Chưa phải thời điểm bỏ trần lãi suất?

(ĐTCK) Chỉ có thể bỏ trần lãi suất khi thanh khoản thị trường thực sự bền vững với một lộ trình xử lý nợ xấu rõ ràng trong toàn thống.

Lạm phát năm 2013 dự báo vào khoảng 8-10%

Bản tin lãi suất tuần 21 - 25/1/2013 của Nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, thị trường VND liên ngân hàng tiếp tục trầm lắng. Cung vẫn dồi dào và cầu không có dấu hiệu tăng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì tốt. Mặt bằng lãi suất không đổi, xoay quanh 2 - 2,5%/năm kỳ hạn qua đêm và 1 tuần; 3%/năm kỳ hạn 2 tuần; 5%/năm kỳ hạn 1 tháng. Mặc dù đã vào giai đoạn giáp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn hút ròng gần 3.000 tỷ đồng qua phát hành/đáo hạn OMO và tín phiếu trong tuần. Hai kỳ hạn 91 và 182 ngày tiếp tục thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng với tổng khối lượng phát hành đạt hơn 14.000 tỷ VND trong tuần.

“Tốc độ tăng trưởng huy động duy trì tốt, trong khi đầu ra tín dụng chưa thực sự được cải thiện đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, chưa có dấu hiệu căng thẳng cả trong tháng đầu năm - vốn là thời điểm cầu vốn tăng cao. Áp lực từ thị trường 1 lên thị trường 2 là không lớn. Ngoài ra, nhu cầu vốn phục vụ dự trữ bắt buộc giảm mạnh đã khiến lãi suất VND liên ngân hàng khá thấp trong thời gian dài”, Bản tin nhận định.

Tình hình thanh khoản của tháng đầu năm 2013 khác hoàn toàn so với nhiều năm trước, đặc biệt là 5 năm trở lại đây khi thông thường, 2 tháng trước Tết Nguyên đán, cầu tiền mặt luôn rất căng thẳng khiến NHNN phải bơm vốn qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM.

“Chưa năm nào nhu cầu về tiền mặt tại các ngân hàng lại chậm như năm nay”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc kinh doanh tiền tệ Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng dự báo, cầu tín dụng khó có khả năng tăng đột biến trong ngắn hạn, nên áp lực về thanh khoản là không lớn. Bởi vậy, khá nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên tính đến việc bỏ trần lãi suất.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, chưa thể bỏ trần lãi suất thời điểm hiện nay, bởi điều này liên quan đến sức khỏe của toàn hệ thống và hiện vẫn còn một số ít ngân hàng thanh khoản kém. Mặc dù trần lãi suất huy động hiện nay là 8%/năm nhưng vẫn có không ít ngân hàng huy động cao hơn mức trần. Điều này cho thấy thương hiệu, uy tín của ngân hàng đó không thực sự tốt. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhận định, câu chuyện thanh khoản tốt hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn, trong khi vấn đề dài hạn của hệ thống là nợ xấu không thể diễn ra nhanh nên việc bỏ trần cũng có rủi ro.

“NHNN đã hành động đúng khi vẫn tiếp tục cẩn trọng với thanh khoản của toàn hệ thống”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cũng nhận định, hiện tại thị trường có cơ hội gỡ bỏ trần lãi suất, nhưng lạm phát rõ ràng vẫn là điều cần quan ngại. “Ba điều kiện để xóa bỏ hoàn toàn trần lãi suất: thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thứ hai, cần thời gian để chính sách hỗ trợ DN mới được Chính phủ đưa ra có hiệu lực; thứ ba, xử lý xong toàn bộ ngân hàng trong diện tái cấu trúc, xử lý nợ xấu… Do đó, cuối năm nay mới có thể tính đến việc bỏ trần lãi suất”, ông Trung nói.

Trên thực tế, lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại. Cụ thể, lạm phát tính theo năm đã tăng từ mức 6,81% vào tháng 12 năm ngoái lên mức 7,07% trong tháng 1; lạm phát hàng tháng cũng tăng từ 0,27% lên 1,25%. HSBC và ANZ vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2013 sẽ rơi vào khoảng 8 - 10%. Nhiều tổ chức khác cũng dự báo lạm phát năm nay có thể tăng cao hơn 2012. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%.

“Tôi theo xu hướng tự do hóa lãi suất để các ngân hàng tùy vào khả năng thanh khoản quyết định lãi suất là bao nhiêu khi huy động và vay. Mặc dù nền kinh tế đang có chiều hướng khả quan hơn, nhưng cần cẩn trọng rủi ro lạm phát có thể quay lại. Xét về mặt lịch sử, lạm phát giảm nhanh nhưng cũng có thể tăng rất nhanh. Chính phủ và các cơ quan điều hành nên cẩn trọng điều này, chỉ nên xem xét xóa trần lãi suất vào cuối năm 2013, đầu năm 2014”, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam nhấn mạnh

Trong khi đó, ông Quang phân tích thêm, việc sử dụng những biện pháp hành chính có mặt được và có những hạn chế, điều này NHNN hoàn toàn hiểu rõ. Về lâu dài, chắc chắn cần bỏ mức trần để lãi suất được điều chỉnh theo cung - cầu thị trường trong môi trường cạnh tranh công bằng, giúp thị trường vận hành tốt. Trong đó, NHNN chỉ tạo lập hành lang pháp lý cho quá trình vận hành và quản lý sự tuân thủ của các tổ chức tín dụng, chứ không nên trực tiếp bước vào sân chơi dẫn dắt các thành phần tham gia. Tuy nhiên, chưa thể bỏ trần lãi suất ngay mà điều này chỉ thực hiện được khi thanh khoản thị trường thực sự bền vững với một lộ trình rất rõ ràng về việc xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.

“Theo tôi, trong năm nay chưa nên bỏ hoàn toàn trần lãi suất, sớm nhất có lẽ là 2014”, ông Quang nói.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJADEI/chua-phai-thoi-diem-bo-tran-lai-suat.html