Chưa nước nào có quy định về kiểm soát giết mổ chó

Vừa qua, trên một số thông tin đại chúng có đưa tin liên quan đến việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó cũng như các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe khi tiêu thụ thịt chó. Về vấn đề này, Cục Thú y có quan điểm cụ thể như sau:

1. Từ năm 2009 đến năm 2016, Cục Thú y đã nhận được văn bản của một số địa phương về việc đề nghị xem xét ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó với mục đích làm thực phẩm. Cục Thú y đã có văn bản trả lời các địa phương, trong đó nêu rõ:

(1) Không có nước nào trên thế giới ban hành quy định về kiểm soát giết mổ chó (ngay cả Hàn Quốc, một nước sử dụng nhiều thịt chó cũng không thể ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chó);

(2) Một số nước trên thế giới có điều luật cấm giết mổ và kinh doanh các sản phẩm từ chó;

(3) Các tổ chức quốc tế cũng không đồng tình để ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó;...

2. Cũng vào năm 2009, Cục Thú y đã tổ chức cuộc họp với nhiều cơ quan của các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế liên quan để trao đổi, thảo luận liên quan đến việc ban hành quy định kiểm soát giết mổ chó và kinh doanh thịt chó.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, việc ban hành các quy định về kiểm soát giết mổ chó, kinh doanh thịt chó có thể làm phương hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Do vậy, tất cả các đại biểu thống nhất đề nghị Bộ NN-PTNT không ban hành quy định về kiểm soát giết mổ chó, kinh doanh thịt chó. Bởi vì, nếu ban hành sẽ có nhiều nước và tổ chức bảo vệ động vật sẽ phản đối kịch liệt.

3. Trong quá trình xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y liên quan đến việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật và sản phẩm động vật, Cục Thú y cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ và chưa thấy có một nước nào trên thế giới ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó, kinh doanh thịt chó với mục đích làm thực phẩm.

Do vậy, nếu Việt Nam ban hành các quy định này sẽ bị các nước và các tổ chức trên thế giới lên án, ảnh hưởng đến quan hệ thương mại như du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa,...

4. Thực tế cho thấy, tất cả các công đoạn của việc giết mổ, kinh doanh thịt chó đều rất tàn bạo và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì vậy, đề nghị các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tiêu dùng dần dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật thông minh, gần gũi, tình cảm với con người mà còn khiến người tiêu thụ thịt chó gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, tả, ngộ độc... và gây tử vong.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chua-nuoc-nao-co-quy-dinh-ve-kiem-soat-giet-mo-cho-post175846.html