để HS có điều kiện củng cố kiến thức theo kiểu hỏi – đáp; hệ thống bảng phụ cũng được tăng cường sử dụng để phục vụ cho việc củng cố kiến thức ở cuối mỗi tiết học theo hình thức trắc nghiệm.

Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền

Thầy Nguyễn Ngọc Ý cho biết, lâu nay ngành GD&ĐT chưa triển khai dạy – học theo hướng tích hợp, liên môn nên nhiều phụ huynh cứ nghĩ bài thi tổ hợp sẽ có những câu hỏi mang tính chất tích hợp liên môn nên rất hoang mang.

“Ngay cả GV và HS cũng có không ít phân vân về vấn đề này. BGH nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ phương án thi THPT cũng như các bài trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Bộ để giải thích cho GV, phụ huynh và HS nhằm ổn định tâm lý, nhất là giúp GV nắm vững mọi chủ trương đổi mới cũng như cách triển khai thực hiện. Những thắc mắc của phụ huynh và HS về cách làm bài thi môn KHXH và KHTN cũng được giải đáp thấu đáo”.

Dự kiến, Trường THPT Cửa Tùng sẽ có một bài kiểm tra giữa kỳ, trong đó các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý và Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ không xây dựng đề độc lập mà được tổ chức thành bài thi tổ hợp KHXH và KHTN để HS làm quen với tâm lý thi cử, cách phân bổ thời gian làm bài…

Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền

Trường THPT Lê Thế Hiếu cũng đã chuẩn bị tâm thế cho cả GV giảng dạy khối 10 và khối 11 về chủ trương triển khai hình thức thi trắc nghiệm để điều chỉnh phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp, tập cho HS thích nghi và nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học.

Cả thầy Thái Quốc Khánh và thầy Nguyễn Ngọc Ý đều cho rằng, nói GV các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân bỡ ngỡ với hình thức trắc nghiệm là không đúng. Bởi những GV này đều đã được tập huấn về cách thức xây dựng câu hỏi và đề thi theo hình thức trắc nghiệm. Thực tế tại các trường THPT, các đề kiểm tra của những môn học này đều có một tỉ lệ nhất định các câu hỏi trắc nghiệm. “Tuy nhiên, GV vẫn rất cần được hỗ trợ thêm để có thể xây dựng một đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm đảm bảo tính khoa học, hợp lý”.

Định dạng đề và mức độ phân hóa của đề thi cũng là sự băn khoăn của không chỉ GV, HS mà còn cả của các CBQL. Thầy Thái Quốc Khánh cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể về phân hóa trong đề thi, nhất là bài thi tổ hợp, bao nhiêu câu ở mức nhận biết, vận dụng, vận dụng cao… để GV và HS có sự chuẩn bị tốt nhất trước một kì thi quyết định như thế này.

Dạy học đại trà và ôn tập theo nhóm đối tượng cũng là cách mà Trường THPT Cửa Tùng (Vĩnh Linh – Quảng Trị) cũng sẽ áp dụng để triển khai trong tháng 10 này. Trước mắt, với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Anh văn, nhà trường sẽ tổ chức lớp ôn tập theo phân loại năng lực của HS, với hai nhóm kiến thức cơ bản và nâng cao. Thầy Nguyễn Ngọc Ý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với các môn thành phần trong tổ hợp môn, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi, nhà trường sẽ tổ chức cho HS đăng ký để triển khai ôn tập sớm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuan-bi-chu-dao-de-hoc-sinh-thich-nghi-voi-phuong-an-thi-moi-2381996-b.html