Chưa lường hết được hiểm họa từ các trang trại

Cuộc họp báo ngày 27.7.2016, công bố các tài liệu điều tra công phu của Báo Lao Động và ENV đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới tại Hà Nội.

Từ các điều tra độc lập của nhóm PV Báo Lao Động, trong gần 2 năm, chúng tôi đã có sự phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) điều tra 26 trang trại nuôi nhốt nhiều động vật hoang dã (ĐVHD) của 10 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam. Sau khi khởi đăng phóng sự về những “mờ ám” và các trò phù phép tại nhiều trang trại ĐVHD ở Việt Nam, trong các ngày 26 và 27.7.2016, các cuộc tọa đàm và họp báo đã diễn ra để bàn thảo về chủ đề được dư luận quan tâm này.

Ý kiến của cơ quan chức năng, các nhà khoa học chân chính, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, một lần nữa khiến tất cả chúng ta thấy rằng: Phải khẩn thiết xem lại các quyết sách trong bảo tồn ĐVHD và ĐVHD quý hiếm hiện nay, cũng như trong thời gian tới. Liệu việc cho phép nhân nuôi thương mại có phải là lá bài để ĐVHD quý hiếm ở Việt Nam đi vào tuyệt chủng không?

Khuyến khích các thợ săn biến động vật thành... đồ vật

PGS-TS Lê Xuân Cảnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - bày tỏ quan điểm dứt khoát, quyết liệt: “Cơ quan quản lý còn rất lúng túng trong việc xử lý các vụ việc liên quan tới các loài hoang dã nguy cấp quý hiếm, trong giải quyết các thủ tục cấp phép gây nuôi bảo tồn và gây nuôi thương mại. Có lẽ các nhà quản lý cũng chưa thể hình dung được hết những mối lo ngại hoặc hiểm họa từ các trang trại nuôi các loài ĐVHD quý hiếm”. Ông Cảnh nhấn mạnh: “Các trại nuôi nếu không được quản lý tốt, chắc chắn sẽ là nơi hợp pháp hóa các cá thể bị khai thác trái phép ngoài tự nhiên. Một khi sự việc này diễn ra là sự khuyến khích rất lớn đối với các thợ săn hoặc người dân trong vùng săn bắt các loài để cung cấp cho trại nuôi”.

Để phản bác lại các ý kiến “lãng mạn” và chưa thật sự có trách nhiệm với môi trường, khi cho rằng trang trại sẽ có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn, PGS-TS Lê Xuân Cảnh phân tích cặn kẽ: “Chúng ta cũng nên hiểu rõ công tác bảo tồn động vật là gì, khu bảo tồn động vật như thế nào và cơ sở bảo tồn ra đời nhằm mục đích gì? Theo quan điểm của các nhà bảo tồn thì khu bảo tồn là nơi mà động vật được nghỉ ngơi, được tôn trọng và không bị đối xử như đồ vật. Như vậy, khi nuôi nhốt động vật phải tạo cho chúng nhiều cơ hội để tương tác, các khu bảo tồn phải có nguồn kinh phí ổn định để chăm sóc động vật. Nếu không đáp ứng được các cơ sở nuôi bảo tồn thì các trang trại gây nuôi ĐVHD chỉ mượn bảo tồn làm cái cớ cho hoạt động của mình, trong khi thì, thực tế là họ tổ chức gây nuôi vì mục đích lợi nhuận. Những nhà bảo tồn chân chính luôn ủng hộ các chương trình bảo tồn để bảo vệ ĐVHD trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng, chứ không phải trong trang trại”.

Đồng quan điểm với PGS Cảnh, bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV - phân tích những bất cập núp bóng bảo tồn hổ trong trang trại ở Việt Nam. Theo đó, năm 2007 các tổ chức bảo tồn đã có thư kiến nghị lên Chính phủ về việc tịch thu 55 cá thể hổ bất hợp pháp được phát hiện tại 5 cơ sở không phép. Vì chúng đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Nhưng chúng ta đã “nhân nhượng” cho các cơ sở này tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ đó, với mục đích thí nghiệm và bảo tồn. Từ đó, ENV đã theo dõi giám sát các cơ sở nuôi nhốt hổ này. Hiện tại số hổ nuôi nhốt của Việt Nam đã lên tới 181 cá thể, tại 14 cơ sở tư nhân. Báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2012 cũng công nhận, các cá thể hổ F1 sinh ra cũng không có ý nghĩa với bảo tồn hổ tự nhiên. Chúng ta đều biết, trong vài năm gần đây, các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam chỉ còn ít hơn 5 cá thể hổ tự nhiên (WWF) hoặc thậm chí không còn cá thể hổ nào ngoài tự nhiên nữa. Trong khi đó ENV thường xuyên điều tra và cho thấy các cá thể hổ ở trong trang trại đang được nuôi nhốt ở Việt Nam, có nhiều di biến động đáng ngờ. 9/14 trang trại có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ việc không khai báo đúng hổ sinh mới, hổ chết hay có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép. Các lần điều tra có thể thấy kích cỡ hổ thay đổi bất thường, hổ trưởng thành “biến” thành hổ con. Tài liệu của chúng tôi chỉ rõ, “gương mặt” (mỗi cá thể có các đường vằn vện khác nhau) hổ đã bị đánh tráo. Có thể họ đã giết con hổ họ nuôi rồi tuồn cá thể hổ khác từ nguồn săn bắt hoặc buôn lậu vào “thế chân”. Như vậy, chúng ta mới chỉ làm được một việc là gây nuôi vì mục đích thương mại thôi, chứ chưa làm được việc bảo tồn. Hổ Việt Nam biến mất với tốc độ đau lòng, đã là bằng chứng cho thấy, việc gây nuôi thương mại các loài nguy cấp quý hiếm có thể đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm người nhưng nó đe dọa đến sự đa dạng sinh học của nước nhà”. Chuyện tương tự diễn ra với 4.300 con gấu bị nuôi nhốt ở Việt Nam trước kia, chẳng có chủ trang trại nào “tử tế và lãng mạn” đến mức đóng cũi nuôi gấu trong góc tối tăm của nhà mình rồi hầu hạ nó ăn uống để... phục vụ bảo tồn cả. Mục đích của họ, nói thẳng ra là kinh doanh hút mật, lúc bị cấm đoán quá, lúc thị trường mật gấu không còn ai mua nữa, thì họ quay ra gạ khách mua.... tay gấu nấu cháo hoặc ngâm rượu.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn ĐVHD - lấy ví dụ về con tê tê: Cả Việt Nam, cả trung tâm bảo tồn tê tê, cũng chưa nuôi được tê tê sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, trừ vài con mang thai sẵn từ ngoài tự nhiên. Cả thế giới mới chỉ ghi nhận vài cá thể tê tê sinh sản trong vườn thú ở Singapore. Vậy mà ở Việt Nam, nhiều chủ trang trại vô tư cung cấp “giấy công nhận nguồn gốc cho tê tê” ở trang trại mình. Rồi họ buôn bán và bị bắt giữ liên tiếp hàng tạ, hàng tấn, thử hỏi hàng đó ở đâu? Hay đúng như khảo sát của Lao Động và ENV, 100% họ chỉ coi trang trại là nơi “hợp thức hóa” ĐVHD bị săn bắt và buôn lậu thôi (?!)

Vì sao lại có tình trạng như vậy? Ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - phân tích cặn kẽ: Vì chính kiểm lâm cũng không dễ gì phân biệt được động vật ở trang trại gây nuôi với ĐVHD vừa được bắt từ tự nhiên. Các lực lượng như Hải quan, Biên phòng, Công an thì càng gặp khó khăn hơn. Có trường hợp, chúng tôi điều tra thấy rõ, một người gom được vài chục kilogram rắn hổ mang chúa ở Quảng Trị, họ gọi điện thoại vào TPHCM nhờ người gửi ra một cái giấy phép vận chuyển, coi như “hàng” vừa xuất từ trang trại ở đó. Thế là chúng tôi vào bắt giữ, họ cũng vừa trờ tới đưa ra cái giấy đó, thế là hợp pháp tất cả, nếu chúng tôi không có đủ hồ sơ chứng minh sự gian dối của họ. Thủ đoạn của họ tinh vi đến mức khó tin nổi: Một cô gái ăn mặc lộng lẫy, xách một cái túi đẹp lên tàu hỏa đi ra Hà Nội rất thảnh thơi. Nhưng trong túi có một con rắn hổ mang chúa. Ra đến Hà Nội, cô có 5 triệu đồng đút túi.

CITES hoan nghênh các điều tra mang tính phát hiện của báo chí

Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Bộ NNPTNT) tỏ ra rất quan tâm đến loạt bài điều tra của Lao Động, trong cuộc trao đổi mà bà Giám đốc Hà Thị Tuyết Nga chủ động đặt vấn đề hôm 27.7, đã khiến nhiều vấn đề được sáng tỏ hơn. Bà Nga thẳng thắn: “Chúng tôi đang giao cho cơ quan quản lý cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký và quản lý các trang trại. Tuy nhiên tôi thấy, dù ở lĩnh vực nào thì tội phạm vẫn luôn (có thể) xảy ra. (Vì thế) mới cần cơ quan chức năng thực thi trách nhiệm, để chúng ta phát hiện và xử lý vi phạm. Thứ hai nữa là, (nếu chỉ căn cứ vào) sự vi phạm pháp luật của một vài cá nhân, hay một đơn vị nào đó, mà chúng ta cho rằng chúng ta không quản lý được (vấn đề gây nuôi ĐVHD) như vậy là chưa hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng chúng ta vẫn đang quản lý có hiệu quả, tuy nhiên việc phát hiện (các sai phạm) như nhà báo nói chúng tôi rất hoan nghênh khi các anh chị có trao đổi. Rõ ràng chúng ta phải có điều tra, chứng cứ, tất cả những cái đó đều (cần) được đưa ra xem xét và xử lý...”.

Tại buổi tọa đàm, vài đại biểu nói, “cho gây nuôi ĐVHD quý hiếm cũng góp phần tích cực cho bảo tồn”. Tiến sĩ Karanvir Kukreja - đại diện tổ chức World Animal Protection - đã đặt câu hỏi: “Trong khi thảo luận, tôi nghe thấy một số ý kiến ủng hộ hoạt động gây nuôi thương mại các loài nguy cấp quý hiếm và cho rằng, điều này giúp giảm áp lực lên quần thể tự nhiên. Vậy ở Việt Nam đã có trường hợp nào mà quần thể ĐVHD được tăng lên nhờ hoạt động gây nuôi chưa?”. Câu hỏi được Ban tổ chức gửi đến các đại biểu từ CITES Việt Nam, tuy nhiên, đại biểu của đơn vị này cho biết là: Không (chưa) có câu trả lời. Và cả hội nghị, không một ai trả lời được cả.

Cuối cùng thì, ủng hộ hay phản đối việc cho gây nuôi thương mại các loài ĐVHD quý hiếm ở Việt Nam, trong khi mà theo khảo sát ban đầu, 100% số trang trại được hỏi thừa nhận có tuồn ĐVHD từ tự nhiên vào, đồng thời “nhà nhà” tham gia mua bán giấy phép công nhận nguồn gốc cho ĐVHD? Chúng ta cần có tiếng nói từ lương tâm của mỗi người, mỗi cương vị của mình, đừng để quyết sách của chúng ta hôm nay lại ủng hộ cho việc trục lợi của một nhóm người nào đó, rồi cứ thế đẩy động vật quý hiếm của chung cả địa cầu vào con đường tuyệt diệt. Một khi điều đó diễn ra (như đã diễn ra với tê giác ở Việt Nam) thì dẫu ân hận thế nào, cũng vẫn là quá muộn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chua-luong-het-duoc-hiem-hoa-tu-cac-trang-trai-578115.bld