Chùa Hương hướng tới mùa lễ hội kỷ lục

GiadinhNet - Còn gần một tháng nữa mới đến lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) xuân Quý Tỵ nhưng công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội lớn nhất từ trước đến nay đã được Ban tổ chức cùng nhân dân địa phương chuẩn bị khá tươm tất.

Năm nay, sẽ có khoảng 4.800 thuyền. đò được đưa vào phục vụ du khách được tốt hơn.

Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, đây được coi là sự kiện hưởng ứng “Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng” tại Hà Nội.

7 vạn khách mỗi ngày

Hiện tại, hệ thống đường giao thông, biển báo, biển chỉ dẫn từ Hà Đông về suối Yến đã hoàn chỉnh. Ban tổ chức đã cho lắp đặt các cụm pano, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá phù hợp để mọi người có được những thông tin về khu di tích thắng cảnh, sơ đồ các khu vực thăm quan, giá vé các tuyến đò, giá đi cáp treo, các số điện thoại nóng...

Không tăng giá vé, giá đò

Phí thắng cảnh: 50.000 đồng/người/lượt (người cao tuổi và trẻ em vé còn 1/2)

Phí xuống đò: 40.000 đồng/người/lượt (đò chất lượng cao giá mỗi tuyến tăng thêm 5.000 đồng/người/lượt).

Vé đi cáp treo: Vé khứ hồi: 120.000 đồng/người (trẻ em dưới 1.2m: 80.000 đồng/người). Vé một chiều: 80.000 đồng/người (trẻ em: 50.000 đồng/người).

Lực lượng tham gia phục vụ lễ hội, đặc biệt là an ninh trật tự được bố trí dày đặc tại các điểm di tích và các khu vực trọng điểm tập trung đông du khách như: Động Hương Tích, suối Giải oan, Thiên Trù, bến Yến, đền Trình, Trung tâm xã Hương Sơn… sẵn sàng giải quyết mọi tình huống bất ngờ.

Lòng suối Yến trước đó cũng đã được khơi thông dòng chảy và dọn vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, UBND xã Hương Sơn đã tiến hành kiểm tra đăng kí, đăng kiểm, gắn biển số quản lý, bổ sung thêm thuyền nhằm phục vụ cho hành khách trong những ngày lễ hội sắp tới. Dự kiến, lễ hội chùa Hương 2013 đón trên 1,5 triệu lượt du khách.

Hòa thượng Thích Đạo Dung, chùa Thiên Trù cho biết: “Ngày thường trung bình số du khách đến chùa lễ phật là 2 - 3 trăm người, còn ngày lễ hội con số lên đến 6 - 7 vạn người. Mặc dù đông khách nhưng nhà chùa luôn cố gắng chuẩn bị phục vụ du khách thập phương lễ chùa từ ăn uống, ngủ nghỉ chu đáo với sự giúp sức của hàng trăm Phật tử”. Cũng theo Hòa Thượng Thích Đạo Dung, hiện chùa có chỗ nghỉ cho khoảng 300 du khách. Ngoài ra, chùa còn đang xây dựng Hiển lâm các là nơi tổ chức các hội nghị, các buổi giảng pháp để phục vụ các hoạt động tôn giáo được tốt hơn.

Lễ hội năm nay vẫn được tổ chức theo đúng tinh thần Phật giáo với những hoạt động truyền thống: khai hội vào ngày 6 tháng Giêng giống như hằng năm tại sân Thiên Trù, lễ rước rồng của cư dân địa phương trên dòng suối Yến cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác. Điều này sẽ gìn giữ nét đặc sắc, độc đáo của lễ hội chùa Hương hàng trăm năm qua, để lòng người lại nô nức mỗi độ xuân về.

Đúng như tâm nguyện của Thượng tọa Thích Minh Hiền – Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Hương: “Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, lễ hội chùa Hương 2013 sẽ có nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh và giới thiệu với khách thập phương về giá trị truyền thống của lễ hội lâu đời này cũng như văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.”

Sẽ cấm kinh doanh trong chùa, động

Năm nay, Lễ hội có một số hoạt động mới mẻ, đặc sắc như lễ rước cá thần từ Thanh Hóa, cá trong ao cá Bác Hồ (Ba Đình, Hà Nội) để tiến hành phóng sinh trên suối Yến, vào ngày 23 tháng Giêng, triển lãm ảnh "Những ngôi chùa Việt cổ",…

Để công tác chuẩn bị diễn ra đồng bộ và chu đáo, các hộ kinh doanh, buôn bán và các chủ đò vận chuyển khách đã được ban quản lý di tích lễ hội chùa Hương tổ chức họp bàn và thông qua một số quy định cụ thể nhằm phục vụ cho mùa lễ hội.

Chị Phạm Thị Thảo, 28 tuổi, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội cho biết: “Ban tổ chức đã nghiêm cấm kinh doanh ở trong các chùa, động, cấm bán súng nhựa Trung Quốc và các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội”. Lễ hội là dịp chị bán hàng chạy nhất trong năm với thu nhập 300 - 400 ngàn đồng/ngày, trong khi ngày thường chỉ được 70 - 80 ngàn đồng.

Đối với các chủ đò, việc đảm bảo an toàn cho du khách khi thưởng ngoạn trên suối Yến là vô cùng quan trọng. Bà Bùi Thị Thư, 51 tuổi, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội, là một người chèo đò lâu năm chia sẻ “Chúng tôi được Ban quản lý cho tham gia một lớp tập huấn an toàn giao thông đường sông, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Đò của chúng tôi thiết kế cho 12 người nhưng chỉ chở 10 người”.

Cùng với những ngày lễ hội sắp đến sẽ là dịp để người dân địa phương kiếm thêm thu nhập với những đặc sản quê hương như tôm tươi suối Yến (được định giá 120 ngàn đồng/kg) hay rau Sắng được trồng trên núi (250 – 300 ngàn đồng/kg) bán cho du khách thập phương về làm quà.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm 2013 với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự nỗ lực, cố gắng của nhà chùa, ban quản lý, cũng như nhân dân nơi đây hứa hẹn mang đến cho du khách một mùa lễ hội an toàn, vui vẻ, với những hoạt động tâm linh trang trọng, linh thiêng.

Diệu Hương - Minh Khuê

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chua-huong-huong-toi-mua-le-hoi-ky-luc-2013012110309617.htm