Chưa người Việt nào nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi

Khác với các gia đình nước ngoài sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt thì gần 6 năm qua, chưa có một gia đình Việt Nam nhận những trẻ em này làm con nuôi. Đây chỉ một trong những vướng mắc đặt ra trong quá trình triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Lễ giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài (ảnh minh họa).

Chỉ nhận nuôi trẻ em có sức khỏe bình thường

Trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc 14.539 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Như vậy, các trường hợp giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài chỉ chiếm hơn 12%, trong khi các trường hợp giải quyết nuôi con nuôi trong nước chiếm gần 88%. Riêng năm 2016, tính đến tháng 7 có 1.026 trẻ em được đăng ký nuôi con nuôi trong nước, còn tính đến ngày 31/10/2016 có 433 trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài.

Ngoài ra, thực hiện kế hoạch đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế, cả nước có 3.567 trường hợp đã đăng ký, chiếm 51% tổng số các trường hợp đủ điều kiện đăng ký. Đồng thời, toàn quốc cũng có 46 trường hợp nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, riêng Hà Giang và Đồng Tháp đã chiếm tổng cộng 28 trường hợp.

Khảo sát 254 người dân nhận con nuôi trong nước cho thấy, có 75,6% số người nhận con nuôi ở độ tuổi từ 30-50 tuổi và có điều kiện kinh tế ở mức độ bình thường; 41,3% người nhận con nuôi có trình độ học vấn thấp; 65% người nhận trẻ em làm con nuôi ở trên chính địa bàn nơi mình sinh sống. Lý do nhận con nuôi chủ yếu là vì không có con cái (chiếm 65%), muốn giúp đỡ người thân trong gia đình gặp phải khó khăn (chiếm 15,4%) và muốn chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi (chiếm 19,6%). Người nhận con nuôi đa số có mối quan hệ quen biết hoặc quan hệ họ hàng với trẻ em được nhận làm con nuôi. Đặc biệt, phần lớn người nhận con nuôi trong nước nhận trẻ em có tình trạng sức khỏe bình thường, sức khỏe tốt làm con nuôi, chưa kể còn có sự lựa chọn giới tính của trẻ.

Thực tế này cũng được Nữ tu Mary Nguyễn Thị Thanh Mai – Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm tình thương Lagi chia sẻ. Theo bà Mai, nhiều gia đình trong nước đến Cơ sở tìm kiếm con nuôi, nhưng hầu hết họ chỉ thích chọn lựa các cháu sơ sinh, các cháu nhỏ tuổi, trông thông minh, lanh lợi, xinh đẹp để đáp ứng nhu cầu gia đình hiếm muộn không có con. Tuy nhiên, bà Mai khẳng định, Cơ sở luôn đặt ưu tiền hàng đầu cho người mẹ ruột có cơ hội nhận lại trẻ trong giai đoạn trẻ từ 0 – 5 tuổi.

Trong khi đó, các gia đình nước ngoài thường có điều kiện kinh tế ổn định, chỗ ở phù hợp với việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Người nước ngoài cũng rất sẵn sàng nhận trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi và không phân biệt giới tính của trẻ. Tổng hợp hơn 3 nghìn báo cáo theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài cho biết, trẻ em có tình trạng sức khỏe đặc biệt mà các gia đình nước ngoài nhận nuôi được tích chực chữa trị, phẫu thuật và điều trị kịp thời, có trẻ em còn được cấy ghép nội tạng ở nước ngoài, tính mạng được bảo toàn.

Phải đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu

Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Thị Hảo nhận xét: Trong giai đoạn 2012-2016, công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước và quốc tế nhìn chung đã đi vào nền nếp, dần đưa pháp luật vào đời sống thực tiễn. Qua đó nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tìm được gia đình thay thế trong nước và nước ngoài, góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, ở Trung ương còn một số điểm hạn chế như ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi chưa đồng bộ, tiến độ thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Tại địa phương, Sở Tư pháp và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa chủ động rà soát, đánh giá điều kiện của các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập để tham mưu cho UBND cấp tỉnh mở rộng diện các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, dẫn đến tình trạng còn một số lượng lớn cơ sở trợ giúp xã hội chưa được chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Bàn về tình trạng này, Trưởng phòng Hộ tịch, Quốc tịch (Sở Tư pháp TP HCM) Nguyễn Triều Lưu phản ánh, tại TP HCM, hơn nửa trẻ em được nuôi trong cơ sở tư nhân, trong khi đó theo quy định của Luật Nuôi con nuôi các cơ sở nuôi tư nhân phải đủ điều kiện và được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố mới được cho nhận nuôi con nuôi nước ngoài. Theo ông Lưu, vấn đề là phải đặt quyền lợi của trẻ em khó khăn, bệnh tật có nhu cầu được làm con nuôi nước ngoài lên hàng đầu, chứ không phải nặng về hình thức, điều kiện của các cơ sở nuôi trẻ em.

Không những thế, trong giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài vẫn còn tồn tại tư duy và nhận thức cũ, gắn việc cho nhận con nuôi với việc hỗ trợ nhân đạo. Ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực, các tổ chức con nuôi nước ngoài dừng hẳn hoạt động hỗ trợ nhân đạo mặc dù pháp luật Việt Nam khuyến khích việc hỗ trợ nhân đạo. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng chưa hiểu rõ nguyên tắc tách bạch giữa hoạt động nuôi con nuôi quốc tế và hỗ trợ nhân đạo được thực hiện như thế nào. Việc lúng túng trong hỗ trợ nhân đạo và trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức con nuôi nước ngoài khiến việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài sụt giảm.

Uyên San

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/chua-nguoi-viet-nao-nhan-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet-lam-con-nuoi-308182.html