Chữa ung thư: Hãy quên thầy lang và phải tin vào bác sĩ

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhiều người không biết rằng ung thư nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi, nên hầu hết người bệnh ung thư đều đến bệnh viện (BV) muộn, khiến tỉ lệ tử vong cao, dẫn đến nhiều người càng cho rằng ung thư là 'án tử'.

Nhằm giúp mọi người hiểu rằng, phòng bệnh và phát hiện sớm để được chữa trị ung thư hiệu quả, sẽ giúp giảm tử vong, chiều 26-5, Hội Nội khoa Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viện (BV) K Trung ương và Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI tổ chức tọa đàm “Ung thư không phải dấu chấm hết” với sự tham dự của GS. Nguyễn Bá Đức, GS. Nguyễn Khánh Trạch - Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam; GS.Đào Văn Phan – nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội...

Rất nhiều quan niệm sai lầm về bệnh ung thư được đặt ra và đã được các chuyên gia giải đáp, như ung thư là do số phận, do ăn ở … dẫn tới giấu bệnh; ung thư có thể lây nhiễm, dẫn đến việc kỳ thị người bệnh; hay bệnh nhân ung thư đi đám tang sẽ nặng hơn và nhanh di căn hơn.

GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyến cáo nhiều vấn đề về bệnh ung thư

Giải thích điều này, GS. Nguyễn Bá Đức cho rằng, bản chất bệnh ung thư là tái phát, di căn. Có người đi đám tang về cũng là lúc bệnh tái phát, đã đổ cho vì đám tang. Quan niệm này khiến nhiều người khi bố, mẹ chết không dám dự; chồng chết, vợ phải đi ở nhà khác.

TS. Đoàn Lực (BV K) cũng khẳng định không có bằng chứng khoa học nào về mối liên quan giữa bệnh ung thư với đám tang.

Một quan niệm sai lầm nữa là khi bị bệnh sẽ không được vào động dao kéo, không được xạ trị, hóa trị, thậm chí chỉ nên chữa bệnh bằng lá cây. Điều này khiến nhiều người bị tước đi cơ hội “vàng” được chữa trị kịp thời, bởi mải chữa bằng lá, khi u đã lớn, đã di căn, mới đến BV thì không còn điều trị triệt căn được nữa.

Hay quan niệm không ăn chất đạm, chỉ ăn gạo lức, muối vừng để khối u chết, đã khiến nhiều bệnh nhân chết vì suy kiệt trước khi chết vì ung thư. “Tôi đã đi hơn 30 nước, nhưng không ở đâu có những quan niệm như vậy.” – GS. Nguyễn Bá Đức bày tỏ.

Các giáo sư, bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh ung thư

GS. Nguyễn Bá Đức cũng cho biết: Ung thư được WHO xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm, nên không thể truyền từ người bệnh cho người khỏe. TS. Phạm Thị Việt Hương (BV K) -người gắn bó với công tác điều trị cho bệnh nhân ung thư nhiều năm, cũng lên án mạnh mẽ việc xa lánh bệnh nhân ung: “kỳ thị ung thư là một tội ác”, vì việc kỳ thị càng khiến bệnh nhân đau lòng.

Đặc biệt, các chuyên gia đều lưu ý, ung thư là một tập hợp, gồm hơn 200 bệnh ung thư, có nhiều bệnh chữa được, nhất là những người đến sớm, được điều trị đúng phác đồ. Vì thế, cần tin tưởng vào thầy thuốc, thay vì cho bệnh nhân uống lá nam của các ông lang.

TS. Hương chia sẻ câu chuyện của một cháu bé ở Hải Dương khi đang điều trị hóa chất, gia đình đã đưa về để cho uống lá thuốc của thầy lang. Dĩ nhiên, khối u ngày càng phát triển nên cháu yếu đi rất nhanh. Mẹ cháu đưa đến bác sĩ từng điều trị cho cháu nhưng bác sĩ lắc đầu. Khi gia đình đưa cháu về BV K, cháu đã bị suy gan, thận do uống nhiều nước lá, sự sống rất mong manh. Nhưng các bác sĩ đã truyền hóa chất cùng các biện pháp hỗ trợ, nhờ đó, sức khỏe cháu dần được cải thiện, các khối u chỉ còn nhỏ hoặc đã hết.

Cô giáo Nguyễn Phạm Thanh Hằng truyền “lửa” lạc quan cho các bệnh nhân ung thư

Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào, người bị ung thư vú, di căn xương đã 4 năm, đến nay sức khỏe ổn định, gửi đến các bệnh nhân ung thư lời khuyên: Hãy là bệnh nhân thông thái và thuộc phác đồ điều trị. Nhiều bệnh nhân đã chết oan uổng do uống bột giun, bột cóc, nấm linh xanh, nhịn ăn…

Bác sĩ được học nhiều mà chưa ai dám nói sẽ chữa khỏi ung thư, thì làm sao có thể tin được các thầy lang không học hành lại khẳng định chữa được. Bệnh nhân cần thay đổi quan niệm, sẽ sống vui, sống khỏe, giữ được cho mình hy vọng sống.

Cô giáo Nguyễn Phạm Thanh Hằng -bệnh nhân bị ung thư trực tràng vừa nhận giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng cộng đồng trong đêm Gala VTV6-10 năm truyền lửa, cũng chia sẻ: Ung thư chỉ là một cái đinh, có thể nhổ nó ra khỏi cơ thể được. Vì thế, hãy tin tưởng vào bác sĩ, vào phác đồ điều trị, vào khoa học và ươm mầm lạc quan vào cuộc sống của mình để có một tương lai tươi sáng.

GS. Nguyễn Bá Đức khuyến cáo người bệnh phải ăn đầy đủ dinh dưỡng để đủ sức chịu đựng được các biện pháp điều trị, đồng thời, chia sẻ với những người bệnh: Đông y hiện không chữa được ung thư, nhưng có thể hỗ trợ điều trị ung thư bằng việc nâng đỡ thể trạng người bệnh, giúp ăn ngon, ngủ tốt để có sức khỏe chống đỡ với bệnh tật.

Bổ sung cho quan điểm này, GS. Đào Văn Phan cho biết trong xạ trị, hóa chất diệt cả tế bào lành, gây ra nhiều tác dụng phụ: mất ngủ, nôn, thiếu máu, không ăn được … Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cây thuốc có thể chống viêm, giúp ăn được, ngủ ngon, bổ máu … Đông y ngày nay có thể phối hợp các dược chất để giúp bệnh nhân ung thư chiến đấu với bệnh tật.

Các bệnh nhân ung thư rất cần thông tin chuẩn xác về điều trị bệnh

GS. Đào Văn Phan nhấn mạnh: Một trong các đề tài khoa học về lĩnh vực này là của TS. Hà Phương Thư (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã tạo ra một sản phẩm khoa học mới nhất chiết xuất từ cây cỏ của Việt Nam là nghệ, tam thất và rong biển mang tên CumarGold Kare. Đây là bước đột phá trong hỗ trợ điều trị ung thư, tạo cơ hội cho người bệnh nghèo cũng được điều trị khi sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng cao mà giá lại rẻ hơn nhiều nhập ngoại.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/ung-thu-canh-cua-cuoc-doi-chua-khep-442827/